Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn tại các địa phương trong tỉnh.

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn tại các địa phương trong tỉnh.

Nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại xã Bình Sơn (Kim Bôi), Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và thương mại Bình Sơn, xóm Khăm triển khai hiệu quả mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện HTX duy trì diện tích sản xuất trên 13ha với các loại cây trồng như: bí xanh, bí đỏ, dưa chuột. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc HTX cho biết: Để đảm bảo đầu ra sản phẩm và nguồn giống sạch bệnh, HTX liên kết với Công ty Sakata bao tiêu sản phẩm và liên kết thêm với công ty cung cấp hạt giống rau. Quá trình sản xuất, thành viên HTX tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP; lựa chọn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh để chăm sóc cây trồng. Nhật ký chăm sóc cây trồng được ghi chép hàng ngày, từ bón phân, phòng bệnh đến phủ màng nilon bảo vệ cây trồng... Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP), năng suất, chất lượng tốt, giúp HTX đạt lợi nhuận cao hơn 20 - 30% so với canh tác theo phương pháp truyền thống.

Tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Sản xuất theo hướng VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt; đảm bảo ATTP; không sử dụng các hóa chất, chất độc hại với cơ thể con người, môi trường; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… Sản phẩm VietGAP dễ tiêu thụ, giá bán ổn định, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trong tỉnh quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai trọng tâm vào các nội dung: thông tin, truyền thông về ATTP nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng, ATTP; xây dựng, phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ tư vấn và chứng nhận quy trình sản xuất an toàn, 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã hỗ trợ và chứng nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho 142 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 80 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô trên 1.848ha; 11 cơ sở chứng nhận GlobalGAP, quy mô trên 198ha; 12 cơ sở chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt, quy mô 62,24 ha; 12 cơ sở nuôi trồng thủy sản, quy mô 1.580 lồng... Bên cạnh đó, hỗ trợ 20 cơ sở kinh doanh thịt lợn tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn trên địa bàn TP Hòa Bình. Hoạt động lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản cũng được thực hiện thường xuyên. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở chấp hành tốt điều kiện, yêu cầu sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo quy định.

Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm được ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm có 147 lượt doanh nghiệp/HTX được giới thiệu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài nước. Các sản phẩm nông sản chất lượng, OCOP của tỉnh tiếp tục được giới thiệu, quảng bá trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc, xuất xứ tại địa chỉ https://hb.check.net.vn. Cùng với đó, 7 cơ sở được hướng dẫn áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP; 33 cơ sở được cấp giấy chứng nhận và quyền sử dụng nhãn hiệu "Cá Sông Đà - Hòa Bình", "Mật ong Hòa Bình”, "Xạ đen Hòa Bình".

Đồng chí Lê Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Những năm gần đây, các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đã góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung, thúc đẩy công nghiệp chế biến thực phẩm và phát triển KT-XH địa phương, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nay đến năm 2035, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ban hành các đề án, kế hoạch, chương trình và cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản; xây dựng, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ việc chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ cho các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản tham gia các tuần lễ, hội chợ để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/190821/thuc-day-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-an-toan.htm
Zalo