Hành trình đổi thay của vùng Tây Nam Bộ

Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, có dịp trở lại vùng đất Tây Nam Bộ, chúng tôi được chứng kiến và nghe nhiều câu chuyện chân thực, xúc động về sự chung sức, đồng lòng của quân và dân trong hành trình hồi sinh những vùng đất 'chết'.

Vùng Tây Nam Bộ hôm nay đang vươn mình, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Một thời máu lửa

Hơn nửa thế kỷ trước, dưới thời Mỹ-ngụy, Cần Thơ được xem là thủ đô thứ hai sau Sài Gòn. Đối phương xác định, nếu Sài Gòn thất thủ thì khu vực cuối cùng phải giữ là vùng Tây Nam Bộ, lấy Cần Thơ làm trung tâm chỉ huy Vùng 4 chiến thuật của ngụy quyền Sài Gòn. Đến đầu năm 1975, lực lượng địch ở Cần Thơ khoảng 20.000 tên, 400 đồn bốt, 2 tiểu khu, 11 chi khu, 2 giang đoàn, Sư đoàn 7 và 21, Sư đoàn Không quân số 4, Thiết đoàn số 8, Chi đoàn 296 ngụy...

Theo lời kể của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Cần Thơ, đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Cần Thơ rung chuyển trong bão lửa, LLVT Cần Thơ phối hợp với các đơn vị chủ lực Quân khu 9 chia làm 3 cánh quân tiến công vào trung tâm thành phố. Mặc dù quân địch kháng cự mạnh mẽ, nhưng với tinh thần chiến đấu không sợ hy sinh, lực lượng của ta đã vượt qua mọi lớp phòng thủ, đánh chiếm các vị trí quan trọng như: Sân bay Trà Nóc, đài phát thanh và các cơ quan chỉ huy của địch tại Cần Thơ. Đến hơn 18 giờ ngày 30-4, Cần Thơ-trung tâm đầu não của địch ở Đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng. “Đây không chỉ là chiến thắng quân sự mà còn khẳng định sức mạnh tinh thần và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của quân và dân miền Tây Nam Bộ”, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn nói.

 Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn-người từng tham gia giải phóng Cần Thơ.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn-người từng tham gia giải phóng Cần Thơ.

Với ông Trần Nam Đoàn, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bạc Liêu, dù 50 năm đã qua nhưng khí thế hào hùng và thời khắc giải phóng huy hoàng vẫn mãi là ký ức đẹp. Theo lời ông Đoàn, ngày 8-4-1975, ngụy quyền ở Bạc Liêu thành lập “Ủy ban tử thủ” của tỉnh (ngụy trang là Ủy ban bảo vệ tỉnh) do Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp làm Chủ tịch. Tiếng là “bảo vệ” nhưng Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp lại lệnh cho các chi khu, đồn bốt ra càn quét, đánh phá để ngăn chặn lực lượng ta từ xa. Giữa tháng 4-1975, cố vấn Mỹ và Vùng 4 chiến thuật bắt đầu di tản. Ngụy quân, ngụy quyền ở Bạc Liêu hoang mang cao độ. Việc cố vấn Mỹ di tản và sau đó Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức gây chấn động lớn trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền ở Bạc Liêu.

Tận dụng thời cơ tình hình trên chiến trường ở các mặt trận diễn biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng, Tỉnh ủy Bạc Liêu kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh phương án chính trị và binh vận; mũi chủ yếu là tấn công vào Đại tá, Tỉnh trưởng ngụy quyền Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp, gắn với tích cực chuẩn bị các điều kiện về vũ trang để giải phóng tỉnh lỵ. Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp buộc Nguyễn Ngọc Điệp cùng các sĩ quan thuộc cấp phải từ bỏ ý định tử thủ, buông súng đầu hàng, bàn giao chính quyền vô điều kiện cho cách mạng. Là thành viên đoàn tiếp quản của Tỉnh ủy Bạc Liêu thời khắc giải phóng, ông Đoàn cho biết, ngày 30-4, khi bắt đầu cuộc thương thuyết, Đại tá ngụy Nguyễn Ngọc Điệp xin chậm lại để chờ lệnh, nhưng đoàn thương thuyết hối thúc và phân tích tình hình chiến sự. Nghe xong, Nguyễn Ngọc Điệp mới chịu đầu hàng.

“Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền Bạc Liêu. Chính quyền cách mạng đã làm chủ tỉnh lỵ an toàn, không nổ súng, không đổ máu, kết thúc những năm chiến đấu anh dũng, kiên cường, đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào, vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975”, ông Đoàn kể.

Đất lửa nở hoa

Chiến tranh qua đi, vết thương lòng và vết thương đất vẫn còn nhức nhối, nhưng từ trong gian khó, những con người ở vùng đất Tây Nam Bộ đã đứng dậy để mạch sống được sinh sôi. Khởi nguồn của niềm tin và khát vọng phát triển thịnh vượng đã giúp bức tranh kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam Bộ ghi dấu bằng nhiều gam màu tươi mới. Sự thay đổi rõ rệt có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống nhân dân trong vùng là quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên. Đến nay, vùng đóng góp khoảng 31% tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi-khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Theo báo cáo kinh tế thường niên diễn ra đầu tháng 4-2025cho thấy, xuất khẩu của toàn vùng tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua, với thặng dư thương mại đạt hơn 14,4 tỷ USD. Con số này chiếm 58% tổng thặng dư thương mại cả nước. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,31%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, nhiều địa phương dẫn đầu như Trà Vinh đạt 10,04%, đứng đầu Tây Nam Bộ và thuộc tốp 10 của cả nước; tiếp đến là Hậu Giang đạt 8,76%, Long An đạt 8,3%, Kiên Giang đạt 7,5%, Tiền Giang đạt hơn 7%. Mức thu nhập bình quân đầu người trong vùng đạt 80,7 triệu đồng/năm, đứng thứ 5/6 so với các vùng trên cả nước.

Đường cao tốc Cần Thơ-Sóc Trăng mở ra cơ hội phát triển cho các địa phương.

Đường cao tốc Cần Thơ-Sóc Trăng mở ra cơ hội phát triển cho các địa phương.

Để mở ra cơ hội cho vùng Tây Nam Bộ, thời gian qua, Trung ương đã đầu tư nhiều về hạ tầng giao thông. Theo Bộ Xây dựng, hiện nay vùng Tây Nam Bộ đã và đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong số đó có 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km và 2 dự án cầu, đường bộ. Nhiều dự án đường cao tốc mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, như: Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Cao Lãnh-An Hữu; cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh và dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận...

Dõi theo từng lộ trình phát triển của quê hương, nhìn các tuyến cao tốc dài tít tắp, dần nên hình nên dáng, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn không khỏi xúc động: “Ở miền Tây Nam Bộ, vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để di chuyển từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ là điều trước đây nhiều người không dám nghĩ đến. Và câu hát “Cà Mau xa lắm” sẽ là hoài niệm khi hàng loạt tuyến cao tốc kết nối liên vùng giúp Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và vùng ven biển phía Tây với U Minh Thượng của bán đảo Cà Mau gần nhau hơn, kết nối với tuyến cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và các tuyến N1, N2. Sắp tới, cầu Rạch Miễu 2 thông tuyến, đồng thời triển khai xây dựng cầu Đình Khao và các cầu khác trong vùng. Không còn cảnh qua sông phải lụy đò, giao thông thuận lợi sẽ tạo động lực phát triển sau sáp nhập tỉnh”.

Trải qua 50 năm hòa bình, nhìn bức tranh kinh tế-xã hội với nhiều gam màu tươi sáng, các cựu chiến binh như ông Trần Nam Đoàn hay Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thanh Sơn và nhiều người tin rằng, những gì họ cùng đồng đội đã cống hiến sẽ không uổng phí. Những con đường, những khu dân cư khang trang, những mảnh vườn xanh tốt hôm nay là minh chứng cho sự đổi thay. Nhưng hơn hết, đó là niềm tin vào thế hệ sau-những người sẽ viết tiếp câu chuyện phát triển của vùng đất Tây Nam Bộ không chỉ trong 50 năm qua mà còn nhiều năm về sau.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hanh-trinh-doi-thay-cua-vung-tay-nam-bo-826237
Zalo