Hành trình từ một cậu bé quê mùa trở thành Phó tổng thống nước Mỹ
Từ một cậu bé lớn lên giữa vùng Rust Belt nghèo khó, ông J.D Vance đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách là Phó tổng thống Mỹ.

Phó tổng thống Mỹ J.D Vance. Ảnh: Reuters.
Sinh ra trong một gia đình lao động tại Middletown (bang Ohio, Mỹ), ông J.D.Vance phải đối mặt với những khó khăn từ sớm. Mẹ ông bị nghiện thuốc giảm đau opioid, gia đình liên tục chao đảo bởi những người đàn ông đến rồi đi trong cuộc đời bà. Điểm tựa duy nhất của ông là bà ngoại Mamaw - một phụ nữ cứng rắn, thô lỗ nhưng tràn đầy tình yêu thương. Chính bà đã gieo vào ông ý thức về trách nhiệm và giá trị của sự chăm chỉ.
Vào năm 18 tuổi với cảm giác đầy lạc lõng, ông Vance quyết định gia nhập quân đội theo lời khuyên của một người anh họ. Đó là quyết định thay đổi cuộc đời ông. Kỷ luật quân đội đã rèn giũa ông thành một con người mạnh mẽ hơn và giúp ông trang bị những kỹ năng cơ bản để tự lập - từ quản lý tài chính cá nhân đến chăm sóc sức khỏe. Sau khi xuất ngũ, ông theo học Đại học bang Ohio, rồi tiếp tục chinh phục Đại học Luật Yale - một môi trường hoàn toàn xa lạ với quá khứ nghèo khó của ông.
Tại Yale, ông J.D Vance nhận ra khoảng cách xã hội lớn giữa mình và các bạn học. Ông cảm thấy lạ lẫm với văn hóa thượng lưu. Trong bữa tối với các nhà tuyển dụng tại một công ty luật lớn ở Washington D.C., khi được hỏi muốn uống loại rượu vang nào, ông chỉ biết trả lời chung chung là "vang trắng" và ông hoàn toàn không biết sự khác biệt giữa Chardonnay và Sauvignon Blanc. Khoảnh khắc nhỏ này phản ánh sự khác biệt lớn về văn hóa và trải nghiệm sống giữa ông và những người bạn tại Yale.
Tuy nhiên, ông không bỏ cuộc. Nhờ học bổng, ông Vance tốt nghiệp mà không phải chịu áp lực tài chính quá lớn. Bằng nỗ lực của mình, ông mở ra cánh cửa vào giới chính trị và kinh doanh.

Cuốn sách Khúc bi ca của gã dân quê mới được ra mắt độc giả Việt. Ảnh: Omega+.
Từ góc nhìn của một cậu bé lớn ở nơi phi đô thị hóa, ông J.D Vance cho thấy một bức tranh lớn về tầng lớp lao động da trắng đang chật vật trong thời kỳ nước Mỹ biến đổi qua cuốn hồi ký Khúc bi ca của gã dân quê. Kể từ khi ra mắt năm 2016, đến nay, quan điểm của ông Vance vẫn gây tranh cãi khi ông nhấn mạnh đến sự suy thoái văn hóa và tinh thần trách nhiệm cá nhân thay vì các yếu tố kinh tế và chính trị.
Trong cuộc phỏng vấn với NPR năm 2016, Phó tổng thống Vance chia sẻ góc nhìn của mình về bản sắc cộng đồng. Ông khẳng định: “Tôi không thuộc về tầng lớp da trắng giàu có ở Bờ Đông, tôi là một phần của cộng đồng lao động gốc Scots-Irish, nơi nghèo đói đã trở thành truyền thống gia đình. Ký ức về bà ngoại Mamaw đã giúp tôi nhận ra sự tương đồng giữa những người da trắng nghèo và cộng đồng thiểu số bị gạt ra ngoài lề xã hội”.
Chính vì vậy, cuốn sách của Phó tổng thống J.D Vance như một lời kêu gọi xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc, hướng đến một xã hội bình đẳng. Tại đó, mỗi người đều có cơ hội phát huy khả năng của mình, cho dù họ chỉ là những người đến từ một thị trấn nghèo khó như ông.