Hành trình viết nên bản lĩnh 'bông hồng thép'
138 nữ tân binh đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước đang học tập, rèn luyện ở Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12, TP.HCM) với tinh thần quyết tâm cao nhất và khát khao cống hiến cho môi trường quân đội.

Video: Hành trình tôi luyện "Bông hồng thép"

Những nữ tân binh bắt đầu một ngày tập luyện tại Trường Quân sự Quân khu 7.
Chúng tôi tìm đến Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12, TP.HCM) vào những ngày giữa tháng 3 trời Sài Gòn nắng như đổ lửa. Bước qua cổng doanh trại, đón chúng tôi là Đại úy Lê Thanh Long, Đại đội trưởng Đại đội 11, người trực tiếp chỉ huy và huấn luyện 138 nữ tân binh trong ba tháng quân trường.





5 giờ 15, khi tiếng chuông báo thức vang lên, những tân binh nhanh chóng tập hợp xuống sân thể dục, làm vệ sinh khuôn viên trường. Không váy áo thướt tha, họ khoác lên mình bộ quân phục, chỉ kịp thoa lớp kem chống nắng và điểm nhẹ chút son môi. Những thói quen cũ dần nhường chỗ cho kỷ luật thép.
Một ngày mới tại Trường Quân sự Quân khu 7 bắt đầu trong nhịp độ khẩn trương. Bữa sáng được gói gọn trong ít phút nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng để các nữ tân binh có đủ năng lượng cho ngày huấn luyện. Sau bữa ăn, họ có 30 phút chuẩn bị dụng cụ học tập, nhiều người tranh thủ chỉnh trang nội vụ cho ngay ngắn.






Nữ chiến sĩ căn chỉnh nội vụ mỗi buổi sáng.

Các chiến sĩ ra thao trường tập luyện.
Đúng 7 giờ, khi những ánh nắng đầu ngày đã hâm nóng không khí cũng là lúc các cô gái trẻ ra thao trường. “Trung đội 2 thành hai hàng dọc, tập hợp", tiếng của Trung đội trưởng vừa dứt, các chiến sĩ nhanh chóng cơ động vào vị trí.
Sáng nay, các nữ tân binh ôn tập điều lệnh đội ngũ tay không. Đây là một trong những nội dung học ngoại khóa nhưng rất quan trọng của người lính. Họ kiên trì tập luyện theo khẩu lệnh của người chỉ huy, từng động tác được thực hiện dứt khoát. Những đôi chân đi đều nhịp nhàng theo một thể thống nhất, mạnh mẽ giữa khoảng sân rộng lớn. Mỗi cử động, đánh tay họ đều thực hiện với tinh thần tập trung cao độ.




Chiến sĩ Trung đội 2 trong giờ học điều lệnh đội ngũ tại thao trường Trường Quân sự Quân khu 7.
Trong hàng ngũ, Mai Trần Thanh Trúc, quê Trà Vinh, thuộc đơn vị Quân khu 9, nổi bật với dáng vẻ rắn rỏi và ánh mắt kiên định. Sau một năm làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cô quyết định rẽ hướng, tự nguyện khoác lên mình màu áo lính. “Từ khi nhập ngũ, tôi đã được rèn luyện qua nhiều nội dung như điều lệnh đội ngũ, bắn súng, bơi lội và các bài tập thể lực. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách, nhưng cũng là cơ hội để tôi trưởng thành hơn” - Trúc cười nói.
Tương tự, Nguyễn Lê Dung, 27 tuổi, quê Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và đang làm việc tại một công ty. Dù công việc ổn định, nhưng tình cảm dành cho quân đội và khát khao thử thách bản thân đã thôi thúc cô viết đơn tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ công dân. Nhìn vẻ ngoài dịu dàng, có phần “tiểu thư” nhưng khi bước vào quân ngũ, cô lại thể hiện sự chịu khó và quyết tâm không kém gì các chiến sĩ nam.
“Trước khi nhập ngũ, tôi lo lắng về cái nắng oi ả ở Sài Gòn và sợ ảnh hưởng đến làn da. Nhưng khi bắt đầu quen với môi trường nơi đây, mọi sợ sệt trong tôi đều tan biến. Dậy sớm, tuân thủ giờ giấc, tôi cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn, mồ hôi ra nhiều hơn và làn da cũng được cải thiện. Trái ngược với những ngày đi làm về chỉ muốn nghỉ ngơi, giờ đây dù tập luyện mệt nhưng sáng hôm sau tôi lại cảm thấy tràn đầy năng lượng” - Nguyễn Lê Dung chia sẻ.


Gần đó, không khí luyện tập thể lực của Trung đội 5 cũng sôi nổi không kém. Trung úy Đào Đức Hiếu, Trung đội trưởng đang chậm rãi hướng dẫn các tân binh thực hành bài tập nâng người trên xà kép. Đứng trước thử thách, chiến sĩ Nguyễn Thị Mai Phương dù quyết tâm nhưng sau nhiều lần thử sức, đôi tay cô vẫn chưa đủ lực kéo cơ thể lên để chinh phục bài tập.
Ngay lúc ấy, hai đồng đội bước tới, không một lời nói, họ nhẹ nhàng đỡ lấy cô, giúp cô nhích từng chút một lên khỏi mặt đất. Và cuối cùng cũng nâng được người lên xà, cô gái trẻ nở nụ cười rạng rỡ, hơi thở còn gấp gáp nhưng ánh mắt sáng lên niềm tự hào. Xung quanh, tiếng vỗ tay vang lên khích lệ. Ở đây, không ai bị bỏ lại phía sau - họ là đồng đội, là chỗ dựa vững chắc để cùng nhau vượt qua mọi thứ.


Trung đội 5 trong giờ rèn luyện thể lực tại Trường Quân sự Quân khu 7.


Đúng 11 giờ, các chiến sĩ trở về phòng để vệ sinh cá nhân, sau đó tập trung ở nhà ăn. Họ có khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn nhưng quý giá để tái tạo sức lực, chuẩn bị cho buổi chiều tập luyện với nhiều nội dung mới.




Chiến sĩ chuẩn bị cho thao trường buổi chiều.

13 giờ 15, tiếng chuông báo động vang lên, các chiến sĩ nhanh chóng ra thao trường. Các nữ tân binh đứng thành hàng ngay ngắn, trên vai vác súng, bao xe (đựng đạn) đeo ngang hông, cuốc hoặc xẻng được cố định sau lưng.
Chiều nay, họ sẽ tập luyện chiến thuật nơi những triền đất khô, bãi cỏ lác đác và khu vực bãi tập chuyên dụng. Tại đây các chiến sĩ học nhiều tư thế, động tác cơ bản trong chiến đấu như đi, bò, trườn…




Trung úy Đào Đức Hiếu, Trung đội trưởng Trung đội 5 đang huấn luyện các chiến sĩ mới các tư thế trong chiến đấu.




Dù thời tiết nắng nóng, các chiến sĩ nữ vẫn cố gắng hoàn thành bài tập.
Trung úy Đào Đức Hiếu, Trung đội trưởng Trung đội 5, Trường Quân sự Quân khu 7, cho biết thời gian đầu khi mới làm quen với các bài huấn luyện, các chiến sĩ còn khá bỡ ngỡ, tuy nhiên rất nhanh sau đó họ đã bắt kịp với cường độ luyện tập. Dù mệt nhưng các chiến sĩ mới luôn quyết tâm và tiến bộ rất nhanh sau mỗi lần được hướng dẫn.
“Qua một thời gian các chiến sĩ về đây học tập, tôi nhận thấy bản thân các chiến sĩ đã trưởng thành hơn rất nhiều. Từ những ngày đầu còn lúng túng, giờ đây họ đã nhanh nhẹn, dứt khoát với tác phong quân nhân chuẩn mực. Mặc dù đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng trong ngôi nhà chung này, họ đoàn kết như một gia đình, cùng nhau vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần đồng đội cao nhất” - Thiếu tá Lê Thị Hằng, Chính trị viên phó, Đại đội 11, đánh giá.


Thượng tá Nguyễn An Hòa huấn luyện tân binh học bộ môn thuốc nổ.
Tốt nghiệp thủ khoa Khoa Kế toán của Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội), từ nhỏ Nguyễn Thị Hồng Nhung đã ước mơ trở thành một quân nhân giống như ba mẹ mình. Những ngày đầu trong quân ngũ, Nhung cảm nhận rõ sự mới mẻ, từ việc xa nhà cho đến làm quen với lối sống kỷ luật.
"Ba mẹ tôi hay nói rằng, bộ đội gì cũng nhất, cực nhất bộ đội mà vui nhất cũng bộ đội” - Nhung cười chia sẻ. Và giờ đây, cô đã thấm thía điều đó. Những vất vả mà cô trải qua là bài học quý giá giúp cô trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Trong tình thương và sự sẻ chia của đồng đội, cô cảm nhận rõ mình đang dần trở thành một phần của tập thể đoàn kết.
Dù rèn luyện trong môi trường quân đội đầy kỷ luật, những cô gái ấy vẫn giữ cho mình những nét riêng rất con gái. Trước giờ huấn luyện, họ tranh thủ tô chút son hồng để khuôn mặt thêm tươi tắn. Buổi tối rảnh rỗi, vài cô ngồi tỉ mỉ làm đẹp cho nhau, có khi còn hào hứng chia sẻ bí quyết chăm sóc da giữa thao trường đầy nắng gió.
Trong màu áo lính mạnh mẽ là trái tim tràn đầy sức sống của tuổi đôi mươi, họ quyết tâm, bản lĩnh nhưng vẫn yêu cái đẹp. “Đẹp để tự tin, đẹp để có thêm động lực rèn luyện thật tốt” - một nữ tân binh nói to.

Chiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung (giữa) cùng các đồng đội tại thao trường Trường Quân sự Quân khu 7.



“Ba ơi, thời gian vừa qua, con gái ba đã nhìn theo gương và truyền thống của gia đình. Sự động viên rất nhiều từ ba đã khích lệ con cố gắng học tập, huấn luyện tốt tại môi trường quân đội…Nơi đây đã cho con rất nhiều trải nghiệm, lòng biết ơn và tình yêu đất nước” - nắn nót những dòng chữ trong quyển sổ tay chiến sĩ, Võ Thị Thanh Hà không khỏi xúc động xen lẫn tự hào.

Võ Thị Lâm Hà, 22 tuổi, quê Bình Thuận, từng theo học ngành Dược tại trường Cao đẳng Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Ngay từ những năm cấp ba, cô đã ấp ủ mong muốn trở thành người lính. Sau khi tốt nghiệp, cô có một năm làm việc bên ngoài, sau đó nộp đơn xin tham gia và may mắn trúng tuyển trong đợt nghĩa vụ quân sự này.
Tuy nhiên, hành trình của Hà không dễ dàng. Một tuần trước khi nhập ngũ, mẹ cô đột ngột qua đời vì đột quỵ. "Lúc đó là mùng 6 Tết, em đang trên đường từ Bình Thuận lên Sài Gòn để thu xếp đồ đạc. Khi nghe tin, em như chết lặng. Trước đó vài giờ, mẹ còn chuẩn bị hành lý cho em, vậy mà..." - cô nghẹn giọng.
Cú sốc quá lớn khiến Hà suy sụp. Là con gái đầu trong gia đình, cô cảm thấy trách nhiệm đè nặng khi phải rời xa ba và hai em nhỏ. "Ba là người động viên em nhiều nhất. Ông nói: ‘Mẹ luôn muốn con phải là đứa con gái kiên cường, con phải đi và làm những điều con đã chọn’" - Hà kể.


Những ngày đầu trong đơn vị, cô gái trẻ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đồng đội và cán bộ chỉ huy. Sự động viên ấy giúp cô từng bước lấy lại tinh thần, hòa nhập với môi trường quân đội. "Bây giờ, động lực lớn nhất của em là ba. Em mong ba có sức khỏe, chờ ngày em trở về trong hình dáng một cô gái giỏi giang hơn" - Hà nhấn mạnh.
Giữa buổi giải lao, tiếng đàn mộc mạc vang lên những giai điệu quen thuộc của bài hát “Ba kể con nghe”, cả Tiểu đội 5 cùng nhau cất giọng.
"Khi xưa ba bé hơn đàn
Nghe guitar rung lên không bao giờ xao lãng
Dây buông dây bấm ngân vang, âm thanh đi khắp không gian..."




Ngoài những lúc tập luyện ở thao trường Trường Quân sự Quân khu 7, các chiến sĩ còn có những giây phút sinh hoạt gắn kết tình đồng đội.
Từng nốt nhạc vang lên giữa thao trường đầy nắng, nhưng trái tim Mai Xuân Khánh lại trĩu nặng nỗi nhớ không nói thành lời. Cô khẽ cúi đầu, bờ vai run lên, dù cố kìm nén nhưng đôi mắt đã đỏ hoe, nước mắt chợt lăn dài trên gò má.
Đồng đội bên cạnh nhận ra, nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô. Một người khẽ hỏi: "Cậu nhớ nhà à Khánh?" Khánh gật đầu, giọng lạc đi trong cảm xúc: “Mình nhớ ba...!” Xung quanh, những ánh mắt đồng cảm dõi theo cô. Một người khẽ siết lấy tay Khánh động viên.
Khánh hít sâu, rồi khẽ lau những giọt nước mắt. Cô ngước nhìn đồng đội, nở một nụ cười dù vẫn còn ướt lệ. Xa nhà là thử thách, nhưng tình đồng đội đã an ủi, giúp cô có nơi để tựa vào.

Các Trung đội duyệt đội ngũ vào cuối ngày.

Nữ tân binh Nguyễn Thị Hồng Nhung gọi điện thoại về nhà hỏi thăm mẹ.
Trong quân ngũ, điện thoại là thứ xa xỉ. Không tin nhắn, không cuộc gọi. Thế nhưng, vào những dịp đặc biệt hoặc cuối tuần, Đại đội trưởng và cán bộ phụ trách sẽ cho các nữ tân binh mượn điện thoại để gọi về nhà. Chiếc điện thoại nhỏ bé bỗng trở thành cầu nối thiêng liêng với gia đình.
Nguyễn Thị Hồng Nhung ngồi trước màn hình, mắt đỏ hoe khi nhìn thấy mẹ. Ở đầu dây bên kia, bà Nguyễn Lệ Hằng cố kìm xúc động, giọng dịu dàng nhưng không giấu được nỗi nhớ thương. “Chị em trong đấy đoàn kết, giữ gìn sức khỏe, chịu khó ăn uống vào nha con” - bà dặn dò. Nhung gật đầu, nghẹn giọng đáp: “Trong này con khỏe, bố mẹ ở nhà cũng vậy nhé”.
Còn Dung, khi nhìn mẹ qua màn hình, khuôn mặt thoáng nét tủi thân. "Mẹ ơi, da con đen nhẻm hết rồi, không còn xinh đẹp nữa" - cô than thở, giọng pha chút nhõng nhẽo với mẹ. Phía bên kia, mẹ của Dung bật cười, ánh mắt hiền từ. "Đen một chút có sao đâu con, quan trọng là con mạnh mẽ, trưởng thành hơn. Cố gắng lên, mẹ tự hào về con" - bà nhẹ nhàng động viên. Dung mỉm cười gật đầu.

Buổi tối trong khuôn viên Trường Quân sự Quân khu 7, các chiến sĩ tham gia sinh hoạt tổ, nghe đọc báo và xem thời sự.






Sau một ngày vất vả, 21 giờ 30 các tân binh trở về phòng ngủ. Những bài tập còn chờ các cô gái ở thao trường vào ngày mai.

138 nữ tân binh đang học tập tại Trường Quân sự Quân khu 7 đều là những người cô gái trẻ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, mang theo những câu chuyện, những giấc mơ và cả nỗi niềm riêng. Ba tháng rèn luyện trong quân ngũ là thử thách đầu tiên trên hành trình của người lính, làn da có thể rám nắng, đôi tay có thể chai sần nhưng chính những ngày tháng này sẽ giúp họ vững vàng hơn bao giờ hết.
*****************
“Tây Ninh, ngày 27-3-2025…”
“Vậy là con chính thức rời xa mái nhà thân yêu - nơi có cha mẹ, anh chị em và những bữa cơm ấm cúng trong ngôi nhà thân thuộc. Con tạm biệt những buổi trưa rảnh rỗi cùng bạn bè ở hàng quán quen, rời xa mảnh đất bình yên, đường mòn đến lớp. Và cả… người con gái con thương”.