Hành trình nghẹt thở đưa trái tim về TP.HCM để tiếp nối nhịp đập

Vượt qua quãng đường hơn nghìn km, trái tim của chàng trai 32 tuổi chết não ở Hà Nội đã đến TP.HCM, được đặt vào lồng ngực của một người xa lạ để tiếp tục nhịp đập của sự sống.

 Ê-kíp căng thẳng từng giây, từng phút ghép tim cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Ê-kíp căng thẳng từng giây, từng phút ghép tim cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau va chạm giao thông, anh N.Đ.T., 32 tuổi, rơi vào chết não dù được tích cực cứu chữa. Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), gia đình đồng ý hiến 2 quả thận, giác mạc, trái tim, lá gan của anh T. để giúp những người đang cần tạng ghép.

Cũng từ đây, những "món quà sự sống" được trao đến 6 người khác. Riêng trái tim đã "xuyên Việt" nghìn km để kịp đập trong lồng ngực anh L.A.H. (37 tuổi, ngụ Gia Lai) đang đứng trước bờ vực sinh tử vì căn bệnh cơ tim giãn.

Gần 10 giờ chạy đua

20h ngày 24/8, trái tim của chàng trai 32 tuổi rời phòng mổ ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn với sự bảo vệ nghiêm ngặt của đội ngũ y bác sĩ và các cơ quan chức năng. Đội ngũ cảnh sát giao thông dẫn đường, đưa trái tim lên máy bay.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mọi người đều tập trung cao độ, từng phút, từng giây đều được tính toán cần trọng.

Tuy nhiên, bệnh nhân H. phù hợp để nhận tim hiến nhưng có máu nhóm máu hiếm Rh- (chỉ chiếm 1% dân số Việt Nam). Lúc này, có 2 vấn đề được đặt ra: Thứ nhất là làm sau để có máu phù hợp để cung cấp cho bệnh nhân lúc mổ. Thứ hai, người có nhóm máu hiếm sẽ có những kháng thể bất thường lưu hành trong máu. Bác sĩ phải kiểm tra và có giải pháp để khi xuất hiện bất thường thì xử lý được những nguy cơ.

 Ngay khi trái tim của người hiến tặng đưa đến bệnh viện, ê-kíp tiến hành bóc tách và ghép cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Ngay khi trái tim của người hiến tặng đưa đến bệnh viện, ê-kíp tiến hành bóc tách và ghép cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Tất cả nhân viên bệnh viện và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM được huy động tối đa, sẵn sàng hiến máu trong tình trạng khẩn cấp. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình của bệnh nhân, có cùng nhóm máu cũng được yêu cầu đi cùng.

"Từng hành động cần phải chính xác đến từng phút, bởi thời gian trái tim nằm ngoài lồng ngực càng lâu, nguy cơ thất bại cho cuộc mổ càng cao, trái tim không chịu được khi thiếu máu. Trên đường di chuyển, bác sĩ phải liên tục bảo vệ trái tim bằng các dung dịch", bác sĩ Định nói.

Bệnh nhân từ Gia Lai bay đến TP.HCM lúc 21h, xe cấp cứu của bệnh viện đã chờ sẵn. Nhân viên y tế lấy máu của người bệnh ngay trên đường di chuyển về bệnh viện, đến nơi là có máu để làm xét nghiệm nhanh chóng.

 Trong 8 phút đưa trái tim từ Sân bay Tân Sơn Nhất về bệnh viện, nhân viên y tế phải truyền dung dịch liên tục để nuôi tim. Ảnh: BVCC.

Trong 8 phút đưa trái tim từ Sân bay Tân Sơn Nhất về bệnh viện, nhân viên y tế phải truyền dung dịch liên tục để nuôi tim. Ảnh: BVCC.

Đến 23h30, trái tim từ Hà Nội đã được đưa đến phòng mổ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp phẫu thuật đưa trái tim vào cơ thể người bệnh. Sau 5h căng thẳng, trái tim "xa lạ" đã đập trong lồng ngực anh H., lúc 3h sáng ngày 25/8.

Sau cuộc mổ, tình trạng huyết động của người bệnh tương đối ổn định, nhưng vẫn cần theo dõi sát sao, đặc biệt là trong 3 ngày đầu sau mổ.

Bác sĩ Định cho biết để đi đến được khi cuộc mổ diễn ra thành công, ê-kíp gồm gần 100 nhân viên y tế từ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã "chạy hết tốc lực".

Hạnh phúc đến bất ngờ

Ngồi lắng nghe chia sẻ của các bác sĩ về hành trình cứu sống chồng mình, chị Nguyễn Thị Phương Thanh, 34 tuổi, rưng rưng nước mắt. Nhớ về 4 năm trước, anh H. đột ngột lên cơn đau ngực, ho kèm theo mất ngủ khoảng một tháng.

Sau khi khám, anh H. được chẩn đoán bệnh tim,. Thời điểm đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên chỉ uống thuốc điều trị triệu chứng. Anh H. vẫn mệt mỏi khi vận động mạnh.

Cuối tháng 6 năm nay, anh H. mất ngủ, ho nhiều hơn, tức ngực, ho ra máu. Khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thăm khám lại, bác sĩ cho biết suy tim rất nặng, chỉ thay tim mới sống được.

Nhưng người hiến tim không phải lúc nào cũng có, bác sĩ chỉ định sẽ gắn máy ICU (máy hỗ trợ thở) trước để kéo dài sự sống để khi nào có tim thích hợp thì ghép.

Gia đình vội về cầm cố nhà cửa, chuẩn bị 300 triệu đồng để đầu tháng 9 gắn máy. Nhưng đến ngày 24/8 thì bác sĩ thông báo đến bệnh viện để ghép tim.

"Lúc nghe điện thoại, tôi vừa hồi hộp, run và mừng", chị Thanh nói.

 Sau khi ghép tim thành công, bệnh nhân được đưa đến phòng hậu phẫu. Ảnh: BVCC.

Sau khi ghép tim thành công, bệnh nhân được đưa đến phòng hậu phẫu. Ảnh: BVCC.

Tuy nhiên, chi phí ghép tim là con số "khủng lồ" với gia đình lúc này. Sau khi chia sẻ băn khoăn, nhận được câu nói "có bao nhiêu mang theo bấy nhiêu, đừng lo quá" từ bác sĩ, trái tim người vợ như vỡ òa.

Chị Thanh vội đặt vé máy bay sớm nhất, đưa anh đến bệnh viện. Đến khi bệnh viện thông báo ca mổ thành công, chị đổ ngục trước cửa phòng mổ, khóc nức nở. Cuối cùng, chồng chị cũng được cứu sống.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện, gửi lời cảm ơn đến các cơ quan chức năng, nhân viên y tế các bệnh viện đã một lòng vì sự sống của người bệnh. PGS Bắc cũng gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình và người đã hiến tặng một phần cơ thể của họ để cứu được nhiều cuộc đời khác.

Về phần chi phí ghép tim, bệnh viện phải vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp để giúp bệnh nhân giảm gánh nặng tài chính. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng nỗ lực giảm chi phí, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hanh-trinh-nghet-tho-dua-trai-tim-ve-tphcm-de-tiep-noi-nhip-dap-post1494066.html
Zalo