Hạnh phúc trong tầm với
Hạnh phúc không phải điều gì quá xa xôi. Với nhiều gia đình, hạnh phúc chính là sự cảm thông, chia sẻ, chung tay xây dựng mái ấm đầy yêu thương.
1. Yêu nhau 7 năm, khi quyết định “về chung một nhà”, vợ chồng anh Đoàn Tấn Lực (cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Long An) và chị Nguyễn Thị Thu Dưỡng (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Đa khoa Long An) xác định cuộc sống hôn nhân sẽ có nhiều vất vả, đòi hỏi sự nỗ lực từ 2 phía.
Công an và bác sĩ đều là những nghề đặc thù, phải dành nhiều thời gian cho công việc trong khi vợ chồng anh chị không sống cùng cha mẹ nên mọi việc đều chỉ có vợ chồng san sẻ cùng nhau.
“Công việc của cả 2 đều có những ngày trực cơ quan 24/24 giờ, mọi việc trong gia đình, con cái đều giao cho người còn lại nên chúng tôi rất hiểu những khó khăn, vất vả của nhau và luôn xác định mọi việc trong gia đình là trách nhiệm chung” - anh Lực nói.
Cả anh Lực và chị Dưỡng đều có thể “đóng 2 vai” trong gia đình nhỏ để nửa kia yên tâm dành thời gian cho công việc. “Anh ấy nấu ăn rất ngon, lại luôn quan tâm đến gia đình. Khi nào tôi trực tại bệnh viện, có anh ở nhà cùng các con, tôi rất yên tâm.
Dù công việc đòi hỏi anh phải đi công tác nhiều, vất vả nhưng khi về với gia đình, anh luôn toàn tâm, toàn ý cùng vợ con” - chị Dưỡng chia sẻ cùng nụ cười hiền.
Gần 20 năm yêu và sống bên nhau, anh Lực hầu như chưa bao giờ quên tạo niềm vui bất ngờ cho vợ. Những món quà nho nhỏ nhân dịp lễ, sinh nhật, ngày kỷ niệm tạo nên sự lãng mạn, dễ thương trong cuộc sống vợ chồng và cũng góp phần giáo dục các con về sự quan tâm, chăm sóc các thành viên trong gia đình.
Anh Lực kể: “Nhà có 2 người phụ nữ, 2 người đàn ông nên dịp 08/3 hay 20/10, tôi cùng con trai đi mua hoa, quà tặng vợ và con gái. Vào ngày sinh nhật vợ thì 3 cha con cùng nhau chuẩn bị bất ngờ tặng mẹ.
Các con tôi đều rất hào hứng hưởng ứng cùng tôi. Đó là cách tôi thể hiện sự yêu thương với gia đình nhỏ của mình. Tôi cũng muốn bù đắp và cảm ơn bà xã vì cô ấy đã vất vả nhiều rồi”.
Đặc biệt, dù sống xa cha mẹ nhưng vợ chồng anh Lực và chị Dưỡng luôn dành sự quan tâm nhất định đến gia đình lớn. Từ khi lập gia đình đến nay, hầu như ngày nào chị Dưỡng cũng gọi điện thoại trò chuyện, thăm hỏi cha mẹ 2 bên gia đình. Chị Dưỡng bộc bạch: “Vì công việc nên chúng tôi sống xa cha mẹ, không trực tiếp chăm sóc được thì vợ chồng tôi chọn cách thăm hỏi, quan tâm.
Mỗi dịp gia đình họp mặt thì dù bận đến mấy, chúng tôi cũng sắp xếp về quê”. Bằng sự quan tâm, thấu hiểu và sẻ chia, vợ chồng anh Lực và chị Dưỡng từng ngày vun đắp cho mái ấm của mình đầy ắp niềm vui và hạnh phúc.
2. Sự quan tâm, nhường nhịn lẫn nhau là bí quyết quan trọng nhất để duy trì hạnh phúc gia đình.
Đó là điều mà vợ chồng ông Trần Văn Lợi và bà Huỳnh Thị Phế (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) đúc kết được sau thời gian dài gắn bó cùng nhau.
Ông Lợi hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Mỹ, bà Phế trước đây cũng là giáo viên của trường nhưng đã về hưu. Gắn bó cùng nhau từ khi mới ra trường, xung phong về vùng sâu công tác, đến nay, vợ chồng ông bà có cuộc sống bình yên, viên mãn bên con cháu.
Đối với vợ chồng ông Lợi, bà Phế, các con chính là niềm tự hào to lớn khi cả 2 người con đều học đại học, được bạn bè, xóm giềng yêu quý.
Để có cuộc sống như hiện tại, vợ chồng ông trải qua không ít những thăng trầm. Vào giai đoạn kinh tế khó khăn, với đồng lương giáo viên ít ỏi, ông bà phải tiết kiệm từng đồng mới đủ vun vén cho gia đình nhỏ.
“Thời điểm đó, các con còn nhỏ, gia đình chúng tôi sống trong khu tập thể của trường. Cuộc sống khó khăn đến mức nhiều đồng nghiệp bỏ nghề, tìm công việc khác nhưng vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng vì đã chọn nghề là phải theo nghề” - bà Phế kể.
Trong cuộc sống hôn nhân, bà Phế chung tay gánh vác gia đình và làm hậu phương vững chắc để ông Lợi phấn đấu trong công việc.
Bà Phế tâm sự: “Dù ít khi nào tặng quà hay chúc mừng nhân dịp lễ, ngày kỷ niệm nhưng ông ấy có cách quan tâm đến gia đình thiết thực, luôn chăm lo cho vợ con.
Những khi tôi hay các con đau ốm là lúc cảm nhận rõ nhất sự quan tâm của ông ấy dành cho gia đình. Có ông ấy bên cạnh, tôi luôn có cảm giác yên tâm”.
Tình yêu thương của bà dành cho ông và gia đình thể hiện bằng sự bao dung, rộng lượng.
“Lúc tôi nóng giận hay lỡ lời, bà ấy thường im lặng, sau khi tôi bình tĩnh lại, bà ấy mới khuyên giải thiệt hơn. Vợ chồng sống với nhau tránh sao những lúc giận hờn nhưng bà ấy không khi nào nặng lời với tôi. Gia đình có cuộc sống yên ấm như hiện tại cũng là nhờ bà ấy biết tiết kiệm, dành dụm từ những ngày còn khó khăn đến bây giờ” - ông Lợi trải lòng.
Có vợ là hậu phương vững chắc, ông Lợi yên tâm cống hiến cho công việc. Trong quá trình làm công tác quản lý, ông luôn hòa đồng cùng đồng nghiệp; chú trọng xây dựng khối đoàn kết trong đơn vị, từ đó giúp Trường THCS Thuận Mỹ trở thành tập thể vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.
3. “Đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn” vẫn luôn là chân lý từ xưa cho đến nay. Sự đồng thuận của vợ chồng sẽ giúp gia đình bền vững và yên ấm. Đó cũng là “bí quyết hạnh phúc” của gia đình ông Lê Văn Tám và bà Võ Thị Nhỉ (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa).
Suốt mấy mươi năm bên nhau, dù việc lớn hay nhỏ trong nhà, ông bà đều bàn bạc, đồng lòng thực hiện cùng nhau.
Khi kinh tế khó khăn, dù phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vợ chồng ông Tám cũng quyết tâm nuôi con ăn học thành tài. Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông bà đều tốt nghiệp đại học và thành đạt trong cuộc sống.
Giờ đây, ông bà sống cùng vợ chồng người con gái út. Mỗi ngày, niềm vui của vợ chồng ông bà là chăm sóc gia đình, lo cho cháu để con gái và con rể yên tâm làm việc.
Bà Nhỉ cho biết: “Để con yên tâm lo sự nghiệp, tôi cùng chồng chăm sóc cháu và chu toàn việc trong nhà. Ông ấy đưa đón cháu tới trường mỗi ngày và chăm sóc vườn hoa trước nhà. Còn tôi lo việc cơm nước, dọn dẹp quanh nhà. Chúng tôi lớn tuổi rồi, làm việc loanh quanh và chăm cháu như vậy vừa khỏe, vừa vui”.
Sân nhà ông Tám, bà Nhỉ lúc nào cũng có hoa nở rộ. Mỗi sáng chiều, ông bà hay cùng nhau ngắm hoa, nói đôi câu chuyện, bàn bạc chuyện con cháu, gia đình. Có đôi khi cũng bất đồng quan điểm nhưng nguyên tắc chung của ông bà vẫn là lắng nghe, cảm thông và chia sẻ để tìm tiếng nói chung.
Đặc biệt, trong hầu hết các vấn đề quan trọng, ông bà luôn hết sức đồng lòng. Mới đây, vợ chồng ông bà đồng ý hiến hơn 2.000m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn.
“Trước đây, tuyến đường đó chỉ là đường đất, nhỏ, hẹp, đi lại còn khó nói gì tới vận chuyển hàng hóa. Người dân chung tay hiến đất mở đường, chiều chiều trẻ con trong xóm chạy ra đường chơi, thấy cuộc sống vui hơn, phấn khởi hơn” - ông Tám nói.
Rồi bà Nhỉ tiếp lời chồng: “Đường mở rộng là lợi ích chung của tất cả mọi người, trong đó có gia đình tôi. Thấy đường lớn, tôi nghĩ đến cảnh nông dân làm ruộng có máy bay phun thuốc, ngày thu hoạch có xe tải đậu trên bờ, máy gặt đập liên hợp chạy dưới ruộng, lúa thu hoạch xong thì bán ngay, giống như những gì mình xem trên tivi”.
Đồng thuận, sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu dường như chính là mẫu số chung để gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Dù mới bước vào hành trình hôn nhân hay đã đồng hành cùng nhau gần hết cuộc đời thì các gia đình hạnh phúc đều có chung đặc điểm là trân trọng những niềm vui nhỏ bé, hạnh phúc đời thường và sự đồng hành của người bạn đời bên cạnh./.
Mỗi đứa trẻ chỉ thực sự hạnh phúc, trưởng thành trọn vẹn khi được nuôi dưỡng trong một mái ấm hạnh phúc, yêu thương, được cha mẹ giáo dục, hướng dẫn điều hay, lẽ phải, cách ứng xử,... Muốn như vậy, các bậc cha mẹ phải làm gương trong việc yêu thương, chăm sóc bản thân, các thành viên khác trong gia đình vì theo tôi nghĩ, khi người phụ nữ trong gia đình hạnh phúc thì những đứa trẻ trong gia đình ấy cũng sẽ hạnh phúc. Sự thuận hòa của cha mẹ, sự hiếu thảo của cha mẹ đối với ông bà sẽ là bài học thiết thực nhất về tình cảm gia đình, vai trò, trách nhiệm của các thành viên, góp phần giúp mỗi cá nhân có nền tảng vững chắc khi bước vào đời”.
Bà Phan Thị Thủy (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức)
Sống trong gia đình nhiều thế hệ thì khó khăn nhất là sự khác biệt về suy nghĩ khiến các thành viên khó gần gũi và chia sẻ. Tuy nhiên, nếu mỗi người làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình thì sẽ tạo được sự hài hòa. Bằng kinh nghiệm của mình, ông bà có thể hướng dẫn con cháu những cách làm đúng, hợp với truyền thống, phong tục và đạo đức. Đặc biệt là trong cuộc sống hôn nhân, ông bà, cha mẹ hòa thuận, hạnh phúc sẽ là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Mỗi người bước ra xã hội sẽ học được rất nhiều điều, có điều đúng, có điều chưa đúng, lúc đó, gia đình cùng những điều được ông bà, cha mẹ dạy bảo sẽ là thước đo chuẩn mực để gạn lọc điều hay và bỏ đi những điều không hay”.
Bà Huỳnh Thị Nỉ (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ)
Trước khi có được cuộc sống và công việc như hiện tại, tôi từng nhiều lần nghi ngờ năng lực của bản thân. Tôi tự ti và cho rằng mình không đủ khả năng làm tốt bất cứ việc gì. Nhưng tôi nghĩ mình thực sự may mắn khi luôn nhận được sự động viên, ủng hộ từ phía gia đình. Đó là động lực, nền tảng vững chắc để tôi mạnh dạn lựa chọn và theo đuổi con đường mình chọn. Hiện tại, tôi cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. Tôi dạy con mình sự yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ người khác để cùng nhau phát triển và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Tôi nhận ra, khi các thành viên nhường nhịn, tôn trọng, yêu thương nhau thì gia đình sẽ ngày càng hạnh phúc”.
Chị Võ Thị Trúc Vân (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành)