Hành trình tìm lại giá trị sống

Trong vài năm gần đây, tại Việt Nam, ngày càng nhiều người trẻ theo đuổi xu hướng nghỉ hưu sớm. Trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hình ảnh bạn trẻ tự nhận 'nghỉ hưu non', sống tối giản, chuyển về quê làm nông, kinh doanh nhỏ hoặc du lịch dài ngày. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, làn sóng nghỉ hưu sớm cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy nếu thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng.

Một bộ phận người trẻ đã chủ động “nghỉ hưu non” sau khi tích lũy được tài chính và kinh nghiệm, để rút lui khỏi áp lực công việc, tìm kiếm cuộc sống tự do, chậm rãi hơn. Đằng sau quyết định từ bỏ sự ổn định ấy là những câu chuyện đầy suy tư về đánh đổi, khủng hoảng và hành trình tìm lại giá trị sống.

Rút khỏi cuộc đua

Năm 34 tuổi, khi sự nghiệp đang vào độ chín, Mai Thu Huệ, Trưởng phòng pháp chế của một ngân hàng lớn tại Hà Nội, bất ngờ xin nghỉ việc. Với nhiều người, đó là một quyết định khó hiểu khi Huệ dám bỏ lại mức thu nhập đáng mơ ước, một vị trí quyền lực trong hệ thống ngân hàng để trở về quê nhà ở Phú Thọ, bắt đầu cuộc sống trồng rau, tư vấn pháp lý tự do.

“Tôi từng nghĩ mình là người may mắn khi tốt nghiệp xuất sắc ngành Kinh tế luật - Trường ĐH Luật, có bằng thạc sĩ Luật lúc 26 tuổi, làm việc tại ngân hàng lớn, có cơ hội thăng tiến. Nhưng thật ra tôi chỉ đang chạy, chạy mãi không biết mình đi đâu”, Huệ chia sẻ.

Hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực pháp chế ngân hàng, Huệ sống với cường độ như một “chiến binh”, vừa xử lý hồ sơ tín dụng phức tạp, vừa quản lý đội nhóm, đối mặt với áp lực tuân thủ pháp luật tài chính thay đổi liên tục. Cô làm việc xuyên lễ, mang laptop về nhà mỗi tối, nhiều lần chỉnh sửa hợp đồng đến 1-2 giờ sáng. Ngày nghỉ hiếm hoi, cô cũng không thể buông bỏ chiếc điện thoại. Đứa con trai 6 tuổi của cô gần như giao phó cho giúp việc. Mỗi ngày, cô ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng và trở về lúc 8-9 giờ tối, nhiều hôm đi làm về con đã ngủ say.

Đằng sau vẻ ngoài thành đạt của Huệ là một cơ thể suy kiệt và tâm trí luôn trong trạng thái cảnh giác. Sau đại dịch COVID-19, Huệ bắt đầu cảm thấy kiệt quệ. Một lần kiểm tra sức khỏe tổng quát cho kết quả cảnh báo rối loạn nội tiết, stress mãn tính, cô mới thực sự nghiêm túc nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Quyết định xin nghỉ việc với Huệ, không phải vì chán nản hay bốc đồng, mà vì cô nhận ra mình đã đánh đổi quá nhiều thứ, sức khỏe, thời gian với con, những buổi tối an yên bên gia đình.

Huệ về quê. Ban đầu chỉ là vài tuần tạm nghỉ, nhưng không khí trong lành, nhịp sống chậm và khoảng lặng nơi đồng ruộng khiến cô quyết định ở lại. Cô sửa lại căn nhà cấp 4 cũ của bố mẹ, trồng thêm rau, mở một góc làm việc nhỏ - nơi cô nhận tư vấn pháp lý online cho các doanh nghiệp nhỏ và sinh viên luật. “Tôi không “nghỉ hưu” theo nghĩa ngừng làm việc. Tôi chỉ rút khỏi một cuộc đua mà mình không còn muốn chạy. Dù thu nhập hiện nay chỉ bằng một phần nhỏ trước kia, nhưng mình đang sống nhiều hơn, chứ không chỉ tồn tại”, Huệ nói.

Sống tối giản, tự túc

Nguyễn Viết Khang, 31 tuổi, từng là kỹ sư phần mềm cho một tập đoàn công nghệ đa quốc gia tại Hà Nội. Với mức lương 3.000 USD/tháng và tương lai rộng mở ở vị trí quản lý sản phẩm, Khang được xem là hình mẫu của giới lập trình viên trẻ. Nhưng giữa đỉnh cao sự nghiệp, anh lặng lẽ từ chức, xách ba lô rời phố thị, dựng nhà gỗ giữa đồi chè ở Thái Nguyên.

“Một buổi chiều tôi ngồi trước màn hình máy tính, code từ sáng tới gần 7 giờ tối, bất ngờ nhận được tin bố mất vì tai nạn. Mọi thứ chững lại, mờ nhòe trước mắt. Tất cả trở nên vô nghĩa. Bao lâu rồi, tôi bị cuốn theo công việc không có thời gian về thăm bố, bây giờ thì cách xa mãi mãi”, Khang kể.

Làm công nghệ suốt 9 năm, anh từng đam mê hết mình. Nhưng theo thời gian, những buổi họp gần như xuyên đêm do chênh lệch múi giờ, áp lực tối ưu hóa sản phẩm, cạnh tranh nội bộ khiến anh bắt đầu mệt mỏi. Một thời gian dài anh mất ngủ, ăn uống thất thường, cảm thấy tâm trạng trống rỗng dù thu nhập ngày càng tăng. “Cảm giác như mình chỉ sống để xử lý các nhiệm vụ công việc nối tiếp, còn cảm xúc thì bị bỏ lại phía sau”, Khang nói.

 Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người trẻ chọn "nghỉ hưu non" ảnh minh họa: như ý

Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người trẻ chọn "nghỉ hưu non" ảnh minh họa: như ý

Từ đó, Khang bắt đầu tìm hiểu trào lưu FIRE - độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm. Anh lên kế hoạch trong hai năm: bán căn hộ trả góp, cắt giảm chi tiêu, đầu tư vào quỹ ETF và cổ phiếu cổ tức, học kỹ năng sống tự túc như làm mộc, trồng rau, chăn nuôi.

Cuối năm 2023, Khang dọn về sống trong một căn nhà gỗ nhỏ tự thiết kế tại một thôn ven đồi tại Thái Nguyên. Mỗi ngày, anh thức dậy pha trà, nghe chim hót, đọc sách, rồi dạy lập trình online vài giờ. “Nghỉ hưu non không có nghĩa là ngừng lao động. Tôi vẫn làm việc, nhưng là việc tôi thích, vào thời điểm tôi chọn. Cuộc sống bây giờ dù ít tiền, nhưng giàu cảm xúc hơn rất nhiều”, anh chia sẻ.

Tạm dừng để “thở”

Ngô Ngọc Châu (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), từng là kiểm toán viên cấp cao tại một công ty trong nhóm Big4 - nhóm bốn hãng kiểm toán hàng đầu thế giới. Ở độ tuổi mà nhiều người vẫn đang định hình sự nghiệp, cô đã đạt đến mức thu nhập cao, nhiều khách hàng lớn, lịch làm việc dày kín cả năm. Cô từng là học sinh chuyên Toán, tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Kế toán - Kiểm toán, được tuyển thẳng vào Big4. 5 năm làm việc, cô thăng tiến nhanh, quen với cường độ 70-80 giờ làm việc mỗi tuần.

“Tôi không khuyến khích ai nghỉ việc liều lĩnh. “Nghỉ hưu non” không dành cho người chưa sẵn sàng tự chủ. Để đi con đường này cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, kỹ năng và tâm lý. Quan trọng là hiểu mình muốn gì, sẵn sàng hy sinh điều gì để đổi lấy tự do. “Nghỉ hưu non” không phải điểm kết, mà là bước chuyển, mở ra con đường đi mới cho mình”. Mai Thu Huệ, nguyên là Trưởng phòng pháp chế của một ngân hàng lớn tại Hà Nội

“Tôi từng nghĩ mệt là bình thường, ai cũng thế cả. Cho đến khi cơ thể không chịu nổi. Một buổi tối cao điểm của mùa kiểm toán, tôi ngồi hoàn thành báo cáo đến gần 3 giờ sáng. Sáng hôm sau khi đang đi thang máy, tôi lịm đi vì tụt huyết áp. Mở mắt ra là giường bệnh”, Châu kể.

 Một bộ phận bạn trẻ chọn “nghỉ hưu sớm” để được làm điều mình thích khi còn trẻ

Một bộ phận bạn trẻ chọn “nghỉ hưu sớm” để được làm điều mình thích khi còn trẻ

Biến cố sức khỏe khiến cô bắt đầu xem lại lối sống của mình. Cô đọc sách về tài chính cá nhân, sống tối giản, cắt giảm tiêu dùng, cô bán căn hộ cao cấp, chuyển sang căn chung cư nhỏ hơn, hạn chế mua sắm. Sau 4 năm tiết kiệm và đầu tư vào chứng khoán, cô đạt mục tiêu tài chính cơ bản để tạm ngừng công việc chính thức.

Năm 2024, Châu nghỉ việc, không chuyển sang công ty khác, không nghỉ để học lên, mà nghỉ để...thở. “Thật ra, tôi không dám gọi đó là “nghỉ hưu”, tôi chỉ tạm dừng một guồng quay cũ để tạo cho mình không gian mới. Có thể sau này tôi sẽ quay lại, nhưng với một tâm thế khác”, Châu chia sẻ.

Châu cho biết, thời gian đầu nghỉ việc, cô từng hoang mang vì mất đi danh xưng công việc, từng chạnh lòng khi thấy đồng nghiệp cũ thăng tiến. Nhưng càng về sau, cô càng trân trọng sự bình yên có được, thứ mà trước đây cô từng nghĩ là xa xỉ. Được đưa đón con đi học mỗi ngày, đi chợ, tự tay lên thực đơn chuẩn bị bữa ăn tươi ngon hằng ngày cho gia đình là niềm hạnh phúc giản đơn mà cô mơ ước bấy lâu.

Quy tắc 25

Xu hướng “nghỉ hưu non” (Financial Independence, Retire Early - FIRE) đang trở nên phổ biến hơn ở giới trẻ, đặc biệt là những người sinh sau năm 1995. Thay vì làm việc đến tuổi nghỉ hưu truyền thống, họ mong muốn đạt được độc lập tài chính sớm để có thể nghỉ hưu hoặc làm những việc mình thích khi còn trẻ. Theo các chuyên gia, để “nghỉ hưu non” bạn trẻ có thể sử dụng quy tắc 25 để tính toán số tiền cần cho giai đoạn nghỉ hưu. Theo đó, bằng cách tiết kiệm và đầu tư 50% đến 70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm là lúc bạn đạt ngưỡng độc lập tài chính. Ví dụ, mức tiêu dùng của một gia đình là 25 triệu đồng/một tháng (300 triệu đồng/1 năm) x 25 năm = 7,5 tỷ đồng, đây là con số đánh dấu cặp vợ chồng đó đã đạt tự do tài chính, có thể chọn “nghỉ hưu non” làm điều mình thích.

LƯU TRINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hanh-trinh-tim-lai-gia-tri-song-post1760876.tpo
Zalo