Hành trình cổ tích của Hà Lệ Diễm và 'Những đứa trẻ trong sương'

Nói về sự vang danh quốc tế của bộ phim tài liệu 'Những đứa trẻ trong sương', đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm bảo, đó là cả một hành trình cổ tích.

Hà Lệ Diễm (giữa) trò chuyện về bộ phim 'Những đứa trẻ trong sương' tại Liên hoan phim Asia Pacific Screen Awards 2022 (Úc). Ảnh: NVCC.

Hà Lệ Diễm (giữa) trò chuyện về bộ phim 'Những đứa trẻ trong sương' tại Liên hoan phim Asia Pacific Screen Awards 2022 (Úc). Ảnh: NVCC.

Nói về sự vang danh quốc tế của bộ phim tài liệu độc lập đầu tay “Những đứa trẻ trong sương”, đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm bảo, đó là cả một hành trình cổ tích, vì: “Bộ phim được tạo dựng bởi rất nhiều trái tim có sự thấu hiểu cùng tấm lòng rộng mở và tử tế, bao dung đối với tôi và phim”…

“Về nhà mình nhé!”

“Làm phim tài liệu độc lập hiện nay ở Việt Nam thực sự rất khó, chỉ có một số tên tuổi như: Trần Phương Thảo, Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Trịnh Thi, Phạm Thu Hằng. Thế hệ 9X có Hà Lệ Diễm với “Những đứa trẻ trong sương” được nhận nhiều hỗ trợ, tài trợ, dự án xuất sắc nhất ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc... Diễm học TPD từ 2012, sau gần 10 năm thì có bộ phim tài liệu dài đầu tay này”. Ông Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD

Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” giành hàng chục giải tại các liên hoan phim quốc tế và xuất sắc là phim đầu tiên của Việt Nam lọt top 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023 được Hà Lệ Diễm thực hiện trong 4 năm - từ 2017 đến 2021, trong đó phần lớn thời gian cô trở đi, trở lại với Sa Pa, nơi có bé Di - nhân vật chính.

Đến giờ, Hà Lệ Diễm không thể nhớ được ngày đầu mình lên Sa Pa như thế nào, vậy nhưng, bố Di thì vẫn nhớ như in. Hôm đó, ông ra bến xe đón một cô gái nhỏ bé mà mang 2 cái túi to và nặng. Ông chở tuột Diễm ra cánh đồng vì lúc đó đang vụ cấy, không có người ở nhà.

Như bao người trong làng, ông đã không khỏi bất ngờ vì cô gái ấy liền sà xuống cấy lúa, ai làm gì Diễm làm nấy mà không một lời phàn nàn, kêu ca. Dù không biết tiếng Mông nhưng Diễm vẫn hòa đồng, được mọi người yêu mến, thoải mái mà không bị xa lánh, ghét bỏ. “Con bé này cũng sống sót được ở đây đấy (như một người Mông thực thụ)”, bố Di gật gù.

Để có chuyến đi này, Hà Lệ Diễm đã từng tham gia chương trình nghệ sĩ đến làm việc cùng người dân tộc thiểu số của một tổ chức phi chính phủ. Là người làm phim nên Diễm tò mò xin lên Sa Pa.

Lúc trở về, cô quen và kết bạn với nhiều người Mông rồi kết nối tham gia workshop của Câu lạc bộ Vì sự phát triển của người Mông, trong đó có sự tham gia của Di. Diễm quay lại làm việc cùng Di và đi theo chương trình làm việc đó.

Thế nhưng, khi đến nhà Di, phải đến ngày thứ 3, cô bé mới chịu nói chuyện với Diễm bằng những câu hỏi tò mò: “Ơ chị ở đâu đến? Chị tên gì? Sao lại lên đây cấy lúa?”. Năm đó Di 12 tuổi rưỡi (tính theo dương lịch).

Kỷ niệm mà Hà Lệ Diễm nhớ mãi là lần cô xin phép bố mẹ Di sang nhà bạn khác để quay phim vài ngày. Mẹ Di nói: “Thì em cứ đi quay, khi nào xong lại về nhà mình nhé”.

“Nghe câu “về nhà mình nhé” tôi cảm động vô cùng vì chỉ có người thân trong nhà mới nói với mình như thế. Bố mẹ Di đã luôn coi tôi là con cái trong nhà, là chị gái của Di. Tôi gọi họ là bố mẹ và luôn là chỗ để hai người trút bầu tâm sự…”, Hà Lệ Diễm kể.

Lối đi từ… hoang mang

Một cảnh trong bộ phim tài liệu độc lập 'Những đứa trẻ trong sương'. Ảnh: NVCC.

Một cảnh trong bộ phim tài liệu độc lập 'Những đứa trẻ trong sương'. Ảnh: NVCC.

Những ngày đi chơi cùng Di là những ngày Diễm được sống lại ký ức tuổi thơ qua trò chơi của cô bé với các bạn trong làng. Đó là trò chơi tưởng tượng một thế giới người lớn mà trong đó có những ông bố, bà mẹ và đàn con.

Cũng từ đó, Diễm luyến tiếc bản thân đã lớn, không còn có thể tưởng tượng được như thế. Cô cũng hiểu rằng, thế giới tuổi thơ là một thế giới rất mơ mộng, trẻ con được sống trong thế giới tự do, không phải suy nghĩ, không phải đối mặt với các rắc rối hay những vấn đề của người lớn.

Chính suy nghĩ ấy đã gợi mở đề tài cho Diễm: “Tại sao mình không làm một bộ phim về những gì đẹp nhất của tuổi thơ để lưu giữ lại”. Ngay khi nảy ra ý tưởng đó, Diễm đã quyết định quay Di với một bạn nữa.

Nhưng sau đó vì mới bước vào thế giới của phim ảnh nên cô không đủ khả năng để quay 2 người. Cuối cùng, Diễm phải lựa chọn chỉ có Di là nhân vật xuyên suốt trong “Những đứa trẻ trong sương”.

Lúc mới bấm máy, Diễm từng hoang mang không biết có thể làm được không, vì biết đến khi nào tuổi thơ của bé Di kết thúc? Nó rất mơ hồ trong khi phim là hình ảnh, âm thanh cụ thể được Diễm ghi lại vào dịp Tết, nghỉ hè, mùa cấy, Trung thu hay lúc Di có bài thi quan trọng.

Đến cuối 2019, vì bắt buộc phải làm đoạn phim ngắn 20 phút để giới thiệu dự án, xin kinh phí quay tiếp hậu kỳ, Hà Lệ Diễm mới nhận ra những thước phim ấy đã lột tả sự lớn lên của Di, từ ngoại hình cho đến tính cách để cô tin rằng mình có thể làm được.

Trong phim còn có phân đoạn thể hiện tục kéo vợ của người Mông. Ban đầu, Hà Lệ Diễm không để ý đến tục này vì luôn nghĩ đó là câu chuyện cổ tích rất đẹp kể về những cặp đôi yêu nhau, không đến được với nhau nhưng nhờ kéo vợ mà bố mẹ đồng ý.

Đến năm 2018, một số chị họ và bạn của Di mới kể cho Diễm nghe trải nghiệm của họ. Lúc đó, cô mới giật mình lo lắng, song Di vẫn rất hồn nhiên chỉ nghĩ cần học thế nào cho giỏi, đi chơi thế nào cho vui, mặc như thế nào cho xinh… Rồi mỗi ngày Di một lớn lên, bắt đầu sử dụng smartphone - một thế giới mới, bạn bè mới mở ra.

Bố Di hay mắng còn mẹ Di thì lo lắng kiểm soát. Khi tất cả đều mới, Di thành thiếu nữ, tự nhiên Diễm và bố mẹ Di không thể hiểu Di đang nghĩ gì. Lo lắng càng nhiều hơn vì làng Di ở chỉ cách biên giới Trung Quốc chừng 2 km, đã có không ít cô gái bị kéo vợ rồi lừa bán sang đó.

Tìm hiểu thêm, Diễm được biết mùa Xuân là mùa các thầy, cô giáo phải vất vả đến từng nhà vận động học sinh trở lại trường. Vậy nên, Diễm đã chủ động trở lại nhà Di vào dịp Tết. Nhiều lần cô muốn đi chơi cùng Di nhưng bị từ chối hoặc cô bé trốn đi một mình.

Có hôm, mẹ Di bảo nay là ngày tốt, nếu Di đi chơi hội (một ngày duy nhất) là Diễm phải đi theo để nhỡ có bị kéo vợ thì kéo lại. Cả một ngày Diễm bám theo Di, thoắt ẩn thoắt hiện, mọi việc đều có thể kiểm soát.

Nhưng, đến chiều, chỉ còn một đoạn đường về nhà và Diễm nghĩ rằng Di cũng đã lớn, cần có quyền riêng tư và làm sao theo mãi được hoặc người ta không có ý xấu, đi theo như thế sẽ không hay…

Vậy nhưng, loáng cái Di đã biến mất đồng thời cô nhận được điện thoại của cô bé lo lắng nói: “Chị ơi, em bị kéo rồi!”. Dù rất nỗ lực cùng mẹ Di và một người bạn tìm kiếm, song vẫn không thấy Di. Ba ngày sau Di trở về nhà…

“Bố mẹ Di nói, có thể nhà trai sẽ đến kéo thêm một lần nữa. Quả đúng như vậy. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng lúc xảy ra thật và là lần đầu tiên chứng kiến, tôi thấy rất sợ. Khi đó, bố mẹ sẽ không được hỗ trợ Di mà chỉ có tôi được Di kéo lại.

Chiếc máy quay có lúc tôi cầm tay, có lúc đeo trên cổ để ghi hình, kể cả lúc mọi người nói chuyện để hiểu vì sao lại làm thế và họ có cảm giác, suy nghĩ như thế nào. Có lúc Di không muốn quay nữa, lấy hẳn tay che vào ống kính…”, Hà Lệ Diễm kể.

Vỡ òa của… lần đầu tiên

Đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm là cô gái dân tộc Tày của quê hương Bắc Kạn. Ảnh: NVCC.

Đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm là cô gái dân tộc Tày của quê hương Bắc Kạn. Ảnh: NVCC.

Tính đến nay, Hà Lệ Diễm đã có gần chục chuyến đi đến các nước trên thế giới để giao lưu hoặc tham gia các hoạt động liên quan tới “Những đứa trẻ trong sương”. Chuyến đi nào cũng để lại trong cô những cảm xúc khó quên.

Nhất là lần đến Hà Lan dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế 2021 ở Amsterdam (IDFA 2021), Diễm đã vỡ òa trong cảm xúc lần đầu tiên được xem phim của mình ở trên màn ảnh lớn của rạp chiếu lớn, có sức chứa đến vài nghìn người.

Cảm xúc ấy càng đặc biệt khi cô được cùng xem phim với nhiều khán giả không cùng một nền văn hóa, không nói cùng một ngôn ngữ và đã thấy rất bất ngờ, ngạc nhiên khi thấy mọi người tiếp nhận bộ phim một cách tích cực.

Cô còn thấy thêm tự tin khi năm 2019 đã từng đến đây xem phim và thấy những bộ phim nhỏ hoặc ít kinh phí đều được đối xử như một bộ phim lớn, rất công bằng; khán giả đến mua vé xem rất đông và thích thú. Từ đó, cô mong bộ phim của mình được chiếu ở IDFA.

Vậy nên, khi “Những đứa trẻ trong sương” thực sự hiện diện ở đây cô rất vui, cứ ngỡ như một giấc mơ… Đã thế, phim còn giành nhiều giải thưởng quan trọng: Đạo diễn xuất sắc nhất ở hạng mục tranh giải quốc tế và Phim dài đầu tay xuất sắc nhất ở hạng mục tuyên dương đặc biệt của ban giám khảo.

Nối tiếp đó là cảm xúc lần đầu tiên “Những đứa trẻ trong sương” là phim đại diện Việt Nam lọt top 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023 - một cảm xúc vô cùng bất ngờ. Lúc được tin phim đủ điều kiện trong 144 bộ phim chọn vào vòng thứ 15 (vì được giải Phim quốc tế xuất sắc nhất tại Tel Aviv (Israel) 2022), cô nghĩ chắc chắn không thể được chọn.

Cũng vì trong đó có rất nhiều phim hay của nhà sản xuất lớn, nói về các vấn đề lớn như chiến tranh, môi trường, biến đổi khí hậu. Trong khi phim của Diễm đề cập đến vấn đề rất cá nhân, nho nhỏ, xinh xinh… Nhưng, điều kỳ diệu ngoài mong đợi đã đến với “Những đứa trẻ trong sương” của Diễm…

Ngoài ra, Diễm còn đặc biệt ấn tượng với những giám khảo chỉ từ 15 đến 20 tuổi đã chấm chọn cho “Những đứa trẻ trong sương” tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Đài Loan, Liên hoan phim Asia Pacific Screen Awards (Úc) và Liên hoan phim Escales Documentaires (Pháp).

Cũng bởi, bộ phim của cô kể về quá trình lớn lên của một cô bé từ hơn 12 - 15 tuổi - Di cùng với đó là “cách thỏa thuận của Di với những nét văn hóa truyền thống để tìm ra con đường đi cho bản thân trong sự tôn trọng và thấu hiểu con người và giá trị truyền thống xung quanh mình.

Còn gì vui hơn khi nhân vật của tôi được các bạn trẻ cùng độ tuổi đón nhận, yêu thích. Sau đó, phim còn được giải Perception change project của Liên Hợp Quốc tại Liên hoan phim Visions du Reél ở Thụy Sĩ, giải thưởng của Unicef tại Japan Prize. Đó là những giải thưởng liên quan đến trẻ em hoặc được trẻ em quyết định, tôi thấy rất vui và tự hào”, Hà Lệ Diễm bày tỏ.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-co-tich-cua-ha-le-diem-va-nhung-dua-tre-trong-suong-post629609.html
Zalo