Hành trình giảm tảo hôn, nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số ở Vân Canh

Tình trạng tảo hôn dai dẳng từng là thách thức lớn của huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định - nơi nhiều trẻ em phải gác lại ước mơ để bước vào cuộc sống gia đình sớm. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Dự án 8, những thay đổi tích cực đang dần hiện hữu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho phụ nữ và trẻ em ở đây.

 Liên hoan giải pháp truyền thông thay đổi nếp nghĩ cách làm trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em huyện Vân Canh

Liên hoan giải pháp truyền thông thay đổi nếp nghĩ cách làm trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em huyện Vân Canh

"Trước kia, vấn đề tảo hôn ở đây rất khó thay đổi, nhiều gia đình vẫn giữ nguyên phong tục, con trẻ chưa đủ tuổi đã vội vàng bước vào hôn nhân", chị Phạm Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh - chia sẻ. Nhưng từ khi có Dự án 8, những buổi tuyên truyền, câu lạc bộ học sinh, tổ truyền thông cộng đồng… đã góp phần thắp sáng nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ nét.

Năm 2021, Vân Canh ghi nhận 14 trường hợp tảo hôn, đến năm 2023 con số tăng lên 22 vụ. Tuy nhiên, ngay trong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ tảo hôn đã giảm xuống còn 10 trường hợp - một tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm kiên trì vận động.

Chương trình Giao lưu đối thoại “Lắng nghe con nói” của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi - trường THCS Thị trấn Vân Canh

Chương trình Giao lưu đối thoại “Lắng nghe con nói” của CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi - trường THCS Thị trấn Vân Canh

Dự án 8 ở huyện Vân Canh được triển khai với nguồn vốn hàng tỷ đồng, tập trung xây dựng mạng lưới gồm 35 tổ truyền thông cộng đồng, 3 câu lạc bộ thủ lĩnh thay đổi nhận thức và 3 địa chỉ tin cậy cộng đồng - những "người gác cổng" bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em. Qua đó, những thông điệp về bình đẳng giới, hậu quả nghiêm trọng của tảo hôn và bạo lực gia đình được lan tỏa rộng rãi đến từng thôn bản.

Tại các trường trung học cơ sở, 3 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với 90 thành viên đã trở thành "những đại sứ nhỏ" truyền cảm hứng và kiến thức phòng chống tảo hôn cho bạn bè đồng trang lứa. Những buổi sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, tiểu phẩm về quyền trẻ em và bình đẳng giới không chỉ làm thay đổi cách nghĩ mà còn kích thích tinh thần học tập, nâng cao ý thức cộng đồng.

Đặc biệt, vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng đã được phát huy tối đa. Họ chính là cầu nối quan trọng, vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đồng thời hòa giải những mâu thuẫn gia đình - một nguyên nhân gián tiếp gây tảo hôn và bạo lực.

Bên cạnh đó, mô hình "Địa chỉ tin cậy" được thành lập tại các xã Canh Liên, Canh Hiệp và Canh Thuận với 62 thành viên tình nguyện - trong đó 22 là phụ nữ - đã giúp nạn nhân bạo lực gia đình và xâm hại có chỗ dựa vững chắc để bảo vệ mình.

Hội LHPN huyện Vân Canh chú trọng hoạt động tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số

Hội LHPN huyện Vân Canh chú trọng hoạt động tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, hành trình thay đổi vẫn còn nhiều gian nan. Vẫn còn một số gia đình vẫn theo nếp cũ. Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình kinh tế cho phụ nữ còn hạn chế do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tổ nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ - một mắt xích quan trọng để giúp phụ nữ tự chủ tài chính, giảm áp lực kết hôn sớm.

Nhận thức được những khó khăn này, Hội LHPN huyện Vân Canh đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu, tập trung duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông hiệu quả; đồng thời phối hợp ngành giáo dục mở rộng các câu lạc bộ, đưa nội dung bình đẳng giới vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Triển khai từ năm 2021 đến nay, Dự án 8 đã không chỉ truyền tải kiến thức mà còn thắp lên ngọn lửa thay đổi trong mỗi gia đình, từng thôn làng tại Vân Canh. Những chuyển biến tích cực trên đây chính là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đồng thuận, sự phối hợp và sự kiên trì không ngừng nghỉ trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vân Canh hôm nay đang dần bước ra khỏi bóng tối của những tập tục lạc hậu, tiến gần hơn đến một tương lai bình đẳng, phát triển bền vững - nơi mọi đứa trẻ đều được quyền sống, học tập và trưởng thành đúng lứa tuổi, và nơi người phụ nữ được tôn trọng, phát huy vai trò.

N.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hanh-trinh-giam-tao-hon-nang-cao-vi-the-phu-nu-va-tre-em-dan-toc-thieu-so-o-van-canh-20250524200706545.htm
Zalo