Di tích lịch sử liên quan đến chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia trở thành di sản văn hóa thế giới

Ba di tích lịch sử của Campuchia, bao gồm Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21), Cánh đồng chết Choeung Ek và Nhà tù M13 cũ đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp thứ 47 của UNESCO.

Khách du lịch xem ảnh chân dung các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ tại Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh. Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images

Khách du lịch xem ảnh chân dung các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ tại Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh. Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images

Trong Phiên họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận ba di tích lịch sử của Campuchia, bao gồm Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng (S21), Cánh đồng chết Choeung Ek và Nhà tù M13 cũ là di sản văn hóa thế giới.

Đây là cụm di sản văn hóa thứ 5 của Campuchia được UNESCO công nhận, sau các di tích lịch sử gắn với các đền tháp cổ đã được vinh danh trước đây, bao gồm quần thể đền Angkor Wat (năm 1992), Preah Vihear (năm 2008), Sambor Prei Kuk (năm 2017) và Koh Ker (năm 2023).

Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng, tọa lạc tại thủ đô Phnom Penh, là một di tích từng được Khmer Đỏ sử dụng làm nhà tù khét tiếng. Thường gọi là S-21, đây từng là nơi giam giữ, thẩm vấn và tra tấn tàn bạo dưới chế độ Kampuchea Dân chủ cầm quyền ở Campuchia từ năm 1975-1979.

Trong khi đó, nhà tù M-13, nằm ở vùng nông thôn tỉnh Kampong Chhnang, miền trung Campuchia, cũng được coi là một trong những nhà tù chính của Khmer Đỏ thời kỳ đầu.

Di tích Cánh đồng chết Choeung Ek, nằm cách thủ đô khoảng 15 km (10 dặm) về phía nam, từng là nơi chế độ Pol Pot tiến hành các cuộc hành quyết và chôn tập thể tù nhân.

Câu chuyện về những tội ác tàn bạo xảy ra tại đây từng được đưa vào bộ phim "Cánh Đồng Chết" năm 1984, dựa trên trải nghiệm của phóng viên ảnh Dith Pran của tờ New York Times và phóng viên Sydney Schanberg.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã ra thông điệp chào mừng.

Trong thông điệp, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã kêu gọi toàn thể người dân trên khắp đất nước đồng loạt đánh trống vào ngày 13.7 để đánh dấu việc UNESCO công nhận Di sản Thế giới.

"Mong rằng việc ghi danh này sẽ là lời nhắc nhở bền vững về ý thức bảo vệ hòa bình của dân tộc. Từ những chương đen tối nhất của lịch sử, chúng ta có thêm động lực để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại", Thủ tướng Hun Manet phát biểu trong một thông điệp video được đăng tải trực tuyến.

Thủ tướng Hun Manet cũng khẳng định đây là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đoàn kết trong việc gìn giữ hòa bình như một di sản quý giá cho các thế hệ tương lai.

Ông Youk Chhang, Giám đốc điều hành Trung tâm Tư liệu Campuchia tại Phnom Penh, cho biết việc đưa ba địa điểm này vào danh sách của UNESCO sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ Campuchia và những người khác trên thế giới.

"Việc UNESCO công nhận là đề cử đầu tiên của Campuchia cho một di tích khảo cổ hiện đại và phi cổ điển, và là một trong những di tích đầu tiên trên thế giới được đệ trình với tư cách là di tích liên quan đến xung đột gần đây", Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia cho biết trong một tuyên bố.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-tich-lich-su-lien-quan-den-che-do-diet-chung-pol-pot-o-campuchia-tro-thanh-di-san-van-hoa-the-gioi-151935.html
Zalo