Hành trình 4 năm mang yêu thương chăm chút cho tầm vóc, thể lực trẻ em vùng cao
Trong suốt 4 năm qua, Khoa Khoa học Thể dục thể thao, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, đã mang nhiều yêu thương đến với nhiều ngôi trường ở vùng cao.
Bắt đầu từ năm 2021 đến nay, cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Khoa học Thể dục thể thao, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã thực hiện 5 chương trình thiện nguyện, đến với những ngôi trường ở vùng cao. Đây không chỉ là chuyến đi trao tặng vật chất, mà còn là những dấu chân gieo mầm hy vọng, nâng niu từng ước mơ và chăm chút cho tầm vóc, thể lực của trẻ em – mầm non tương lai đất nước.
Chia sẻ về hoạt động thiện nguyện này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh - Trưởng Khoa Khoa học Thể dục thể thao, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: “Điều thôi thúc tôi cùng tập thể viên chức, sinh viên và cựu sinh viên của khoa quyết tâm bắt đầu và kiên trì hành trình suốt 4 năm qua là mong muốn đóng góp vào sự phát triển tầm vóc và thể lực cho trẻ em vùng cao.
Các trường học ở miền núi còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, cơ hội tiếp cận với các hoạt động thể chất của học sinh bị hạn chế. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm cần lan tỏa tình yêu thương, tạo dựng những sân chơi thể thao, mang đến cơ hội rèn luyện thể chất, tặng đồ dùng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt và học tập của các em.
Chúng tôi hi vọng điều này không chỉ giúp các em khỏe mạnh hơn mà còn khơi dậy ý chí vượt khó, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, để mỗi em nhỏ vùng cao có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Nói rõ hơn về mục đích của chương trình thiện nguyện, Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh, việc nâng cao tầm vóc cho học sinh, đặc biệt là học sinh miền núi, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đây không chỉ là nền tảng để cải thiện sức khỏe thể chất, giúp các em vững vàng hơn trước những khắc nghiệt của điều kiện sống, mà còn là chìa khóa để các em phát triển trí tuệ, tinh thần, và tự tin hòa nhập với xã hội.
Học sinh miền núi thường chịu nhiều thiệt thòi về dinh dưỡng, điều kiện sinh hoạt, và cơ hội tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất.
Vì vậy, việc tập trung vào nâng cao tầm vóc không chỉ là đầu tư cho sức khỏe mà còn là xây dựng một thế hệ trẻ có khả năng vươn xa hơn, đóng góp tích cực cho sự phát triển cộng đồng.
Những nơi đoàn thiện nguyện đi qua như xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), xã Thào Chư Phìn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), xã Hang Chú (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La)... đều là những nơi địa hình hiểm trở.
Các chuyến đi của đoàn kéo dài nhiều giờ qua những con đường dốc núi đầy nguy hiểm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe mọi người. Để duy trì động lực và tinh thần đoàn kết xuyên suốt hành trình dài, các thầy cô và sinh viên luôn nhắc nhở nhau về mục đích của chuyến đi.
Đó là mang lại cơ hội phát triển cho trẻ em vùng cao. Tinh thần sẻ chia, sự động viên đã giúp cả đoàn vượt qua mọi trở ngại.
Thầy Tuấn Anh nhớ lại, một trong những kỷ niệm xúc động nhất với thầy là vào chuyến đi mùa đông năm 2023 tại điểm Trường Bản Giòng (xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang).
“Khi hoàn thành sân bóng rổ cho điểm trường, ánh mắt háo hức và những tiếng reo vui của các em học sinh như xua tan mọi mệt nhọc của cả đoàn.
Có một em nhỏ rụt rè cầm quả bóng, vừa chơi vừa nói: 'Con yêu thích môn bóng rổ, nhưng trước giờ chưa từng được chơi thật sự'. Câu nói ngây thơ ấy khiến mọi người trong đoàn lắng lại.
Chúng tôi quyết tâm sẽ tiếp tục hành trình để mang thêm nhiều sân chơi như vậy đến với nhiều học sinh vùng cao hơn. Kỷ niệm này không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để mỗi thành viên trong đoàn thiện nguyện tiếp tục cống hiến” - thầy Tuấn Anh tâm sự.
Được biết, trong thời gian tới, Khoa Khoa học Thể dục thể thao, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tiếp tục tổ chức các chương trình thiện nguyện với quy mô lớn hơn, mở rộng phạm vi đến nhiều trường học vùng cao.
Mục tiêu của chương trình là xây dựng cơ sở vật chất thể thao bền vững như sân chơi đa năng, trang bị dụng cụ tập luyện thể thao, hỗ trợ cơ sở vật chất cho bếp ăn bán trú, đồng thời lồng ghép các hoạt động nâng cao nhận thức về dinh dưỡng và sức khỏe cho học sinh.
Bên cạnh đó, Khoa Khoa học Thể dục thể thao cũng hướng tới triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng thể thao cơ bản cho giáo viên và học sinh vùng cao, giúp duy trì lâu dài những giá trị mà chương trình mang lại.
Đại diện cơ sở giáo dục được nhận hỗ trợ, cô Đoàn Thị Phúc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban (xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nói: “Hành trình thiện nguyện này không đơn thuần là trao đi những món quà mà còn chứa đựng cả tấm lòng yêu thương và khát khao vun đắp tương lai tốt đẹp hơn cho các em nhỏ vùng cao.
Mục tiêu nâng cao tầm vóc và thể lực cho trẻ em vùng cao theo tôi có giá trị bền vững. Sự quan tâm này không chỉ là hỗ trợ trước mắt mà còn gieo mầm tương lai cho các thế hệ sau, mở ra cơ hội để các em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Khi học sinh nhận được những món quà từ đoàn, tôi đã thấy trong ánh mắt các em sự ngạc nhiên, háo hức và niềm hạnh phúc. Những nụ cười trong trẻo ấy như xua tan mọi giá lạnh của vùng cao, và tôi tin rằng các em cảm nhận được tình yêu thương chân thành mà đoàn mang đến”.
Là trường học được xây dựng sân bóng rổ trong chuyến thiện nguyện, đại diện đơn vị thầy Trần Thanh Chiến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Thượng Nông (xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) thông tin, từ khi được Khoa Khoa học Thể dục thể thao, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 xây dựng sân bóng rổ, hoạt động rèn luyện thể chất của học sinh tại trường đã thay đổi rõ rệt.
Trước đây, do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, học sinh thường tập trung vào một số môn quen thuộc như chạy bộ, đá cầu nhưng bây giờ các em đã có sân chơi hiện đại hơn để phát triển toàn diện về thể lực.
“Đặc biệt, tinh thần tham gia hoạt động thể thao của học sinh cũng tăng lên đáng kể. Các đội bóng rổ được hình thành, sự gắn kết trong tập luyện và thi đấu đã giúp các em rèn luyện tinh thần đồng đội, sự tự tin, tính kiên trì, kỷ luật và ý chí vượt khó.
Ngoài ra, điều này có tác động tích cực đến hoạt động giáo dục toàn diện của nhà trường. Học sinh khỏe mạnh, năng động hơn, đồng thời có thái độ tích cực trong học tập.
Sân bóng không chỉ là nơi rèn luyện thể chất mà còn là "sân chơi" của những ước mơ, khát vọng vươn lên, để các em có thể phát triển một cách trọn vẹn hơn” - thầy Chiến bộc bạch.
Theo Trưởng khoa Khoa Thể dục thể thao, cần thực hiện một số giải pháp để cải thiện thể chất cho học sinh miền núi, cụ thể:
Thứ nhất, triển khai các chương trình hỗ trợ bữa ăn bán trú đủ dinh dưỡng, đồng thời cung cấp các thực phẩm thiết yếu như sữa, trứng, rau xanh để đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện.
Thứ hai, xây dựng sân chơi thể thao cơ bản như sân bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền và cung cấp các trang thiết bị tập luyện, giúp trẻ em có môi trường rèn luyện thể chất thuận lợi.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động rèn luyện thể chất như giải đấu thể thao, câu lạc bộ thể thao tại trường học, khuyến khích tinh thần tập luyện đều đặn.
Thứ tư, đưa giáo dục thể chất trở thành nội dung trọng tâm trong chương trình học, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thể chất có chuyên môn cao, tâm huyết với học sinh miền núi.
Thứ năm, tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động phụ huynh và người dân địa phương tham gia hỗ trợ các hoạt động nâng cao tầm vóc và thể lực cho trẻ em.
Thứ sáu, kêu gọi sự chung tay từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thông qua các chương trình thiện nguyện để cung cấp nguồn lực tài chính, vật chất và chuyên môn nhằm cải thiện điều kiện sống và học tập cho các em.
Vị Trưởng khoa khẳng định: “Bằng cách thực hiện đồng bộ những giải pháp này, chúng ta không chỉ nâng cao thể chất cho học sinh miền núi mà còn mở ra cho các em cơ hội phát triển toàn diện, tạo nền tảng cho sự tiến bộ bền vững của thế hệ tương lai”.