Hành trang nặng gánh của Thủ tướng Israel
Ngày 23/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới Mỹ và dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden để thảo luận cách thức giúp Israel đạt được các mục tiêu trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, trong bối cảnh những mồi lửa bạo lực xung quanh khu vực này vẫn đang âm ỉ cháy.
Ngày 19/7, phong trào Houthi ở Yemen đã bất ngờ tấn công vào thành phố Tel Aviv của Israel, khiến một người thiệt mạng và 10 người bị thương. Chưa đầy 24 giờ sau, Israel trả đũa bằng vụ không kích gây ra thương vong lớn gấp nhiều lần kèm theo một đám cháy khổng lồ tại một hải cảng ở Yemen. Houthi không giấu trách nhiệm vụ tấn công vào Tel Aviv, đồng thời nói rằng cuộc chiến chống Israel đã bước sang “giai đoạn mới” và “leo thang sẽ bị đáp trả bằng leo thang”. Người phát ngôn của Houthi, Mohammed Abdulsalam khẳng định phong trào này sẽ tiếp tục tấn công Israel mà không tuân theo bất kỳ quy tắc giao chiến nào. “Sẽ không có “ranh giới đỏ… tất cả các tổ chức nhạy cảm… đều là mục tiêu của chúng tôi”.
Đáp lại, Quân đội Israel (IDF) cũng ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi đang chiến đấu trên nhiều mặt trận, Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Liban, các nhóm du kích ở Iraq và Syria, cũng như Houthi ở Yemen...”. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cho biết cuộc tấn công đáp trả nhằm vào cảng Hodeidah “chứng tỏ cho các kẻ thù của chúng tôi thấy rằng không có nơi nào mà bàn tay của Israel không thể vươn tới”.
Những tuyên bố cứng rắn trên khiến dư luận quốc tế một lần nữa lo ngại cuộc xung đột tại Dải Gaza sau 9 tháng có nguy cơ tạo ra một "điểm cháy" lan rộng khác, có thể lôi kéo nhiều bên vào cuộc, trong bối cảnh những "đốm lửa" căng thẳng giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Liban vẫn đang đe dọa bùng lên bất cứ lúc nào. Hôm 21/7, Houthi tiếp tục tấn công vào thành phố cảng Eilat của Israel bằng nhiều tên lửa đạn đạo, buộc hệ thống phòng thủ của Israel phải kích hoạt đánh chặn.
Trên thực tế, giao tranh giữa Israel và Houthi không phải là chuyện mới. Kể từ tháng 11 năm ngoái, Houthi - phong trào vũ trang hiện kiểm soát phần lớn miền Bắc của Yemen - đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa, nhằm vào các tàu thương mại được cho là có liên quan tới Israel trên Biển Đỏ và Vịnh Aden để bày tỏ ủng hộ người Palestine ở Dải Gaza. Phong trào này cũng nhiều lần tấn công vào thành phố Eilat nằm ở cực Nam của Israel.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Houthi tấn công sâu vào lãnh thổ Israel và lần đầu tiên khiến một công dân nước này thiệt mạng. Đồng thời, vụ tấn công nhằm thẳng vào Tel Aviv, trung tâm kinh tế thương mại mang tính biểu tượng của Nhà nước Do Thái, và xảy ra ngay gần chi nhánh của Đại sứ quán Mỹ, càng khiến dư luận quốc tế lo ngại.
Vụ tấn công đầy bất ngờ nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Điều bất ngờ nữa là hệ thống phòng không đa tầng của Israel đã không phát hiện được vật thể bay lạ xâm nhập. Phân tích của IDF cho thấy chiếc UAV đã bay đường vòng trong 16 giờ, vượt qua chặng đường khoảng 2.600 km, qua lãnh thổ Sudan, Ai Cập, vòng qua Địa Trung Hải trước khi vào lãnh thổ Israel. Với quãng đường xa như vậy, UAV này vẫn mang được một lượng thuốc nổ rất lớn, tạo ra vụ nổ gây rung chấn hàng cây số. IDF thông báo hệ thống phòng thủ đã phát hiện vật thể lạ, nhưng hệ thống đánh chặn và còi báo động không được kích hoạt là do “lỗi con người”.
Để trả đũa, Israel đã đưa máy bay tấn công phá hủy các cơ sở dự trữ nhiên liệu và một nhà máy điện ở cảng Hodeidah, thuộc quyền quản lý của Houthi, khiến 6 người chết và gần 90 người bị thương. Lần đầu tiên bị Israel tấn công vào lãnh thổ, Chính phủ Yemen đã lên án đây là một sự “xâm phạm chủ quyền”. Yemen lo ngại cuộc tấn công có thể củng cố vị thế của Houthi, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực.
Diễn biến mới nhất cho thấy cuộc chiến tại Gaza đang tiếp tục tạo ra những hậu quả mới khiến xung đột leo thang trong khu vực. Bên cạnh đó, vụ việc có thể tác động tâm lý tới phong trào Hezbollah ở Liban. Trong nhiều tháng qua, các cuộc giao tranh giữa Hezbollah và Israel liên tục leo thang, đẩy khu vực biên giới Liban tới nguy cơ của một cuộc chiến tổng lực. Sau vụ không kích của Israel vào cảng Hodeidah ở Yemen, Hezbollah lên án cuộc tấn công này đánh dấu một bước ngoặt nguy hiểm mới của cuộc chiến ở Gaza. Các quốc gia liên quan như Saudi Arabia, Ai Cập đã phải lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế.
Lâu nay, Israel vẫn cáo buộc Houthi nhận sự hỗ trợ từ Iran. Chiếc UAV thu được tại hiện trường cuộc tấn công vào Tel Aviv là một chiếc Samad-3 do Iran sản xuất. IDF tuyên bố “dù người bóp cò súng là ai đi nữa, thì chúng tôi đã biết người nạp đạn”. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, vụ tấn công của Houthi phần nào thể hiện sự leo thang trong cuộc đối đầu giữa Tehran và phương Tây, mà Israel là đại diện. Alex Selsky, chuyên gia tại Diễn đàn Trung Đông cho rằng: “Một lần nữa vụ này chứng tỏ vấn đề không phải chỉ là Gaza, không phải chỉ là Liban và cũng không phải chỉ là Israel. Đó là về Mỹ và phương Tây”. Beni Sabti, chuyên gia tại Viện An ninh và Chiến lược Quốc gia (INSS), nhận định vụ tấn công bộc lộ điểm yếu trong chính sách phòng thủ của Israel và nếu không được xử lý sẽ khiến các đối thủ của Israel thêm tự tin phát động các cuộc tấn công mới.
Mặc dù vậy, nhận định chung cho rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Israel với lực lượng Houthi hoặc với quân đội Yemen vẫn khá thấp. Kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Dải Gaza, phía Israel cáo buộc Houthi đã thực hiện khoảng 220 vụ tấn công bằng tên lửa và UAV nhằm về hướng Israel. Phần lớn trong số đó bị lực lượng hải quân liên quân do Mỹ đứng đầu đánh chặn ở Biển Đỏ, còn lại đều bị Israel đánh chặn ở Vịnh Eilat và không gây ra thiệt hại đáng kể nào. Do phải tập trung cho cuộc chiến tại Gaza, Israel chọn cách tiếp cận tự vệ là chủ yếu.
Tuy nhiên, vụ tấn công vào thành phố Tel Aviv cho thấy Houthi đã vượt qua “giới hạn đỏ” và Israel không thể không đáp trả. Việc này một mặt nhằm giữ thể diện, mặt khác là ngăn chặn nguy cơ các lực lượng khác trong khu vực thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào Israel. Nhận thức được nguy cơ chiến tranh lan rộng, trước khi tấn công trả đũa, Israel đã báo trước với Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh.
Từ một phong trào nổi dậy vũ trang, đến nay Houthi đã kiểm soát được khoảng 1/3 diện tích lãnh thổ ở Yemen và 2/3 dân số nước này. Các cuộc đối đầu trực tiếp với Israel có thể khiến lực lượng này giành thêm uy tín từ cộng đồng Arab ủng hộ người Palestine trong cuộc chiến tại Dải Gaza. Sử dụng UAV tấn công vào Tel Aviv, vượt qua các hàng rào phòng không dày đặc, đa tầng của Israel cũng cho thấy sự lớn mạnh về công nghệ vũ khí của các tay súng Houthi.
Về lý thuyết, Israel có thể phát động một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào các mục tiêu của Houthi, nhưng câu hỏi đặt ra là có đáp ứng các mục tiêu chiến lược hay không? Quân đội Israel đang bị phân tán lực lượng ở các mặt trận cấp bách hơn bao gồm Dải Gaza và khu vực biên giới phía Bắc giáp với Liban. Thậm chí, khả năng xảy ra một cuộc chiến tổng lực với Hezbollah và các nhóm vũ trang khác ở Iraq và Syria khiến giới lãnh đạo và người dân Israel không muốn vướng chân thêm vào một cuộc chiến khác.
Vòng xoáy tấn công - trả đũa kể trên khiến giới phân tích cảnh báo về nguy cơ bạo lực leo thang đến mức khủng hoảng tại khu vực, kéo theo Liban, Yemen và thậm chí cả Iran vào cuộc, từ đó đẩy khu vực vào một cuộc chiến toàn diện. Giới quan sát cho rằng mọi rắc rối hiện nay đều xuất phát từ cuộc chiến tại Dải Gaza, hiện vẫn chưa tìm được lối thoát. Các cuộc đàm phán ngừng bắn và giải phóng con tin bế tắc. IDF sa lầy với mục tiêu loại bỏ Hamas. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã tới Washington để tìm kiếm sự ủng hộ tiếp tục từ đồng minh quan trọng nhất, đúng thời điểm xảy ra các vụ giao tranh mới nhất với phong trào Houthi, khiến hành trang của ông thêm nặng gánh.