Hành động phòng, chống dịch bệnh trong học đường

Học sinh các trường trong toàn tỉnh đã bước vào năm học mới được gần 1 tháng. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Mầm non Anh Đào, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Mầm non Anh Đào, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã.

Trường Mầm non Anh Đào, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, có 540 trẻ. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức phun khử khuẩn ở điểm trung tâm và các điểm lẻ. Hằng ngày, giáo viên dọn vệ sinh các phòng học, hành lang, sân chơi, khu vệ sinh; thường xuyên cắt tỉa cây xanh, chăm sóc bồn hoa, xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp và chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cô giáo Lò Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trẻ mầm non có sức đề kháng yếu, nên một trẻ bị ốm là có nguy cơ cao lây cho các trẻ khác. Do vậy, nhà trường tăng cường phối hợp với trạm y tế xã thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho trẻ. Ngoài ra, trường còn trao đổi thông tin, tuyên truyền phụ huynh chú ý đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng mũi; bổ sung đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Tại Trường PTDTBT - THCS Co Mạ, huyện Thuận Châu, hằng tuần, nhà trường tổ chức sinh hoạt bán trú, hướng dẫn học sinh thực hiện các quy định vệ sinh tại khu vực nhà ở và nhà ăn bán trú. Em Vừ Tiểu Mai, học sinh lớp 9, chia sẻ: Mỗi buổi sáng, chúng em đều tập thể dục; vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước các bữa ăn. Khu vực phòng ở được dọn vệ sinh hằng ngày, chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 610 trường học từ mầm non đến THPT, với trên 375.000 học sinh. Chủ động phòng, chống dịch bệnh học đường, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, như: Sởi, tay chân miệng, ho gà, sốt xuất huyết. Thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời xử lý. Tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Riêng ngành Y tế, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, các trường học thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Dự phòng đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí, sẵn sàng thu dung, điều trị khi có dịch xảy ra. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên y tế nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, hay tác nhân gây bệnh; hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh.

Bà Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Đơn vị tăng cường giám sát, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh, tham mưu cho chính quyền các địa phương biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Xây dựng kế hoạch, kịch bản theo các tình huống để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; chuẩn bị đủ vắc xin để cấp cho các địa phương tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh. Phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông cách phòng bệnh trong trường học cho giáo viên, nhân viên y tế trường học, học sinh và phụ huynh. Hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp với đặc điểm và khả năng của từng cơ sở giáo dục.

Cùng với các giải pháp phòng bệnh của cơ quan chuyên môn, các phụ huynh học sinh cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng; cho trẻ ăn chín, uống sôi, góp phần nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng, bảo đảm sức khỏe cho con em.

Bài, ảnh: Trăng Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/hanh-dong-phong-chong-dich-benh-trong-hoc-duong-zkUmMNkHg.html
Zalo