Hành trình 57 năm ASEAN: Khát vọng tự lực, tự cường về kinh tế

Ngày 8/8/2024 đánh dấu kỷ niệm 57 năm thành lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ra đời từ năm 1967 tại Bangkok, sứ mệnh của ASEAN là tạo ra sự ổn định và thúc đẩy hợp tác khu vực.

(Từ trái qua phải): Đại diện 5 quốc gia sáng lập khối ASEAN tại Bangkok, ngày 8/8/1967: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Narcio Ramos, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Adam Malik, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Thanat Khoman, Phó Thủ tướng Malaysia Abdul Razak và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Sinnathamby Rajaratnam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

(Từ trái qua phải): Đại diện 5 quốc gia sáng lập khối ASEAN tại Bangkok, ngày 8/8/1967: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Narcio Ramos, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Adam Malik, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Thanat Khoman, Phó Thủ tướng Malaysia Abdul Razak và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Sinnathamby Rajaratnam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Từ 5 thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, ASEAN đến nay có tổng cộng 10 thành viên, trong đó có Việt Nam.

Đông Nam Á có vị trí địa chiến lược quan trọng. Đây là vùng nhiệt đới dễ tiếp cận nhất trên thế giới, nằm trên giao điểm của các tuyến hàng hải giữa Đông Á, Trung Đông và Địa Trung Hải. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi khu vực này từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các cường quốc toàn cầu muốn thiết lập ảnh hưởng tại đây.

Phần lớn giới chuyên gia đều đồng thuận rằng, ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, môi trường chiến lược mà ASEAN hoạt động đã thay đổi đáng kể so với giai đoạn 10 - 15 năm trước. Các yếu tố như bất đồng thương mại giữa những nước lớn, đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị và cách các quốc gia ứng phó với một nền kinh tế toàn cầu ngày càng phân mảnh đã dẫn đến sự gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bối cảnh này đặt ra hai câu hỏi đối với ASEAN khi Hiệp hội này bước sang năm thứ 57, đó là ASEAN đã hội nhập sâu sắc như thế nào với 10 nền kinh tế thành viên và Hiệp hội này nên phản ứng như thế nào trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi chóng mặt?

Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8/1967 - 8/8/2022) và 27 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2022). tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, sáng 8/8/2022. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Lễ thượng cờ ASEAN nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8/1967 - 8/8/2022) và 27 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2022). tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, sáng 8/8/2022. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Nỗ lực không ngừng

Phó Tổng thư ký Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) Satvinder Singh cho biết ASEAN đang nằm trên quỹ đạo để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 từ vị trí thứ năm ở thời điểm hiện tại. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN đã tăng vọt 51% đạt 3.800 tỷ USD vào năm 2023 so với 2.500 tỷ USD vào năm 2015.

Phát biểu tại hội nghị “Tầm nhìn 2045: Kỷ nguyên ASEAN” do Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và Nhóm tham vấn Boston (Boston Consulting Group) đồng tổ chức ngày 6/8, ông Singh cho rằng nhận định nói trên càng được củng cố hơn nữa nhờ giao dịch thương mại khu vực tăng lên 3.500 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 2.300 tỷ USD vào năm 2015, giúp tăng đáng kể thu nhập bình quân đầu người. Ông cho rằng, điều này phản ánh cam kết bền bỉ của ASEAN trong việc trở thành một khu vực kinh tế mở cho thương mại và đầu tư toàn cầu, vốn đã được cải thiện đáng kể.

Trưởng đoàn các nước ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 (Hà Nội, 6/12/2023). Ảnh: Phạm Kiên/ TTXVN

Trưởng đoàn các nước ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố chung hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 (Hà Nội, 6/12/2023). Ảnh: Phạm Kiên/ TTXVN

Nhờ nỗ lực không ngừng trong những năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế của ASEAN đã được đẩy nhanh thông qua nhiều sáng kiến và khuôn khổ nhằm tăng cường kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên.

Trong đó, kế hoạch tổng thể về Tầm nhìn Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 đã đưa ra một kế hoạch toàn diện nhằm nâng cao hội nhập kinh tế khu vực, được xây dựng dựa trên ba hiệp định cơ bản đã được cải tiến và nâng cấp theo thời gian. Đó là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).

ASEAN cũng nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế. Với mục tiêu này, một loạt chương trình công tác đã được triển khai để tận dụng tiến bộ công nghệ, nhằm phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và đổi mới để hỗ trợ kinh tế số.

Đồng thời, ASEAN đang phát triển các sáng kiến Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN) để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua công nghệ và đổi mới.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, ASEAN cũng đang hoàn thiện các chương trình công tác trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025), tập trung vào cải thiện kết nối về vật chất, thể chế và người dân thông qua các dự án hạ tầng, nỗ lực hài hòa chính sách và phát triển nguồn nhân lực. Hai trong số các dự án liên quan đến phát triển kết nối là mạng lưới đường cao tốc ASEAN (AHN) và Lưới điện ASEAN (APG).

Bên cạnh đó, ASEAN cũng tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước láng giềng. Hiệp hội đã và đang thực hiện các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Một số hiệp định đang được xem xét để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hoặc hợp tác nhằm đảm bảo lợi ích công bằng cho các nước thành viên.

Gần đây nhất, tháng 11/2020, ASEAN đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với các đối tác chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như Australia và New Zealand. RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới về quy mô dân số và hướng đến mục tiêu tăng cường tiếp cận thị trường cũng như hợp tác kinh tế giữa các thành viên. Đây có thể được coi là phương tiện để hiện thực hóa khát vọng đưa khu vực này trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới.

Năm thách thức

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng Thư ký và Trưởng đoàn các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, ở Jakarta, Indonesia (5/9/2023). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng Thư ký và Trưởng đoàn các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan, ở Jakarta, Indonesia (5/9/2023). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Mặc dù có triển vọng đầy hứa hẹn, ASEAN vẫn đối mặt với ít nhất 5 thách thức lớn cần được quan tâm đặc biệt.

Đầu tiên là chênh lệch kinh tế giữa các nước thành viên. Điều này có thể cản trở nỗ lực hội nhập. Thách thức này chỉ có thể được giải quyết hiệu quả nếu ASEAN thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, không để bất kỳ nước thành viên hay tầng lớp xã hội nào bị bỏ lại phía sau.

Thách thức thứ hai là phối hợp và hài hòa chính sách. Xu hướng gần đây về thực hiện những chính sách phục hồi kinh tế quốc gia có thể khiến các nước ASEAN đưa ra quy định mới chưa phù hợp với các cam kết khu vực theo khuôn khổ ASEAN. Sự khác biệt về tiêu chuẩn quy định và thực tiễn đã chứng tỏ là một thách thức đối với việc thúc đẩy hội nhập kinh tế. Điều này có thể giải thích tại sao thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm khoảng 25% tổng trao đổi thương mại của ASEAN với thế giới.

Trong khi đó, bối cảnh căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế hiện nay cũng yêu cầu ASEAN áp dụng một chiến lược đa diện, tập trung vào khả năng phục hồi, đa dạng hóa, hợp tác và điều chỉnh chiến lược. Với mục đích này, ASEAN cần tăng cường thương mại và đầu tư nội khối bằng cách liên tục cải thiện các chuỗi cung ứng hiện có trong ASEAN và thúc đẩy bổ sung công nghiệp giữa các nước thành viên, để giảm sự phụ thuộc vào các thị trường ngoài ASEAN.

Thách thức thứ ba có liên quan đến việc đa dạng hóa và tối đa hóa quan hệ đối tác kinh tế để đạt được khả năng phục hồi chuỗi cung ứng rộng lớn. Việc đảm bảo thực hiện hiệu quả Hiệp định RCEP, bao gồm cả việc mở rộng thành viên, là một cách tiếp cận. Là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới, RCEP mang đến cho 15 quốc gia thành viên cơ hội hình thành các chuỗi cung ứng khu vực có khả năng phục hồi với ASEAN là “trung tâm”. Thay vì riêng lẻ tìm cách xây dựng những chuỗi cung ứng, các nước ASEAN nên đóng vai trò lãnh đạo trong việc vận hành RCEP với những đối tác ngoài ASEAN mà cũng là thành viên của hiệp định. Song song với đó, ASEAN nên tiếp tục khám phá và đào sâu phát triển thương mại với các nền kinh tế lớn khác, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và những thị trường mới nổi khác.

Thứ tư, ASEAN cần đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA) để thúc đẩy thương mại điện tử và đổi mới. Điều này bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và thúc đẩy hiểu biết về công nghệ số trong các nước thành viên. ASEAN cũng nên tập trung vào phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, bằng cách tận dụng các sáng kiến như Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN để thu hút đầu tư vào những dự án phát triển bền vững.

Thách thức cuối cùng là duy trì một cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU. Khả năng thúc đẩy chương trình nghị sự hội nhập kinh tế của ASEAN giữa những căng thẳng toàn cầu sẽ phần lớn phụ thuộc vào khả năng củng cố quan hệ nội bộ, đa dạng hóa đối tác với các quốc gia khác, thực hiện chuyển đổi số, phối hợp và hài hòa chính sách cả ở cấp quốc gia và khu vực, cũng như tiến hành ngoại giao chủ động.

Phương Nga (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/hanh-trinh-57-nam-asean-khat-vong-tu-luc-tu-cuong-ve-kinh-te-20240808191921995.htm
Zalo