Hành vi giả danh thầy tu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Chuyên gia pháp lý đánh giá, các đối tượng sử dụng facebook để quảng cáo, đồng thời giả danh thầy tu qua điện thoại để lừa khách hàng tin tưởng mua sản phẩm, chiếm đoạt khoảng 2,8 tỷ đồng có thể bị xử lý mức cao nhất của tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.

Lực lượng Công an đột kích "văn phòng" của các đối tượng giả danh nhà sư để bán thuốc. Ảnh CQCA

Lực lượng Công an đột kích "văn phòng" của các đối tượng giả danh nhà sư để bán thuốc. Ảnh CQCA

Giả danh nhà tu để bán thuốc nam tự chế

Qua quá trình nắm tình hình địa bàn và theo dõi các hội nhóm trên mạng xã hội, Đội Cảnh sát Hình sự, CA huyện Ba Vì đã phát hiện một nhóm đối tượng do Trần Huy Hoàng (SN 2002, trú tại thôn Quang Ngọc, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội) cầm đầu, đã lợi dụng không gian mạng để lừa đảo những người có nhu cầu chữa bệnh xương khớp, quảng cáo các sản phẩm không có công dụng thực sự để thu lời bất chính. CA huyện Ba Vì xác định đây là một vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân. Vì vậy, CA huyện Ba Vì đã xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá ổ nhóm lừa đảo này.

Ngày 16/8, CA huyện Ba Vì đã bắt giữ 15 đối tượng liên quan, các vật chứng thu giữ gồm: 42 điện thoại di động, 15 máy tính cá nhân, 11 xe máy, 1 máy tạo viên thuốc, 16 gói thuốc lá cây, cùng nhiều tài liệu khác... Qua xác minh nhanh, lực lượng chức năng thu giữ thêm 41 hộp thuốc chữa xương khớp và dạ dày từ 15 bị hại ở các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Tổng số đơn hàng mà nhóm này đã giao thành công lên tới hơn 1.400 đơn với tổng trị giá khoảng 2,8 tỉ đồng.

Theo lời khai của các đối tượng, đầu năm 2023, Trần Huy Hoàng đã quen biết với Dương Quốc Lập (SN 1998, trú tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), là một người cùng làm công ty bán thuốc nam ở Hà Nội. Hoàng và Lập nhận thấy, nhu cầu mua thuốc nam của khách hàng tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm do sư thầy Thích Tuệ Hải, trụ trì của Long Hương ở tỉnh Đồng Nai. Nhận thấy cơ hội kiếm lời bất chính, Hoàng và Lập đã quyết định giả danh thầy Thích Tuệ Hải trên mạng xã hội để bán các sản phẩm tự chế, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Để thực hiện kế hoạch, Hoàng thuê một căn nhà tại đường Phú Mỹ, thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì làm văn phòng làm việc cho “nhân viên”. Nhóm này chủ yếu gồm những người không có việc làm ổn định, được Hoàng lôi kéo tham gia. Các đối tượng sử dụng facebook để quảng cáo, đồng thời giả giọng thầy tu qua điện thoại để lừa khách hàng tin tưởng mua sản phẩm.

Những loại thuốc mà nhóm đối tượng này bán được chế tạo từ các lá và thân cây như cây sung nước, cây xấu hổ, lá lốt, cây máu người... với giá nhập chỉ khoảng 17.000 - 25.000 đồng nhưng được bán ra với giá từ 250.000 - 300.000 đồng một hộp.

Theo CQCA, Trần Huy Hoàng là người cầm đầu, phân công nhiệm vụ cho các đối tượng khác. Cụ thể: Dương Quốc Lập chịu trách nhiệm quảng cáo, giới thiệu và tư vấn trên mạng xã hội facebook. Lập tạo lập nhóm trên telegram để điều hành nhân viên tư vấn bán sản phẩm; các đối tượng khác trong nhóm được phân công thu mua nguyên liệu và giao hàng cho khách; hỗ trợ phân chia thông tin khách hàng và trực tiếp tham gia quảng cáo, bán sản phẩm; nhận các sản phẩm, in đơn, đóng gói và gửi hàng qua đơn vị vận chuyển trung gian… Nhóm này còn tạo lập nhiều nhóm telegram để quản lý và nhắc nhở nhân viên. Khi Lập không thể tham gia, Hoàng sẽ thay thế quản lý toàn bộ hoạt động của nhóm. Hiện CA huyện Ba Vì đang tiếp tục mở rộng vụ án.

Các đối tượng có thể bị xử lý mức cao nhất?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay trên không gian mạng xã hội, nhiều đối tượng đã giả danh cán bộ trong các cơ quan như: CA, Viện kiểm sát, Tòa án, nhà sư… để lừa đảo thông qua một số hình thức phổ biến như kết bạn tặng quà, giả mạo, hack tài khoản mạng xã hội; lừa trúng thưởng, bán các sản phẩm giả, kém chất lượng… Rất có thể các đối tượng giả danh sư thầy Thích Tuệ Hải để bán thuốc khiến nhiều người dân tin tưởng và dính bẫy.

Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trường hợp có đầy đủ căn cứ, người có hành vi mạo danh để lừa đảo bán sản phẩm giả, kém chất lượng nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt. Người chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vụ án trên cảnh báo tình trạng lừa đảo bán hàng trực tuyến, đặc biệt là các sản phẩm chữa bệnh chưa được kiểm chứng. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng, nhưng vẫn có người dân vì thiếu thông tin mà bị lợi dụng, vừa mất tiền vừa có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cơ quan CSĐT khuyến cáo người dân cần cẩn trọng hơn khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe qua mạng xã hội, nên đến trực tiếp các cơ sở y tế và nhà thuốc được cấp phép để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo này.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hanh-vi-gia-danh-thay-tu-de-lua-dao-chiem-doat-tai-san-bi-xu-ly-nhu-the-nao-397287.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjayndewmdcymzi5ntq=&secureurl=bd
Zalo