Hành trình bảo tồn 'báu vật sống' thông hai lá dẹt

Giữa đại ngàn xanh thẳm của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, quần thể 108 cây thông hai lá dẹt cổ thụ đã được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của Lâm Đồng mà còn là minh chứng cho những nỗ lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực Tây Nguyên.

Quần thể thông hai lá dẹt được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Quần thể thông hai lá dẹt được công nhận là Cây di sản Việt Nam

“Báu vật” giữa đại ngàn

Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii) là loài cây lá kim quý hiếm, đặc hữu của vùng Nam Tây Nguyên Việt Nam. Chúng được xem là “hóa thạch sống” của các loài thông nguyên thủy, có giá trị khoa học và bảo tồn vô cùng lớn. Quần thể thông hai lá dẹt tại Bidoup - Núi Bà phân bố chủ yếu ở Tiểu khu 89 và 90 thuộc xã Lạc Dương. Những cây thông sừng sững, cao vút lên trời xanh, có cây cao tới 35 m, đường kính hơn 2 m, với tán cây hình dù đặc trưng, tạo nên một cảnh quan hùng vĩ.

Quần thể thông hai lá dẹt được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 5/2025, gồm 108 cây cổ thụ có tuổi đời từ 700 - 1.000 năm, cao trung bình từ 35 - 40 m.

Thạc sĩ lâm nghiệp Trương Quốc Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Rừng Nhiệt đới (Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà) chia sẻ: “Quần thể thông hai lá dẹt này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Chúng là nguồn gen quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái”.

Đây được xem là quần thể thông hai lá dẹt lớn nhất Việt Nam và thế giới hiện nay. Với cư dân sinh sống trong vùng, thông hai lá dẹt không chỉ là loài cây quý hiếm, mà còn là biểu tượng linh thiêng gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh, văn hóa của cộng đồng bản địa.

Hành trình gian nan bảo vệ và phát triển

Để có được vinh dự này, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã trải qua một hành trình dài với nhiều khó khăn, thách thức. Từ việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, đến việc chăm sóc phát triển, khảo sát, đánh giá hiện trạng quần thể thông, lập hồ sơ khoa học, vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của loài cây quý hiếm này.

Ông Tôn Thiện An - Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng địa phương để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến quần thể thông hai lá dẹt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân”.

Quần thể thông hai lá dẹt tại Bidoup - Núi Bà được công nhận là Cây di sản Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của không chỉ riêng vườn quốc gia mà còn là của cả tỉnh Lâm Đồng và cộng đồng những người yêu thiên nhiên trên cả nước, thu hút du khách đến tham quan, khám phá và tìm hiểu về giá trị đa dạng sinh học của khu vực.

“Chúng tôi hy vọng rằng, việc công nhận quần thể thông hai lá dẹt là Cây di sản Việt Nam sẽ tạo động lực để chúng ta tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, không chỉ ở Bidoup - Núi Bà mà còn trên cả nước”, ông Tôn Thiện An tự hào.

Trong tương lai, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát và bảo vệ quần thể thông hai lá dẹt, đồng thời phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Với sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng cư dân trong khu vực, “báu vật sống” thông hai lá dẹt tại Bidoup - Núi Bà hiện vẫn đang được người dân, các hộ nhận khoán và các nhà nghiên cứu tiếp tục nhân rộng, với mong muốn góp phần làm giàu thêm di sản thiên nhiên của Việt Nam ở vùng này.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/hanh-trinh-bao-ton-bau-vat-song-thong-hai-la-det-382206.html
Zalo