Hành trình kết nối xanh: Hội An du lịch cộng đồng bền vững

'Hành trình kết nối xanh' là chương trình truyền hình thực tế mang đến một trải nghiệm du lịch khác biệt, nơi giá trị bền vững được đề cao và sự kết nối với thiên nhiên, con người trở thành trọng tâm.

Chương trình được phát sóng vào 15h45 Thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam, với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS). Mỗi tập phát sóng không chỉ mang đến một chuyến đi, mà còn là một hành trình sâu sắc khám phá những giá trị cốt lõi của du lịch bền vững, nơi sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người được thể hiện rõ nét.

Trong tập đặc biệt về Hội An, MC Tuấn Hiệp cùng với hai khách mời diễn viên Anh Đào và Anh Tuấn, sẽ đưa chúng ta đi sâu vào một Hội An rất khác – một Hội An không chỉ có phố cổ rêu phong mà còn là biểu tượng của du lịch cộng đồng bền vững. Hội An đang chứng minh rằng du lịch bền vững không phải là lý thuyết suông, mà nó bắt đầu từ chính cộng đồng, từ những bàn tay cần mẫn và tình yêu sâu sắc dành cho mảnh đất này.

Làng rau Trà Quế: Nơi rau sạch là di sản, là tình yêu của người nông dân

Cách phố cổ Hội An khoảng 3km, ẩn mình giữa vùng sông nước Cổ Cò và đầm Trà Quế thơ mộng là làng rau Trà Quế – một trong những làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời bậc nhất tại Quảng Nam. Nghe tên đã thấy đậm chất hương đồng gió nội, phải không? Từ thế kỷ 17, khi cư dân phát hiện ra thổ nhưỡng ven đầm phù hợp để trồng rau, đặc biệt là các loại rau thơm, Trà Quế đã hình thành và phát triển.

 Làng rau Trà Quế - Hội An

Làng rau Trà Quế - Hội An

Điều làm nên sự khác biệt của Trà Quế suốt hàng trăm năm không chỉ là rau xanh, mà là cách người dân trồng rau. Họ nói không với phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Thay vào đó, bí quyết nằm ở việc sử dụng rong thủy sinh từ đầm Trà Quế, phân chuồng hoai mục và kỹ thuật canh tác thủ công truyền đời. Nhờ vậy, rau Trà Quế có mùi vị đặc trưng, tươi lâu và an toàn tuyệt đối. Ngày nay, làng rau Trà Quế không chỉ nổi tiếng với rau sạch hữu cơ mà còn là một trong những hình mẫu tiêu biểu của du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp truyền thống. Từ đầu những năm 2000, chính quyền Hội An đã chủ trương phát triển các làng nghề gắn với du lịch bền vững, và Trà Quế là một điểm sáng. Minh chứng cho những nỗ lực ấy, năm 2022, nghề trồng rau Trà Quế được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đặc biệt. Vào năm 2024, làng vinh dự được Tổ chức Du lịch Thế giới UN Tourism bình chọn là một trong những Làng du lịch tốt nhất thế giới, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình kết hợp giữa bảo tồn nông nghiệp truyền thống và phát triển du lịch bền vững.

Đến Trà Quế, bạn đừng bỏ lỡ nghi lễ nhập môn để trở thành nông dân chính hiệu. Ra vườn tưới rau, nhổ cỏ, bắt sâu, thu hoạch rau như một người nông dân thứ thiệt bên những luống rau xanh mướt. Trà Quế không chỉ là nơi để ngắm nhìn, mà là nơi để làm, để vui, để sống chậm lại giữa nhịp thở trong lành của làng quê. Điều đặc biệt ở Trà Quế là mô hình phát triển không phụ thuộc vào bất cứ công ty lữ hành nào, mà chính người dân là chủ. Từ ruộng rau xanh ngát đến những đôi bàn tay lấm lem bùn đất, Trà Quế không chỉ là nơi để trồng rau mà còn là nơi ươm mầm những ký ức và gieo hạt giống tương lai.

Rừng dừa Bảy Mẫu: Nơi tình yêu thiên nhiên thăng hoa thành du lịch cộng đồng

Cái tên Rừng Dừa Bảy Mẫu gợi mở về một không gian sinh thái đặc trưng, nơi sự xanh tươi và bình yên ngự trị. Từ quy mô ban đầu "7 mẫu", diện tích rừng dừa đã mở rộng đáng kể, minh chứng cho quá trình phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ vốn có. Dù lượng du khách ngày càng tăng, khu vực này vẫn được quản lý chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh và gìn giữ cảnh quan tự nhiên.

Điều đặc biệt làm nên Rừng Dừa Bảy Mẫu chính là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tự quản. Từ những hộ gia đình nhỏ lẻ, người dân Cẩm Thanh đã chung tay xây dựng nên một cộng đồng đoàn kết, chủ động phát triển bền vững mà không phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn. Mọi hoạt động tại đây đều hướng về lợi ích chung, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận. Người dân tự giác đặt ra những quy ước chặt chẽ để bảo vệ rừng dừa ngập mặn: từ việc cấm chặt dừa lấy gỗ, bảo vệ bờ rạch đến phân chia khu vực dịch vụ và khu bảo tồn tự nhiên, nơi không có bất kỳ hoạt động khai thác nào.

Hiện nay, rừng dừa đã phục hồi và mở rộng diện tích lên hơn 100 hecta, trở thành một điểm nhấn quan trọng trong bản đồ du lịch sinh thái cộng đồng. Đến với Rừng Dừa Bảy Mẫu, du khách sẽ được đắm mình vào một không gian sông nước thu nhỏ, nơi những người dân địa phương tài hoa trở thành những "nghệ sĩ" thực thụ, trình diễn các điệu múa thúng uyển chuyển, kỹ thuật quăng lưới bắt cá điêu luyện, hay những làn điệu dân ca mộc mạc và ẩm thực truyền thống đậm đà bản sắc. Những hoạt động tương tác này không chỉ mang đến trải nghiệm độc đáo mà còn tăng cường sự gắn kết sâu sắc giữa du khách và văn hóa bản địa.

 Rừng dừa Bảy Mẫu: Nơi vẻ đẹp bền vững bắt nguồn từ cộng đồng

Rừng dừa Bảy Mẫu: Nơi vẻ đẹp bền vững bắt nguồn từ cộng đồng

Rừng Dừa Bảy Mẫu không chỉ là một địa điểm tham quan mà còn là một minh chứng sống động cho thấy sự phát triển bền vững hoàn toàn có thể khởi nguồn từ tình yêu sâu sắc dành cho thiên nhiên và tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Mỗi gốc dừa, mỗi dòng chảy nơi đây là biểu tượng vững chắc cho một Hội An xanh hơn, sạch hơn, được gìn giữ bởi những con người bình dị nhưng kiên định với con đường phát triển du lịch hài hòa với tự nhiên.

“Hành trình kết nối xanh” không chỉ đưa khán giả đến với thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn mở ra những cánh cửa nhỏ để ta nhìn thấy trái tim ấm áp của con người. Đây là một hành trình truyền cảm hứng về ý thức bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, nơi mỗi hành động nhỏ đều có thể góp phần kiến tạo một tương lai xanh hơn.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hanh-trinh-ket-noi-xanh-hoi-an-du-lich-cong-dong-ben-vung-post1760075.tpo
Zalo