Hạnh phúc giản đơn của đôi vợ chồng già
Vào các ngày lễ, kỷ niệm, không hoa hồng, cũng không quà tặng, không có sự bất ngờ nào cả… nhưng những cặp vợ chồng già vẫn sống với nhau hạnh phúc. Các cụ luôn nhớ và làm theo lời dạy của ông bà xưa: 'Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê'. Trong cuộc sống hôn nhân, không cần tô điểm thành 'màu hồng' để người khác ngưỡng mộ, chỉ cần biết nghĩ cho nhau, yêu thương, chăm lo cho gia đình thì hạnh phúc sẽ đến.
Gần 60 năm về chung một nhà, vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Kiến và bà Huỳnh Kim Nguyệt, ấp Xẻo Gừa, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) vẫn giữ gìn "trong ấm, ngoài êm". Ông năm nay đã 89 tuổi, bà nhỏ hơn ông 11 tuổi, hai vợ chồng không sống chung với con cháu. Ngày ngày ngoài chuyện ra thăm vườn, bà dành nhiều thời gian chăm sóc cho ông. Người dân địa phương thường gọi ông là thầy giáo Kiến. Vì trước đây, ông tốt nghiệp ngành Sư phạm Pháp văn, về dạy học và công tác ở các trường thuộc thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Tú.

Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Kiến và bà Huỳnh Kim Nguyệt, ấp Xẻo Gừa, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) là tấm gương sáng để con cháu noi theo, luôn giữ lửa hạnh phúc gia đình. Ảnh: NGỌC HẢI
Khi mới cưới, hai vợ chồng sống nhà thuê ở Vĩnh Châu. Ngoài nguồn thu nhập chính của ông từ nghề giáo, bà Nguyệt chắt chiu từng đồng, buôn bán kiếm thêm thu nhập. Hạnh phúc nhân đôi, khi 5 người con lần lượt ra đời. Nhà đông con, nhưng vợ chồng ông bà không xem đó là gánh nặng, cả hai dặn nhau cố gắng nhiều hơn, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Các con của ông bà có 3 người nối nghiệp ông đều là giáo viên. Trong 5 người con, có 2 người có trình độ thạc sĩ, 3 người có trình độ đại học.
Không chỉ là gia đình hiếu học, cá nhân ông còn có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Từng công tác tại Trường Trung học phổ thông Mỹ Hương, ông đã đề xuất lấy ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày Giỗ Tổ Hùng Vương) hằng năm làm ngày họp mặt cựu giáo viên, cựu học sinh, qua đó kêu gọi đóng góp quỹ khuyến học của trường, giúp nhiều trường hợp học sinh vượt qua khó khăn để đến trường.
Ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương, thầy giáo Kiến còn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, được lãnh đạo các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen, đặc biệt, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi” từ năm 2007 đến năm 2011, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Chia sẻ kinh nghiệm về những điều này, ông Ngọc Kiến cho hay: “Tôi làm điều gì cũng có tính toán, nhờ vậy mà chuyện gì cũng thành công. Hiện vợ chồng tôi có hơn 1ha trồng dừa, xoài, xen canh thêm mít, chuối. Vợ chồng tôi còn nuôi thêm cá. Nhờ đồng vợ, đồng chồng mà chúng tôi có cuộc sống sung túc, con cái cũng gặt hái thành công”.
Ngồi cạnh bên ông, bà Nguyệt gật gù về những điều ông chia sẻ. Lâu nay, những việc ông làm, bà đều ủng hộ và là người rất chăm chỉ cùng ông ngoài vườn chăm bón từng thửa đất, gốc cây. Khi ông lo cho việc khuyến học, khuyến tài, bà rất vui mừng vì điều đó đã góp phần mang lại "ánh sáng tri thức" cho các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn.
Nói về chồng, bà Nguyệt cho hay, có lúc ông nóng tính, nên bà lấy nhu khắc cương, khi ông “hạ nhiệt” thì bà mới nói rõ để cả hai cùng thống nhất ý kiến. Tuy nhiên, đó là lúc còn trẻ, giờ đã sống với nhau nhiều năm, sự yêu thương, thấu hiểu càng tăng thêm, nên hai vợ chồng không “tiếng lớn” hay “tiếng nhỏ”. Con cái cũng lấy tấm gương của cha mẹ mà học tập, sống thuận hòa và tìm tiếng nói chung trong nhà.
“Con gái lớn sống gần nhà hay chạy qua nhà, còn gia đình 4 người con còn lại thường về chơi vào dịp cuối tuần hay đám tiệc, lễ, Tết. Con cái đi đâu chơi hay đưa hai vợ chồng tôi cùng đi. Mấy năm trước, chúng tôi cùng nhau đi một số nơi du lịch, giờ sức khỏe của ông không tốt, nên chúng tôi không đi nữa. Giờ mà con cái bảo tôi đi chơi, vui mấy, tôi cũng từ chối vì không bỏ ông ở nhà một mình được, sợ không ai lo chu đáo”, bà Nguyệt chia sẻ.
Kết hôn hơn 55 năm nay, vợ chồng ông Huỳnh Văn Năm và bà Nguyễn Thị Nên, ấp An Trung, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) luôn sát cánh cùng nhau trên mọi nẻo đường. Theo ông Năm, ông với bà không quen biết nhau trước, khi người nhà đi hỏi cưới, ông mới biết bà. Vậy mà khi lập gia đình đến nay, cả hai luôn hòa thuận, đồng lòng chung sức lo làm ăn, nuôi dạy các con trưởng thành. Ông Năm luôn bình đẳng với vợ, những chuyện trong nhà ông đều phụ với bà. Bà Nên khen ông: “Ăn cơm xong, chú (ông Năm) đều đi rửa chén, còn cô dọn dẹp. Cần gì chú đều tiếp giúp cô, không có phân biệt đó là chuyện phụ nữ phải làm gì cả”.

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Năm và bà Nguyễn Thị Nên, ấp An Trung, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) luôn tích cực đóng góp cho công tác từ thiện xã hội ở địa phương. Ảnh: NGỌC HẢI
“Chú (ông Năm) cũng biết những ngày “đặc biệt” dành cho phụ nữ như: ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, nhưng chú không tặng quà, không tổ chức gì đâu. Có các con, các cháu tổ chức tiệc mừng sinh nhật, tặng quà cho cô. Với cô điều đó không quan trọng. Cô chỉ quan tâm chú sức khỏe tốt, cùng cô giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh. Buổi tối, chú đi đâu vắng chút xíu là cô đi kiếm rồi”, bà Nên trải lòng.
Nhà đông con (5 người con), vì vậy đôi vợ chồng này luôn chăm chỉ làm ăn. Mấy chục năm qua, cả hai cùng nhau chăm sóc vườn cây ăn trái với diện tích 16 công. Vì đảm bảo thu nhập gia đình, ông bà không ngại khó, canh tác nhiều loại cây trồng như: sapôchê, cam, quýt, dừa, ổi… Khi cuộc sống đã không còn khó khăn, vất vả, lúc này cả hai bàn nhau trích một phần nguồn thu của gia đình làm công tác từ thiện xã hội.
Ông Năm chia sẻ: “Thường mỗi năm tôi hay cho gạo, giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. 1 năm tôi cho 2 đợt, cũng khoảng 2 - 3 tấn. Ngoài ra, hai vợ chồng tôi rất tích cực đóng góp các loại quỹ địa phương vận động. Khi đường sá xuống cấp cần sửa chữa, tôi cũng ra tiền mua vật liệu để người dân chung tay cùng làm vá đường".
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hồng - Trưởng Ban Công tác Măt trận ấp An Trung cho biết: “Gia đình chú Năm, cô Nên ở đây ai cũng biết tấm lòng hay giúp người. Vợ chồng cô chú hiền lành, sống chan hòa với mọi người nên ai cũng quý mến. Gia đình cô chú là gia đình văn hóa tiêu biểu, là tấm gương sáng ở địa phương. Khi địa phương cần sự đóng góp, đến vận động, cô chú rất nhiệt tình đóng góp. Ngoài ra chú còn vận động thêm từ con cái, người thân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.
Tuy hai mái đầu đã điểm trắng, nhưng những đôi vợ chồng ấy luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm cho nhau. Hạnh phúc với họ đó là làm điều rất đỗi giản đơn, bình dị nhưng đáng quý biết bao.