Hành chính số, phục vụ số, tiện ích thật

BHG - Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số đã trở thành động lực then chốt, đưa ngành Tư pháp bứt phá trong kỷ nguyên số. Với phương châm: Hành chính số, phục vụ số, tiện ích thật, ngành Tư pháp không ngừng đổi mới, hướng đến nền hành chính công hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, ngành Tư pháp đã số hóa hơn 1,82 triệu dữ liệu hộ tịch trên phần mềm hộ tịch, trong đó 872.516 dữ liệu chính thức tích hợp vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách TTHC ngành Tư pháp, nâng cao hiệu quả quản lý thông tin dân cư bằng công nghệ số. Việc số hóa không chỉ giảm đáng kể lượng giấy tờ truyền thống mà còn tăng tốc độ xử lý hồ sơ, hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện thủ tục hộ tịch. Đặc biệt, người dân có thể tiếp cận dịch vụ công trực tuyến dễ dàng, không cần trực tiếp đến cơ quan hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ công.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Bắc Quang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Bắc Quang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cùng với kết quả trên, ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả hai nhóm TTHC liên thông trên môi trường trực tuyến. Nhóm đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi giúp các bậc phụ huynh hoàn tất thủ tục cho con ngay từ khi chào đời mà không cần đi lại nhiều lần. Trong khi đó, nhóm đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí thể hiện tính nhân văn trong cải cách TTHC, giúp gia đình giải quyết nhanh các vấn đề pháp lý cần thiết, giảm bớt gánh nặng thủ tục trong thời điểm khó khăn. Đáng chú ý, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến của hai nhóm trên đạt từ 93,7% – 98,9%, cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ công, giúp người dân tiếp cận TTHC một cách thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Anh Hoàng Sành Kinh, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) chia sẻ: “Trước đây, khi con tôi chào đời, để làm giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế, tôi phải đến bộ phận một cửa UBND xã. Tiếp đó, đến Công an xã để làm thủ tục nhập khẩu. Mỗi nơi một thủ tục, mất nhiều thời gian và công sức. Nhưng giờ đây, chỉ cần nộp hồ sơ một lần, tất cả giấy tờ trên đều được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện”. Không chỉ người dân, chính đội ngũ cán bộ tư pháp cũng cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực từ quá trình số hóa. Chị Hoàng Thị Xuân, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Bắc Quang chia sẻ: “Trước đây, để làm hồ sơ thủ tục hộ tịch của công dân, chúng tôi phải lật từng trang sổ giấy để tra cứu, có khi mất hàng chục phút mới tìm được thông tin cần thiết. Nếu sổ bị cũ, rách hoặc sai sót, việc tra cứu lại càng khó khăn hơn. Nhưng giờ đây, chỉ cần nhập mã hồ sơ, toàn bộ dữ liệu hiển thị ngay trên hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm áp lực cho cán bộ tư pháp mà còn tạo điều kiện để chúng tôi tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân một cách chu đáo hơn”.

Từ năm 2024 đến nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 3.444 hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó 2.860 phiếu được cấp thành công, đồng thời xử lý 3.389 thông tin về án tích. Nếu như trước đây, người dân phải chờ đợi nhiều ngày để tra cứu thông tin thì nay, nhờ hệ thống dữ liệu điện tử, thời gian xử lý được rút ngắn đáng kể. Chỉ với vài thao tác cập nhật dữ liệu vào hệ thống, cán bộ có thể tra cứu, xử lý hồ sơ nhanh chóng, giúp đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Không dừng lại ở đó, các tổ chức hành nghề công chứng và cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 15.016 hợp đồng công chứng và chứng thực 127.762 bản sao, minh chứng rõ nét cho hiệu quả của cải cách TTHC. Khi quy trình được tinh gọn, thủ tục trở nên nhanh chóng, người dân không chỉ giảm bớt thời gian chờ đợi mà còn được phục vụ chuyên nghiệp, thuận tiện hơn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Đấu giá tài sản không chỉ là một hoạt động kinh tế quan trọng mà còn giữ vai trò then chốt trong cải cách tư pháp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là đấu giá trực tuyến giúp tinh gọn quy trình, mở rộng cơ hội tiếp cận cho doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường đấu giá. Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 143 cuộc đấu giá, trong đó 60 cuộc đấu giá thành công với tổng giá khởi điểm 43,63 tỷ đồng, giá trị bán thành đạt 623,1 tỷ đồng. Đặc biệt, các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã tạo bước đột phá, nâng giá trị đấu giá vượt khởi điểm lên đến 579,5 tỷ đồng. Không chỉ tăng hiệu quả đấu giá, số cuộc đấu giá không thành đã giảm 26% so với năm 2023; tổng thù lao đấu giá đạt 1,57 tỷ đồng, trong đó số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt gần 160 triệu đồng, tăng đột biến 401,8% so với năm 2023.

Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả; hiện nay, ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ công. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để tiến gần hơn đến một nền hành chính công hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202504/hanh-chinh-so-phuc-vu-so-tien-ich-that-97d34ad/
Zalo