Hành trình từ 'quốc bảo' đến di sản văn hóa thế giới

Quần thể danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi kết tinh và lan tỏa tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền Phật giáo đặc trưng của Việt Nam do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào cuối thế kỷ XIII.

Đây không chỉ là quần thể tôn giáo, tín ngưỡng đơn thuần, mà là một không gian lịch sử, văn hóa, học thuật đặc biệt, nơi dung hợp giữa tư tưởng phương Đông và bản lĩnh bản địa, giữa sự giác ngộ tâm linh và tinh thần nhập thế hành đạo vì dân vì nước.

Việc UNESCO công nhận Quần thể di sản này là Di sản Văn hóa Thế giới chính là sự khẳng định tầm vóc quốc tế của tinh thần Trúc Lâm, một trường phái Phật giáo bản địa duy nhất của Việt Nam mang trong mình triết lý sống nhân văn, tự tại và trách nhiệm.

Đây là lần đầu tiên thế giới chính thức ghi nhận một hệ tư tưởng Phật giáo phát triển độc lập từ nền văn hóa Việt Nam là một phần của di sản chung nhân loại. Quan trọng hơn, đây không chỉ là sự tôn vinh giá trị quá khứ, mà là sự đánh thức chiều sâu tâm linh, đạo lý, trí tuệ của người Việt trong hành trình hiện đại hóa đất nước.

Trong thời đại nhiều biến động hôm nay, tinh thần “cư trần lạc đạo”, sống giữa đời thường mà vẫn giữ tâm thanh tịnh, phụng sự cộng đồng mà không lạc mất chính mình, càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Việc quần thể Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc được ghi danh không phải là một sự kiện bất ngờ hay thành quả đến từ nỗ lực đơn lẻ. Trái lại, đó là kết quả của một hành trình chuẩn bị bài bản, đầy kiên trì và có tầm nhìn dài hạn suốt nhiều thập kỷ, với sự chung tay của các địa phương, các nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và cả cộng đồng dân cư sống trong vùng di sản.

Hành trình từ “quốc bảo” đến “di sản nhân loại” là một câu chuyện về ý chí và tầm nhìn. Không chỉ có ý nghĩa khẳng định giá trị văn hóa của Việt Nam trên bản đồ thế giới, việc ghi danh còn là bước đệm quan trọng để Việt Nam tiếp tục hình thành các hành lang di sản quốc gia, tiến tới xây dựng một “chiến lược di sản mềm” trong phát triển đất nước, nơi di sản không chỉ là thứ để ngắm nhìn, mà còn là nền tảng cho sáng tạo, đối thoại văn hóa và phát triển bền vững.

Di sản Yên Tử, Trúc Lâm không chỉ mang giá trị tôn giáo thuần túy, mà còn là kết tinh của bản lĩnh dân tộc, của tư tưởng tự chủ và của chiều sâu văn hóa đặc thù Việt Nam. Trong dòng chảy lịch sử, hiếm có một biểu tượng nào vừa hàm chứa tinh thần chiến thắng, vừa ẩn chứa triết lý sống, lại vừa là điểm khởi nguồn cho một dòng thiền bản địa như trường hợp của vua Trần Nhân Tông và con đường hóa Phật tại Yên Tử.

Khi UNESCO vinh danh quần thể Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc, đó không chỉ là sự công nhận về mặt vật thể, cảnh quan hay kiến trúc, mà quan trọng hơn, là sự ghi nhận một cách công khai về mặt phi vật thể: Rằng Việt Nam có một nền văn hóa tâm linh riêng biệt, có một trường phái triết học có hệ thống, có khả năng đối thoại và đóng góp cho tư tưởng nhân loại trong bối cảnh toàn cầu đang khủng hoảng niềm tin, mất phương hướng giá trị.

Thế giới hôm nay đang đứng trước những thách thức chưa từng có: Biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, phân cực xã hội, khủng hoảng tâm lý, và đặc biệt là khủng hoảng đạo lý sống. Trong bối cảnh ấy, tư tưởng Trúc Lâm với tinh thần hòa hợp, hành đạo nhập thế, sống thuận tự nhiên và an trú trong chính mình, có thể trở thành một phần trong giải pháp toàn cầu, không phải bằng sức mạnh cường quyền, mà bằng sức mạnh tâm linh và đạo lý.

Vì vậy, việc được ghi danh không chỉ là niềm tự hào của người Việt, mà còn là sự gửi gắm của Việt Nam đến thế giới, rằng trong lòng một dân tộc nhỏ bé ở phương Đông, có một truyền thống tư tưởng đủ sâu để đối thoại, đủ rộng để bao dung, đủ mạnh để lan tỏa. Một Việt Nam không chỉ biết xây dựng kinh tế, phát triển công nghệ, mà còn biết gìn giữ và hiến tặng cho nhân loại những giá trị tinh thần quý báu đã được thử thách qua thời gian và lịch sử.

Nếu được đầu tư đúng hướng, Yên Tử có thể trở thành trung tâm hội tụ quốc tế của đối thoại liên tôn giáo, của nghiên cứu triết học Đông phương, của các khóa tu, học, sống thiền hiện đại. Trúc Lâm có thể trở thành biểu tượng mềm của ngoại giao văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XXI, như một “di sản sống” vừa là tài sản quốc gia, vừa là thông điệp nhân loại.

Và như vậy, di sản không chỉ “thuộc về UNESCO”, mà còn thuộc về tương lai. Một tương lai mà Việt Nam đóng góp không chỉ bằng hàng hóa, du lịch hay địa, chính trị, mà bằng trí tuệ mềm, đạo lý sống, và khả năng chữa lành tinh thần con người giữa thế giới nhiều rạn vỡ hôm nay.

Việc Quần thể này được UNESCO vinh danh không chỉ là một vinh dự to lớn cho ba địa phương mà còn là niềm tự hào sâu sắc của toàn dân tộc Việt Nam. Song, điều quan trọng hơn cả danh hiệu, chính là cách chúng ta sẽ bước tiếp sau ánh hào quang vinh danh ấy.

Di sản, dù được UNESCO công nhận, không thể tự mình trường tồn nếu thiếu sự chung tay của Nhà nước, cộng đồng và từng người dân. Danh hiệu thế giới chỉ là điểm khởi đầu, chứ không phải đích đến. Đó là lời cam kết trước bạn bè quốc tế, là trách nhiệm trước lịch sử dân tộc, rằng chúng ta không chỉ biết giữ gìn quá khứ mà còn biết làm cho quá khứ ấy sống động trong hiện tại và truyền cảm hứng cho tương lai.

Muốn vậy, Việt Nam cần chuyển từ tâm thế “ứng cử” sang “hành động”. Trước hết, cần một cơ chế phối hợp liên tỉnh rõ ràng, hiệu quả và ổn định, không chỉ ở cấp địa phương mà có sự điều phối từ trung ương.

Tiếp theo là đầu tư cho hạ tầng văn hóa, nâng cao chất lượng truyền thông, đào tạo nhân lực chuyên sâu, và đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo tồn, giáo dục và truyền thông di sản. Không thể tiếp tục bảo tồn bằng phương pháp thủ công trong một thế giới đã bước vào kỷ nguyên số và chuyển đổi tri thức toàn diện.

Cùng với đó, phải coi cộng đồng là trung tâm, là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng di sản, đặc biệt là thế hệ trẻ. Di sản không thể “sống” nếu không được thế hệ kế tiếp yêu quý, thấu hiểu và tự nguyện tiếp nối.

Cần tích hợp di sản vào chương trình giáo dục học đường, đào tạo hướng dẫn viên bản địa, khuyến khích khởi nghiệp văn hóa tại các vùng di sản, và nuôi dưỡng lòng tự hào văn hóa bằng các trải nghiệm thực tế thay vì lý thuyết suông.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/hanh-trinh-tu-quoc-bao-den-di-san-van-hoa-the-gioi-151924.html
Zalo