Hành trình đi tìm định danh cho người yếu thế: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Với phương châm 'không để ai bị bỏ lại phía sau' cơ quan chức năng cùng các cơ sở nuôi dưỡng người yếu thế đã nỗ lực, cố gắng thực hiện 'hành trình đi tìm định danh cho người yếu thế'. Hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Hoàn, Giám đốc TTBTXH Thanh Hóa; Thượng tá Trần Văn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Quảng Xương; sư Thích Đàm Ngoan, Trụ trì Chùa Hồi Long (Hoằng Hóa).

Trung tâm luôn nỗ lực hết mình vì người bệnh

P.V: Ông hãy chia sẻ những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tại trung tâm khi phải quản lý, chăm sóc các đối tượng “đặc biệt” và nỗ lực để họ có thẻ căn cước?

P.V: Ông hãy chia sẻ những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tại trung tâm khi phải quản lý, chăm sóc các đối tượng “đặc biệt” và nỗ lực để họ có thẻ căn cước?

Ông Vũ Đình Hoàn:

Hiện trung tâm đang quản lý 525 đối tượng, gồm 172 đối tượng nữ và 353 đối tượng nam, trong đó có 11 trường hợp lang thang. Những đối tượng được quản lý ở đây, họ có nhiều bệnh nhưng lại nhiều không: không trí nhớ, không thân nhân, không lai lịch. Họ xem trung tâm như nhà của mình và có thời gian gắn bó lâu dài, bởi vậy cán bộ y, bác sĩ, nhân viên trung tâm cũng xem họ như người thân, những người thân cần được hỗ trợ về mọi mặt mà nỗ lực hết mình để chăm sóc họ.

Đây hầu hết là những đối tượng sa sút nghiêm trọng về trí tuệ, sức khỏe... mọi việc đều phục thuộc gần như hoàn toàn vào đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên, bởi vậy khối lượng và áp lực công việc luôn luôn nhiều.

Nhiều đối tượng vào trung tâm không có bất kỳ giấy tờ nào, cũng không biết được mình là ai. Để khai thác thông tin, cán bộ y tế trung tâm phải dành nhiều thời gian trò chuyện, đồng thời thông qua các buổi tư vấn, trị liệu tâm lý nhằm khôi phục trí nhớ. Từ những mảnh trí nhớ rời rạc, trung tâm lần theo những thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng giúp họ xác định nhân thân.

Những năm qua, trung tâm phối hợp với công an địa phương mở các đợt làm thẻ căn cước công dân cho các đối tượng. Đến nay, 524 đối tượng tại trung tâm đã có thẻ căn cước công dân/căn cước, còn 1 đối tượng trong năm nay sẽ hoàn thành. Đây không chỉ là niềm vui của người bệnh khi được công nhận, được hưởng đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như những công dân khác mà còn là niềm vui của y, bác sĩ trung tâm, khi giúp những mảnh đời bất hạnh được công nhận. Đặc biệt, với những người thường xuyên đau ốm, nhiều bệnh lý phức tạp như ở đây thì thẻ căn cước công dân/căn cước là điều kiện để họ được hưởng bảo hiểm y tế, thụ hưởng các chế độ chăm sóc y tế ưu đãi dành cho bản thân.

Nỗ lực để mọi công dân đều có căn cước

P.V: Việc làm thẻ căn cước công dân/căn cước cho người yếu thế được Công an huyện Quảng Xương triển khai thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

P.V: Việc làm thẻ căn cước công dân/căn cước cho người yếu thế được Công an huyện Quảng Xương triển khai thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Thượng tá Trần Văn Dũng:

Những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người khuyết tật... hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các TTBTXH. Vì nhiều lý do nên họ không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như thực hiện thủ tục hành chính. Việc cấp thẻ căn cước công dân/căn cước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người yếu thế, giúp họ tự tin trở thành một người công dân thực thụ. Ngoài ra, việc cấp thẻ căn cước công dân/căn cước tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt là triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội được thuận lợi và dễ dàng hơn cho những người yếu thế.

Luật Căn cước 2023 quy định thẻ căn cước công dân đã cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ, do vậy người dân không cần thiết phải đổi sang thẻ căn cước mới, trừ khi có nhu cầu cấp đổi. Đối với những trường hợp đặc biệt như người già, yếu, khuyết tật... không thể đến trực tiếp địa điểm làm thủ tục cấp thẻ căn cước thì Điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BCA quy định rất rõ về các biện pháp hỗ trợ. Cụ thể, các trường hợp già yếu, bệnh tật, tai nạn, khuyết tật và các trường hợp đặc biệt khác sẽ được về tận chỗ ở để thu nhận hồ sơ, dữ liệu làm thẻ căn cước nếu cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và nhân lực thực hiện.

Để hỗ trợ, Công an huyện Quảng Xương thường xuyên triển khai các tổ công tác xuống các trung tâm, địa phương để lấy dấu vân tay, thu thập thông tin, làm thẻ căn cước công dân/căn cước.

Hiện tại, Quảng Xương có 412 đối tượng yếu thế, hầu hết các đối tượng này đến nay đã được thu thập thông tin. Còn một số đối tượng không hợp tác, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể để hỗ trợ, tư vấn, nỗ lực để mọi công dân đều có căn cước.

Giúp trẻ hưởng quyền lợi chính đáng

P.V: Việc làm thẻ căn cước công dân/căn cước cho các trẻ em bị bỏ rơi đang nuôi dưỡng tại chùa có gặp khó khăn gì không, thưa sư trụ trì?

P.V: Việc làm thẻ căn cước công dân/căn cước cho các trẻ em bị bỏ rơi đang nuôi dưỡng tại chùa có gặp khó khăn gì không, thưa sư trụ trì?

Sư Thích Đàm Ngoan: Hiện tại Chùa Hồi Long đang nuôi dưỡng, chăm sóc 40 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 16 trẻ bị bỏ rơi.Trong hành trình đi tìm định danh cho những trẻ em đang sinh sống tại chùa, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho trẻ. Hiện tại, tất cả các trẻ đều được thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế và các chính sách ưu tiên dành cho trẻ em.

Thực hiện: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nbsp-hanh-trinh-di-tim-dinh-danh-cho-nguoi-yeu-the-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-33039.htm
Zalo