Hành trình 'nhường cơm sẻ áo': Sẵn sàng hướng về khúc ruột' miền Trung

Dù vẫn còn đang chật vật tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ nhưng người dân miền Bắc vẫn chuẩn bị nguồn lực để hỗ trợ nếu 'khúc ruột' khu vực miền Trung khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với những cơn bão từ biển Đông đổ bộ vào đất liền. Kinh nghiệm cứu trợ khẩn cấp từ siêu bão Yagi (bão số 3) sẽ cần thiết hơn bao giờ hết để có thể tiếp sức cho những người dân vượt qua bão lũ, tái thiết cuộc sống.

Phối hợp với địa phương để cứu trợ công bằng và minh bạch

Những chuyến xe 0 đồng chất đầy hàng hóa cứu trợ từ khắp mọi miền Tổ quốc liên tục đổ về những tỉnh miền Bắc trong suốt hơn 10 ngày ngày qua. Tại mỗi địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên… hàng trăm đoàn từ thiện đã đến cứu trợ khẩn cấp.

Khi không thể đến được tận nơi để hỗ trợ, người dân khắp nơi gấp rút quyên góp hàng hóa, tiền bạc để làm sao hỗ trợ thật nhanh chóng cho bà con bị thiệt hại về mưa lũ. Những địa chỉ quán cơm, khách sạn miễn phí cũng được thông báo để tiếp sức cho các đoàn cứu trợ. Dường như, không một ai đứng ngoài cơn bão.

Tại tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 18/9, trên 5.500 đơn vị ủng hộ tiền mặt và có 340 đoàn đã đến các địa phương hỗ trợ từ thiện với số tiền hơn 337 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ bằng hiện vật hơn 88 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền mặt hơn 249 tỷ đồng.

Nguồn lực hỗ trợ lớn liên tục dồn về nhưng thực tế lũ lụt, sạt lở chia cắt giao thông, mất thông tin liên lạc và địa hình bị thiệt hại lại hiểm trở, rộng lớn… nên những bất cập khi cứu trợ khẩn cấp là không thể tránh khỏi. Tại những nơi giao thông thông suốt, dễ tiếp cận để cứu trợ đã xảy ra tình trạng ùn ứ, không kịp phân phối hàng cứu trợ. Bên cạnh đó, do chưa được chuẩn bị kỹ, một số hàng hóa cứu trợ chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân vùng lũ lụt.

Chính những khó khăn, nguy hiểm trong việc trực tiếp cứu trợ khẩn cấp khi thiên tai, bão lũ xảy ra đã cho thấy các đoàn đi cứu trợ cần tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu người dân và đảm bảo an toàn cho chính mình.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Ngô Anh Tuấn, người sáng lập nền tảng gây quỹ cộng đồng trực tuyến GiveNow cho rằng hoạt động cứu trợ trong thiên tai phải được thực hiện dựa trên kết quả đánh giá thông tin, nhu cầu như: Thông tin giao thông, an ninh, an toàn cho đoàn; thông tin về các hộ dân bị ảnh hưởng và nhu cầu.

Theo ông Tuấn các đoàn cứu trợ cần chuẩn bị các phương án về hậu cần để không gây phiền hà cho chính quyền địa phương và cộng đồng, nơi mình dự kiến cứu trợ.

“Khi thực hiện cứu trợ cần thông báo cho chính quyền địa phương về kế hoạch cứu trợ để phối hợp. Việc cứu trợ nên được phối hợp với chính quyền, người dân và các bên liên quan, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp nhu cầu,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Miền Bắc chuyển sang hỗ trợ tái thiết và phục hồi

Cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây ra những thiệt hại về cả người và tài sản mà cho đến giờ vẫn chưa thể thống kê hết. Những khó khăn, vất vả để gây dựng lại cuộc sống sau cơn bão vẫn chồng chất. Chính vì thế, những hoạt động quyên góp cho đồng bào miền Bắc vẫn còn rất cần thiết và đang tiếp tục được thực hiện.

Đại diện Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cho biết, các tỉnh, thành Hội bị ảnh hưởng bởi mưa lũ cho biết hiện tại ngừng tiếp nhận những thực phẩm nấu chín ăn ngay như: Bánh chưng, xôi... để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe người dân.

“Thời gian cao điểm tiếp nhận và cứu trợ thực phẩm thiết yếu là từ 18-20/9 để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Sau ngày 20/9, tập trung nhóm nhu cầu cứu trợ sẽ tập trung vào sửa chữa nhà, xây nhà và phục hồi sinh kế,” đại diện Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cho hay.

Để đảm bảo hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, Hội chữ thập Đỏ đang tiến hành tiếp nhận các loại hàng hóa thiết yếu theo 4 nhóm. Đây sẽ là những nhóm hàng phân để các đoàn cứu trợ có thể tham khảo khi chuẩn bị hàng hóa.

 Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 300 thùng hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 300 thùng hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Các nhóm hàng hóa thiết yếu gồm: Nhóm 1: Lều bạt, quần áo, chăn màn, nồi, chảo, đồ gia dụng gia đình thiết yếu. Nhóm 2: Đồ dùng cá nhân: bàn chải, thuốc đánh răng, dao cạo râu, xà phòng, khăn mặt,dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh phụ nữ, thuốc không bán theo đơn như dầu gió, thuốc nhỏ mắt, bông băng urgo, hạ sốt… Nhóm 3: Gạo, nước mắm, bột canh, dầu ăn, muối, đường, mì chính… Nhóm 4: Các vật dụng dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường (cuốc, xẻng...), viên khử khuẩn, chất khử trùng Cloramin B…

Hiện tại, tại các địa phương thì Hội chữ thập Đỏ là một trong những đơn vị được được giao nhiệm vụ tiếp nhận và phân phối hàng hóa cứu trợ. Do đó, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã công bố thông tin liên hệ của Hội Chữ thập Đỏ 12 tỉnh, thành phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ để hỗ trợ các địa phương trong cả nước, các đoàn cứu trợ liên hệ phối hợp làm tốt hơn công tác hỗ trợ, điều phối, đáp ứng thiết thực nhu cầu của người dân hiện nay.

Đến nay, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, cơ bản hệ thống giao thông đã được khôi phục, chỉ còn các điểm xa xôi chưa được tiếp cận và hỗ trợ. Đa số đã qua giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, việc hỗ trợ đang chuyển dần từ cứu nạn, cứu trợ sang giúp bà con tái thiết và phục hồi. Đây sẽ còn là một hành trình dài phía trước.

Bên cạnh những hỗ trợ khẩn cấp ban đầu, các tổ chức quốc tế đã cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe nhu cầu cần hỗ trợ để tái thiết cuộc sống cho người dân từ các địa phương để cung cấp hàng hóa, hỗ trợ phù hợp. Các đoàn, tổ chức cứu trợ trong thời gian tới cũng nên liên hệ với các địa phương để nắm bắt được sát nhất những nhu cầu cần hỗ trợ trong thời gian tới của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hỗ trợ sẵn sàng hướng về miền Trung

Cơn bão số 3 vừa đi qua được hơn 10 ngày thì lại có thông tin về cơn bão số 4 chuẩn bị đi vào các tỉnh miền Trung. Mặc dù còn đang gấp rút khắc phục thiệt hại của lũ lụt do cơn bão số 3 nhưng một số địa phương có ít nguy cơ ngập lụt đã bắt đầu thu gom áo phao để gửi vào hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung nếu cần.

Tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đợt lũ vừa qua đã khiến 2.430 hộ với hơn 8.900 người bị cô lập. Chính quyền địa phương và các mạnh thường quân đã hỗ hơn hơn 2.000 áo phao phát cho từng hộ dân và các tình nguyện viên.

Cách đây 5 ngày từ khi nước chưa rút hẳn, chị Trương Thị Hiền Lương, Bí thư Chi đoàn xã Vân Hà đã tuyên truyền với người dân sau đợt lũ lụt nếu bà còn không còn dùng đến áo phao nữa có thể thu gom đến nhà văn hóa để sắp tới có thể gửi ủng hộ miền Trung khi cần, tái sử dụng hiệu quả, vừa tránh lãng phí vừa bảo vệ môi trường.

 Nhiều tài khoản mạng xã hội đã kêu gọi thu gom áo phao không còn cần sử dụng đến để ủng hộ cho miền Trung ứng phó với bão.

Nhiều tài khoản mạng xã hội đã kêu gọi thu gom áo phao không còn cần sử dụng đến để ủng hộ cho miền Trung ứng phó với bão.

Ngay khi theo dõi thông tin cơn bão số 4 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung, sáng nay chị Lương đã phát động thu gom áo phao: “Cho đến sáng nay nước mới cơ bản rút hết trên địa bàn xã nên cũng cũng đã thông báo thu gom áo phao với những hộ gia đình không cần dùng nữa. Chỉ trong buổi sáng đã thu gom được hơn 50 áo phao và mọi người vẫn đang tiếp tục mang ra ủng hộ.”

Chị Lương chia sẻ trước đó đã tham gia vào các nhóm cứu trợ của tỉnh Bắc Giang nên ngay khi có thông tin về các đoàn xe cứu trợ miền Trung từ Bắc Giang sẽ gửi áo phao đi cứu trợ kịp thời cho bà con.

Không chỉ tại xã Vân Hà mà trên mạng xã hội, các đồng thiện nguyện cũng đang kêu gọi thu gom áo phao và chuẩn bị các đoàn cứu trợ ngay khi bà con các tỉnh miền Trung cần.

 Người dân vùng lũ của Hà Nội nhận nước tinh khiết của Tập đoàn TH để sử dụng khi nước sạch là một trong những vấn đề cần thiết với họ lúc này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người dân vùng lũ của Hà Nội nhận nước tinh khiết của Tập đoàn TH để sử dụng khi nước sạch là một trong những vấn đề cần thiết với họ lúc này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chuyên gia dự báo thời tiết độc lập, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, người người có lượng theo dõi hơn 680.000 trên mạng xã hội Facebook Huy Nguyễn đã đưa ra dự báo trong nửa cuối tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2024 tình hình mưa, bão, lũ sẽ phức tạp khó lường ở miền Trung và kêu gọi các nhóm cứu hộ, cứu trợ: “Áo phao phát chưa hết không nên cố phát cho hết. Hãy mang về dự trữ cho các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra ở miền Trung trong thời gian tới.”

“Cano, thuyền cứu hộ sau khi hoàn thành nhiệm vụ nên đưa lên bờ, về nơi tập kết ban đầu để sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp mới. Những thiết bị và phương tiện cứu hộ tặng lại địa phương phải chắc chắn có người vận hành, bảo quản mới tặng. Nên thiết lập một mạng lưới trên google map để biết nguồn lực sẵn có đang ở đâu để huy động cho lần sau. Đặc biệt là cho tình hình mưa lũ phức tạp sắp tới có thể xảy ra ở miền Trung,” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy viết .

Dù vẫn còn đang chật vật tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ nhưng người dân miền Bắc vẫn chuẩn bị nguồn lực để hỗ trợ nếu "khúc ruột" miền Trung cần. Khi những cơn bão chồng bão đổ vào đất liền Việt Nam, tinh thần "tương thân, tương ái," "nhường cơm sẻ áo" lại lại được phát huy, người dân ai cũng muốn giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào./.

 Một khu vực của Hạ Hòa (Phú Thọ) ngập nặng sau cơn bão số 3. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Một khu vực của Hạ Hòa (Phú Thọ) ngập nặng sau cơn bão số 3. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hanh-trinh-nhuong-com-se-ao-san-sang-ho-tro-khi-khuc-ruot-mien-trung-can-post977722.vnp
Zalo