Hành trình tìm kiếm các thi thể 'rớt núi' đầy cam go trên đỉnh Everest
Tshiring Jangbu Sherpa không thể quên xác chết mà ông nhìn thấy chỉ cách đỉnh núi Lhotse trên dãy Himalaya vài mét cách đây hơn một thập kỷ.
Tshiring - quốc tịch Nepal làm hướng dẫn viên cho một nhà leo núi người Đức đang cố gắng leo lên ngọn núi cao thứ tư thế giới vào tháng 5 năm 2012. Thi thể chặn đường họ được cho là của Milan Sedlacek, một nhà leo núi người Séc đã thiệt mạng chỉ vài ngày trước đó.
Ông Tshiring tò mò tại sao nhà leo núi người Séc lại chết khi đang ở gần đỉnh núi như vậy. Một trong những chiếc găng tay trên xác chết đông cứng đã bị mất. Tshiring nhận định với BBC: “Bàn tay trần có thể đã tuột khỏi sợi dây. Anh ấy có thể đã thiệt mạng sau khi mất thăng bằng và đâm vào tảng đá”.
Thi thể vẫn ở nguyên tại chỗ - và mọi người leo núi leo lên núi Lhotse sau đó đều phải bước qua nó.
Ông Tshiring, 46 tuổi, lúc đó không hề biết rằng 12 năm sau ông sẽ quay lại để lấy thi thể của người leo núi này, với tư cách là thành viên của một đội gồm hàng chục quân nhân và 18 người thuộc tộc Sherpa được quân đội Nepal triển khai để 'dọn sạch' dãy Himalaya cao chót vót.
Đã có hơn 300 người chết ở vùng Everest kể từ khi hồ sơ leo núi được thiết lập cách đây một thế kỷ, và nhiều thi thể trong số này vẫn còn. Số người chết không ngừng tăng lên: 8 người đã thiệt mạng trong năm nay và 18 người chết vào năm 2023, theo Bộ du lịch Nepal.
Chính phủ lần đầu tiên phát động chiến dịch 'dọn dẹp' vào năm 2019, bao gồm việc di dời thi thể của một số nhà leo núi đã chết. Nhưng năm nay là lần đầu tiên nhà chức trách đặt mục tiêu thu thập 5 thi thể từ cái gọi là “vùng chết” nằm trên độ cao 8.000m. Cuối cùng, nhóm đã đưa được bốn thi thể xuống núi.
Ngoài ra, một bộ xương và 11 tấn rác đã được loại bỏ sau hoạt động kéo dài 54 ngày kết thúc vào ngày 5/6.
Thiếu tá Aditya Karki - người đứng đầu chiến dịch năm nay nói với BBC: “Nepal đã bị mang tiếng vì rác thải và xác chết đã làm ô nhiễm dãy Himalaya ở quy mô nghiêm trọng”. Chiến dịch này cũng nhằm mục đích cải thiện sự an toàn cho những người leo núi.
Thiếu tá Karki cho biết nhiều người đã giật mình khi nhìn thấy các thi thể - năm ngoái, một người leo núi đã không thể di chuyển trong nửa giờ sau khi nhìn thấy một xác chết trên đường lên đỉnh Everest.
Những khó khăn kèm chi phí
Nhiều người không đủ khả năng để lấy thi thể người thân đã chết trên núi ở Nepal. Ngay cả khi có đủ khả năng tài chính, hầu hết các công ty tư nhân đều từ chối giúp đưa thi thể ra khỏi vùng tử thần vì quá nguy hiểm.
Quân đội Nepal đã phân bổ 5 triệu rupee (37.400 USD) trong năm nay để tìm kiếm mỗi thi thể. Cần 12 người để đưa một thi thể từ độ cao 8.000m, mỗi người cần 4 bình oxy. Một bình có giá hơn 400 USD, nghĩa là cần 20.000 USD cho riêng oxy.
Hàng năm, chỉ có khoảng 15 ngày mà người leo núi có thể lên xuống từ độ cao 8.000 m, do gió chậm lại trong quá trình chuyển đổi giữa các chu kỳ gió. Ở vùng tử thần, tốc độ gió thường vượt quá 100 km/h.
Sau khi xác định được vị trí các thi thể, nhóm chủ yếu làm việc sau khi màn đêm buông xuống vì không muốn làm phiền những người leo núi khác. Ở vùng Everest, bao gồm cả Lhotse và Nuptse, chỉ có một lối đi bộ duy nhất và đường cáp treo cho những người leo lên và xuống từ trại căn cứ.
Ông Sherpa chia sẻ: “Việc đưa các thi thể ra khỏi nơi tử vong là rất khó khăn. Tôi đã nôn ra nước chua nhiều lần. Những người khác liên tục ho và bị đau đầu vì chúng tôi đã ở hàng giờ liền ở độ cao rất cao”.
Ở độ cao 8.000m, ngay cả những người Sherpa mạnh mẽ cũng chỉ có thể gùi tối đa 25kg, chưa đến 30% công suất của họ ở độ cao thấp hơn.
Thi thể gần đỉnh núi Lhotse, cao 8.516m, bị đổi màu sau khi phơi nắng và tuyết suốt 12 năm. Ông Sherpa cho biết một nửa cơ thể bị chôn vùi trong tuyết.
Thi thể của cả 4 nhà leo núi được tìm thấy đều ở cùng vị trí như họ đã chết. Tình trạng đóng băng của họ có nghĩa là tứ chi của họ không khép lại được, khiến việc vận chuyển càng trở nên khó khăn hơn.
Luật pháp Nepal quy định rằng tất cả các thi thể phải ở trong tình trạng tốt nhất trước khi được trả lại cho chính quyền - bất kỳ thiệt hại nào cũng có thể dẫn đến hình phạt.
Đội bố trí hệ thống dây thừng để đưa các thi thể xuống dần dần vì đẩy từ phía sau hoặc kéo từ phía trước là không thể. Đôi khi, các thi thể bị mắc kẹt trong địa hình đầy đá, băng giá và việc kéo họ ra ngoài lần nữa là một công việc tốn nhiều công sức.
Ông Sherpa cho biết phải mất 24 giờ hoạt động không ngừng nghỉ để đưa thi thể được cho là của nhà leo núi người Séc đến trại gần nhất, chỉ cách đó khoảng 3,5 km. Sau đó, nhóm mất thêm 13 giờ để đưa thi thể xuống một trại khác thấp hơn.
Điểm dừng tiếp theo của các thi thể là hành trình đến thủ đô Kathmandu bằng trực thăng, nhưng phi hành đoàn đã bị mắc kẹt ở thị trấn Namche trong 5 ngày vì thời tiết xấu. Họ đến thủ đô an toàn vào ngày 4/6.
Nhận diện
Bốn thi thể và bộ xương đã được lưu giữ tại một bệnh viện ở Kathmandu.
Quân đội đã tìm thấy giấy tờ tùy thân trên hai thi thể – nhà leo núi người Séc Milan Sedlacek và nhà leo núi người Mỹ Ronald Yearwood, những người đã chết vào năm 2017. Chính phủ Nepal sẽ liên lạc với các đại sứ quán tương ứng. Quá trình xác định danh tính hai thi thể còn lại đang được tiến hành.
Những người leo núi và hướng dẫn viên người Sherpa theo dõi vị trí và danh tính có thể có của những người leo núi bị mất tích, vì vậy họ đã cung cấp thông tin tiềm năng về một số thi thể. Họ tin rằng tất cả thi thể đều là của người nước ngoài, nhưng chính phủ chưa xác nhận điều này.
Khoảng 100 người Sherpa đã chết trên dãy Himalaya kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi lại, rất nhiều gia đình đã chờ đợi hàng năm trời để thực hiện những nghi lễ Phật giáo cuối cùng cho người thân của họ.
Các nhà chức trách cho biết họ sẽ chôn cất các thi thể nếu không có ai đến nhận sau ba tháng kể từ khi nhận dạng - bất kể thi thể đó là của người nước ngoài hay người Nepal.
Ông Sherpa lần đầu tiên leo lên dãy Himalaya vào năm 20 tuổi. Trong sự nghiệp của mình, ông đã chinh phục đỉnh Everest ba lần và Lhotse năm lần.
“Những người leo núi đã nổi tiếng nhờ leo núi. Dãy Himalaya đã cho chúng tôi rất nhiều cơ hội. Bằng cách thực hiện công việc đặc biệt là thu thập xác chết, đã đến lúc tôi phải đền ơn dãy Himalaya vĩ đại” – ông nói.