Hành trình dài xây dựng nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ - con đường hướng tới một nền nông nghiệp bền vững đang là mục tiêu của Lâm Đồng với định hướng có nền nông nghiệp phát triển đứng đầu Việt Nam.

Đồi chè của Tằng Vĩnh An, doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ

Đồi chè của Tằng Vĩnh An, doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Đồi chè của Tổ hợp tác Chè hữu cơ Tằng Vĩnh An, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm đang trở thành điểm tham quan mới mẻ của cư dân địa phương và du khách. Đồi chè xanh ngắt bên những dãy sim tím đẹp mơ màng, để du khách “đã con mắt” và có những khung hình đẹp. Chị Nguyễn Thị Tường Vy - Phó Giám đốc Tằng Vĩnh An cho biết, trồng những dải sim tím, tạo cảnh quan đẹp mắt là một trong những hoạt động của đơn vị trong xây dựng vùng trồng chè hữu cơ. Tằng Vĩnh An là một trong những doanh nghiệp được hỗ trợ chứng nhận sản xuất hữu cơ cho cây chè.

“Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025” được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2020. Mục tiêu của đề án đến năm 2025, tổng diện tích canh tác hữu cơ đạt 1.600 ha với sản lượng 11.500 tấn; về chăn nuôi bò sữa đạt 2.000 con, sản lượng sữa hữu cơ đạt khoảng 5.800 tấn, đàn bò thịt đạt 400 con, sản lượng thịt hữu cơ đạt 50 tấn, gà đẻ trứng hữu cơ đạt 20.000 con, sản lượng trứng hữu cơ đạt 3.200.000 quả và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Đồng thời, đề án đã xác định phát triển các vùng, sản phẩm trồng trọt tại các khu vực gồm rau hữu cơ, lúa hữu cơ, chè hữu cơ, cà phê hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ, dược liệu hữu cơ và nấm hữu cơ. Phát triển vùng, sản phẩm chăn nuôi đạt chứng nhận hữu cơ gồm: Phát triển chăn nuôi bò sữa hữu cơ, bò thịt hữu cơ, gà đẻ trứng hữu cơ tại các vùng sinh thái phù hợp.

Từ năm 2021 đến nay, việc triển khai thực hiện Đề án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã có được những kết quả tích cực. Riêng trong năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng có thêm 129,1 ha đất trồng trọt và 15.000 con gà đẻ trứng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Tới đầu năm 2025, toàn tỉnh có 1.708,18 ha đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ, đạt 106,76% mục tiêu đề án.

TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH DÀI

Ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, ngành Nông nghiệp đã tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất hữu cơ trên toàn tỉnh, xác định được 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ trên địa bàn Lâm Đồng. Ngành Nông nghiệp tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, chuyển giao các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ các loại cây trồng, vật nuôi chính; đào tạo, tập huấn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương bằng hỗ trợ vật tư thiết yếu liên quan đến đầu vào sản xuất hữu cơ gồm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bẫy côn trùng quản lý sinh vật hại, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng trong canh tác hữu cơ; giống kháng sâu bệnh đối với rau, lúa và dược liệu, chế phẩm sinh học cải tạo đất... Xây dựng các chuỗi liên kết hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp, nông dân an tâm sản xuất.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hà Lộc thông tin, quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với từng loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo mục tiêu của đề án chưa đạt. Năm 2024, diện tích sản xuất trồng trọt được chứng nhận hữu cơ giảm 79,1 ha so với năm 2023, thấp hơn mục tiêu đề ra năm 2024 là 506,6 ha.

Ông Hà Lộc cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, tình hình sâu bệnh hại phát triển khó kiểm soát. Chi phí chứng nhận cho sản xuất hữu cơ còn cao, thời hạn ngắn trong khi thị trường cho sản phẩm hữu cơ còn hẹp. Thói quen canh tác của người nông dân cũng như yêu cầu cao của canh tác hữu cơ khiến việc mở rộng còn gặp khó. Ông Hà Lộc đánh giá, con đường xây dựng nông nghiệp hữu cơ của Lâm Đồng còn rất lâu dài.

Trong thời gian tới, Lâm Đồng tích cực tuyên truyền cho người nông dân nắm rõ kỹ thuật canh tác rau theo hướng hữu cơ; tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng kênh tiêu thụ các sản phẩm nông sản hữu cơ nhằm ổn định đầu ra sản phẩm cho người dân. Có những chính sách thích hợp để tăng độ nhận diện, xây dựng thương hiệu, uy tín, thị trường cho nông sản hữu cơ.

Đặc biệt, chú trọng tới các yếu tố tự nhiên sẵn có như độ phì sẵn có của đất; sử dụng các nguồn gen, giống cây trồng địa phương để phát huy tính thích nghi và ổn định của nông nghiệp bền vững; khai thác hợp lý nguồn nước, thời vụ gieo trồng và các nguồn phân hữu cơ để phát triển diện tích, chủng loại sản phẩm hữu cơ.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/hanh-trinh-dai-xay-dung-nong-nghiep-huu-co-2450b5b/
Zalo