Hành động vì một ĐBSCL xanh, hiện đại hơn
Nguồn tài nguyên bản địa vừa là lợi thế tự nhiên vừa là di sản văn hóa và tiềm năng kinh tế độc đáo của mỗi vùng đất. Tại ĐBSCL, tài nguyên bản địa không chỉ là những sản phẩm nông nghiệp, như: Lúa gạo, trái cây, thủy sản, còn bao gồm hệ sinh thái đặc trưng, tri thức truyền thống và văn hóa bản địa phong phú. Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới là chủ đề khá nóng để gia tăng giá trị kinh tế vùng.
Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương
Thời gian qua, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện và đưa ra nhiều giải pháp phát triển tài nguyên bản địa, thúc đẩy kinh doanh trực tuyến, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp… với quyết tâm mạnh mẽ để cùng hành động vì một ĐBSCL xanh hơn, hiện đại hơn. Qua đó, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp (DN), nhà quản lý và người dân cùng thực hiện.
Theo các chuyên gia, việc phát huy giá trị tài nguyên bản địa không đơn thuần là khai thác tối đa những gì tự nhiên ban tặng, mà cần được gắn với các mô hình kinh tế sáng tạo, bền vững. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và tư duy đổi mới. Điển hình, ngành dừa ở Bến Tre không dừng lại ở việc cung cấp nguyên liệu thô, còn cần được nâng cấp bằng các công nghệ chế biến sâu, để tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, như: dừa hữu cơ, than hoạt tính, dầu dừa ép lạnh hay nước dừa đóng hộp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các phụ phẩm nông nghiệp, như: Vỏ trấu, rơm rạ hay bã mía cũng là những nguồn tài nguyên tiềm năng. Thay vì bỏ phí hoặc xử lý không hiệu quả, các phụ phẩm này có thể được tái sử dụng trong các mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra năng lượng sinh học, phân bón hữu cơ, hoặc vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.
Để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự đồng hành giữa DN, nhà khoa học và chính quyền địa phương. Những sáng kiến, như: Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho DN địa phương hay phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng gắn với chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, còn đưa sản phẩm của ĐBSCL vươn xa trên thị trường quốc tế.
Trong chuỗi các hoạt động của Diễn đàn Mekong Connect 2024 tại An Giang, một nội dung quan trọng là Hội thảo “Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới” được tổ chức, đã tăng cường kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác thiết thực giữa An Giang với TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL; hình thành liên kết chuỗi giá trị, nắm bắt xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và tăng cường hội nhập thị trường.
Từ diễn đàn, các chuyên gia, địa phương đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những thách thức, cơ hội và đề xuất các giải pháp thúc đẩy các tiềm năng kinh tế, các chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp bền vững… Phát huy vai trò liên kết giữa ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, nhằm phát triển chuỗi giá trị kinh tế, đặc biệt trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của An Giang và các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết: Tỉnh An Giang định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt vùng ĐBSCL. Ngoài lúa gạo, An Giang sẽ khai thác hiệu quả hơn lợi thế về nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, chú trọng phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Cá tra, rau màu và cây ăn trái, cùng nhóm ngành hàng tiềm năng là chăn nuôi và nấm ăn, dược liệu, để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, với định hướng chủ đạo là tăng cường chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm. “An Giang và các tỉnh, thành phố ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh cần các chuyên gia đề xuất giải pháp thúc đẩy các tiềm năng kinh tế, các chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp bền vững… Trong đó, đặc biệt quan tâm đến ngành hàng tiềm năng, như: Dược liệu, nấm ăn, chăn nuôi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế
Chia sẻ từ kinh nghiệm và góc nhìn thực tế, DS.CKI Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu đã phân tích tình hình phát triển kinh tế dược liệu của Việt Nam và đề xuất chính sách. Bà Phạm Thị Xuân Hương cho rằng, ngành dược Việt Nam chủ yếu tập trung vào công nghiệp bào chế thuốc, trong khi chưa xây dựng được ngành sản xuất nguyên liệu. Dược liệu phải nhập tương đương 75%, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 100.000 tấn dược liệu các loại. Vùng Tây Nam Bộ/Đông Nam Bộ có thể phát triển khoảng 10 loại dược liệu, các loài bản địa, như: Gừng, trinh nữ hoàng cung, nhàu, xuyên tâm liên, kim tiền thảo…”. Qua đó, bà Hương đề xuất chính quyền các địa phương sớm có quy hoạch những vùng trồng; hỗ trợ DN quảng bá, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện cho DN xây dựng cơ sở sơ chế, biến dược liệu tại vùng trồng và chính quyền tham gia với vai trò chủ đạo trong liên kết 4 nhà.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre Trần Văn Đức, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) cũng chia sẻ kết quả nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xuất khẩu bằng công nghệ mới. Làm thế nào để dừa, từ một sản phẩm truyền thống có thể vươn mình trên thị trường quốc tế. Với vai trò tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất và chế biến, ông Trần Văn Đức đã đưa Beinco trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp chế biến dừa.
Triển khai kinh tế tuần hoàn gắn với mô hình IMO ở Đồng Tháp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Hoàng Sơn Công đã chia sẻ giải pháp thực tiễn, kinh nghiệm từ khởi nghiệp. Theo ông Hoàng Sơn Công, mô hình IMO giải quyết bài toán nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, hướng tới bảo vệ môi trường và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp; đặt nền tảng vững chắc cho các hoạt động kinh tế tuần hoàn, tận dụng tài nguyên hiệu quả và giảm thiểu lãng phí, tạo ra giá trị lâu dài.
Với đề tài: “Sinh kế thuận thiên” - tăng cường khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS của WWF Việt Nam đúc kết: “Trong bối cảnh ĐBSCL đang chịu áp lực lớn từ xâm nhập mặn, nước biển dâng và tình trạng mất cân bằng sinh thái, “sinh kế thuận thiên” là chiến lược phát triển dựa vào sự hòa hợp với tự nhiên. Dự án Mekong NbS (Nature-based Solutions) của WWF ra đời, tập trung vào các giải pháp, như: Khôi phục rừng ngập mặn, cải thiện hệ sinh thái nước ngọt và thúc đẩy các mô hình nông nghiệp bền vững. Những giải pháp này không chỉ bảo vệ môi trường, còn tăng cường sinh kế bền vững cho người dân địa phương, như: Chuyển đổi từ trồng lúa vụ 3 sang mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản trong mùa nước nổi, hay ứng dụng rừng ngập mặn trong nuôi tôm bền vững”.
Tâm huyết với cây lúa mùa nổi, Giám đốc Tập đoàn Khải Nam Trương Linh Ân đã phân tích tiềm năng sinh kế bền vững từ lúa mùa nổi, cơ hội nhân rộng và thách thức từ thị trường. Tập đoàn đã hình thành nhiều sản phẩm nội địa và xuất khẩu: Mì, bánh dinh dưỡng, cơm ăn liền, sữa gạo lúa mùa nổi, sợi phở, bánh phồng lúa nổi… với nhiều vị khác nhau. Ông Ân cho rằng: “Lúa mùa nổi không chỉ tái hiện cảnh quan đặc trưng của vùng đồng bằng trong mùa nước lũ, mà còn mang lại giá trị kinh tế và sinh thái to lớn. Mô hình này giúp tăng khả năng trữ nước ngọt, cải thiện độ phì nhiêu của đất nhờ phù sa tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài thủy sinh. Canh tác lúa mùa nổi còn mở rộng cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế”.
Phát huy tài nguyên bản địa không chỉ là câu chuyện về phát triển kinh tế, còn là cách để bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa, truyền thống. Đây chính là con đường để kinh tế địa phương phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.