Hành trình giành sự sống cho sản phụ gặp tai biến nguy hiểm bậc nhất, tỷ lệ mắc chỉ 12/100.000

Các bác sĩ gọi hành trình giành lại sự sống cho sản phụ T. là điều kỳ diệu, khi chị bị tắc mạch ối - biến chứng sản khoa nguy hiểm bậc nhất, với tỷ lệ mắc chỉ khoảng 12/100.000 ca sinh, tỷ lệ tử vong ở mẹ lên đến 90% và ở trẻ sơ sinh lên đến 60%.

Sản phụ Nguyễn M.T., 33 tuổi, nhập viện tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để sinh con lần hai, thai IVF 39 tuần.

Do được dự báo là ca sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các bác sĩ và kỹ thuật viên khoa Gây mê Hồi sức đã chủ động chuẩn bị mọi phương án, sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Trước khi rặn đẻ, các chỉ số hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sản phụ bất ngờ xuất hiện triệu chứng khó thở, suy hô hấp, mạch khó bắt, tím tái toàn thân, vỡ hồng cầu, tụt huyết áp nghiêm trọng. Đồng thời, tim thai đập chậm bất thường - dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đến cả mẹ và bé.

Ngay lập tức, chế độ báo động đỏ được kích hoạt. Ê-kíp trực nhanh chóng hội chẩn và nghi ngờ sản phụ bị tắc mạch ối - tai biến tối cấp trong sản khoa, với tỷ lệ mắc chỉ khoảng 12/100.000 ca sinh, tỷ lệ tử vong ở mẹ lên đến 90% và ở trẻ sơ sinh lên đến 60%.

Quyết định mổ cấp cứu được đưa ra khẩn trương nhằm giữ lại sự sống cho cả hai mẹ con. Ê-kíp Gây mê Hồi sức tích cực tiến hành hồi sức, đưa bệnh nhân về trạng thái ổn định để tiến hành phẫu thuật.

Ca phẫu thuật do ThS.BS Vũ Văn Vinh và ThS.BS Phạm Hải Đăng trực tiếp thực hiện, dưới sự chỉ đạo của BSCKII Đỗ Xuân Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

 Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong ca mổ cấp cứu cho sản phụ. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong ca mổ cấp cứu cho sản phụ. Ảnh: BVCC

Trong quá trình mổ, sản phụ bị rối loạn đông máu nặng dẫn đến đờ tử cung. Các bác sĩ đã nỗ lực tối đa để kiểm soát tình trạng và cứu người bệnh.

Bên cạnh đội ngũ sản khoa, đội ngũ gây mê hồi sức đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát các tình huống nguy cấp và góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ sống sót của sản phụ. Ê-kíp gây mê hồi sức đã thực hiện đặt nội khí quản, thông khí, cho bệnh nhân thở máy với chế độ phù hợp để hỗ trợ tối đa chức năng hô hấp.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát sao và xử trí rối loạn đông máu nghiêm trọng. Trong quá trình hồi sức, có thời điểm cần dùng thuốc vận mạch liều cao, truyền máu và các chế phẩm máu để duy trì huyết động.

Nhờ can thiệp kịp thời và chuyên môn vững vàng của ekip, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần cải thiện và ổn định. Các bác sĩ không bỏ cuộc dù chỉ một giây. Mỗi quyết định, mỗi thao tác đều là nỗ lực giữ lại sự sống mong manh cho cả mẹ và bé.

Một bé gái kháu khỉnh nặng 2,3kg đã chào đời an toàn và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc.

Sau khi mạch và huyết áp ổn định, người mẹ được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định và được xuất viện. Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đánh giá, đây là "điều kỳ diệu", là thành quả của tập thể y tế không ngừng nỗ lực.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong sản khoa, không ít trường hợp thai kỳ khỏe mạnh nhưng gặp bất thường khi sinh. Vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa để hành trình vượt cạn được diễn ra thuận lợi, an toàn nhất.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hanh-trinh-gianh-su-song-cho-san-phu-gap-tai-bien-nguy-hiem-bac-nhat-ty-le-mac-chi-12100000-post412056.html
Zalo