'Hành trang' cho nông sản Việt vươn xa

Nhiều địa phương đã và đang nỗ lực xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông sản. Điều này vừa giúp nâng cao chất lượng nông sản của địa phương, vừa tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đưa nông sản Việt ngày càng vươn xa không chỉ ở trong nước mà cả thị trường thế giới.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng

Tỉnh Đồng Tháp đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho 1.270 vùng trồng với diện tích hơn 114 nghìn ha; trong đó, cây ăn trái hơn 17 nghìn ha; rau màu 2 nghìn ha; cây lúa hơn 94 nghìn ha. Đa số cấp mã vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore, Malaysia, UAE.

Hiện, Đồng Tháp có hơn 94.000 ha sản xuất lúa được cấp mã vùng trồng, đa số được sử dụng giống lúa chất lượng cao và tập trung trên một số nhóm giống chính, cho năng suất cao như Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao chiếm hơn 60%.

Tại các vùng sản xuất lúa ở Đồng Tháp được cấp mã vùng trồng, đa số nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa, áp dụng IPM trong quản lý dịch hại... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Hùng (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười), trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên bà con nông dân gặp nhiều khó khăn từ đầu vào đến đầu ra. Kể từ khi có mã vùng trồng và liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó, mỗi vụ, năng suất tăng rõ rệt, ước tính tăng bình quân trên 7 tấn/ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều giải pháp, động thái để thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện để nông dân tăng năng suất, đây cũng lời giải cho bài toán tăng thu nhập cho nông dân.

Vừa qua, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp Công ty Rynan tập huấn, hướng dẫn các địa phương đăng ký mã số vùng trồng sen gắn với việc nhập dữ liệu qua website vdapes.com hoặc app Đồng hành cùng Rynan gắn với việc nhập nhật ký sản xuất để tạo thuận lợi, dễ dàng trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc khi công ty, doanh nghiệp thu mua phân phối sản phẩm ra thị trường. Tỉnh sử dụng hệ thống để nhập thông tin tạo mã QR truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm sen lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Những động thái này đã giúp các sản phẩm của địa phương vươn ra thị trường quốc tế. Theo đó, 15 tấn củ sen của huyện Tháp Mười mới đây đã bước chân sang thị trường Nhật Bản. Nhật Bản là thị trường khó tính nên phải là những sản phẩm đầy đủ nguồn gốc, rõ xuất xứ, đạt các quy chuẩn khắt khe mới có thể xuất khẩu được sang thị trường này.

Tương tự, nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực. Nhờ nỗ lực này, chất lượng nông sản được nâng cao, giá trị sản phẩm tăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất khẩu nông sản.

Tại tỉnh Gia Lai, nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với kim ngạch tăng trưởng liên tục hàng năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu ấn tượng với con số ước tính lên tới 525 triệu USD. Sự tăng trưởng này một phần được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP giúp mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Và điều quan trọng chính là vai trò của việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng cây đặc sản, từ đó nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản của địa phương.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh leo, chuối… đều đã được cấp mã số khẳng định chất lượng trên thị trường quốc tế.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho hay, toàn tỉnh hiện có 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.600 ha và 38 cơ sở đóng gói nông sản với tổng công suất đóng gói vào khoảng 1.500 – 1.700 tấn quả tươi/ngày. Hiện các mặt hàng nông sản của tỉnh đều được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường

Giới chuyên gia nhận định, việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp các địa phương. Cụ thể, mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua mã số vùng trồng, người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và tăng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, mã số vùng trồng còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Các hộ dân tại các địa phương được hướng dẫn áp dụng các quy trình canh tác khoa học, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, giá trị nông sản tăng cao hơn, mang lại lợi nhuận bền vững hơn cho người dân.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp (DN) đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho DN.

“Truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong hoạt động kinh doanh quốc tế ngày càng quan trọng. Tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hóa nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng” - ông Phú nhấn mạnh.

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ) nhận định, thực tế, việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của DN và đảm bảo trách nhiệm của DN đối với môi trường và xã hội, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

DUY KHANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hanh-trang-cho-nong-san-viet-vuon-xa-10284425.html
Zalo