Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành của Hòa Bình nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

Tối 16/11, tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành, khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tham dự và phát biểu chỉ đạo sự kiện.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Tống Thoan)

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Tống Thoan)

Phát biểu khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 và Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Hòa Bình nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, với hơn 100 di tích đã được xếp hạng và nhiều lễ hội dân gian độc đáo như: Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Xên Mường…

Hòa Bình có các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo như: Mo Mường, nghệ thuật Chiêng Mường, Tri thức dân gian lịch tre của dân tộc Mường và tập quán xã hội - tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu.

Ông Bùi Văn Khánh nhấn mạnh: “Những thế mạnh đó đang được tỉnh Hòa Bình tập trung khơi dậy và phát huy một cách mạnh mẽ”.

Ông thông tin, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11.

Tuần lễ gồm hoạt động như: Lễ Cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà; Triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Nét đẹp Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình”; Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024; tổ chức thăm quan các điểm du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình; Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó là Đêm hội rượu cần; Diễn đàn Nông nghiệp với chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”; Lễ hội cá, tôm sông Đà lần thứ hai năm 2024; Giải thi câu thể thao trên sông Đà và tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ thủy điện Hòa Bình…

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11. (Ảnh: Tống Thoan)

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11. (Ảnh: Tống Thoan)

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh kỳ vọng, thông qua sự kiện, sẽ quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Hòa Bình; các điểm du lịch tiêu biểu hấp dẫn của địa phương; các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh để thu hút du lịch trong nước và quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, Di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành tiêu biểu cho các di sản khảo cổ, di sản của nền văn hóa xứ Mường Hòa Bình có giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, đặc sắc, thể hiện đời sống sinh hoạt lao động của các cư dân cổ tại Hòa Bình; là niềm tự hào và là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh Hòa Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng- an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, Đảng bộ và chính quyền Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã rất quyết tâm trong quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa, di sản truyền thống của các dân tộc, nhất là các di sản thuộc nền văn hóa Hòa Bình gắn với phát triển du lịch bền vững.

"Điều đó từng bước đưa Hòa Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Trong đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, giá trị lịch sử là nhiệm vụ quan trọng.

Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành của Hòa Bình nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. (Ảnh: Tống Thoan)

Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành của Hòa Bình nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. (Ảnh: Tống Thoan)

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát huy mạnh mẽ các giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, địa lý cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó Di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành là một điểm nhấn.

Thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa nói chung, di tích quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành nói riêng, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Hoàng Long đề nghị chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ giữ vai trò quan trọng.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển văn hóa, di sản văn hóa, nhất Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản của nền “Văn hóa Hòa Bình”, văn hóa Mường cũng như văn hóa của các dân tộc tỉnh Hòa Bình...

Thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác bảo vệ, quản lý di tích quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định pháp luật liên quan; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về giá trị di sản văn hóa Mường Hòa Bình và nền “Văn hóa Hòa Bình” tới nhân dân và bạn bè quốc tế; trong đó quan tâm nghiên cứu việc lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào di sản thế giới...

Hòa Bình nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. (Ảnh: Tống Thoan)

Hòa Bình nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. (Ảnh: Tống Thoan)

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long. Ông Nguyễn Phi Long khẳng định: "Tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng".

Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là 1 trong những mục tiêu quan trọng.

Trên cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình đã và đang từng bước thực hiện các nhiệm vụ giải pháp khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc và nền "Văn hóa Hòa Bình".

"Thời gian tới, Hòa Bình xác định văn hóa là 1 trong 5 đột phá chiến lược của tỉnh và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Song song với đó, hình thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về nền 'Văn hóa Hòa Bình' và du khách trong và ngoài nước, để di sản mãi trường tồn và lan tỏa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước và kinh tế - xã hội của địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế", ông Nguyễn Phi Long nói.

Lễ cầu ngư và thả hoa đăng trên sông Đà. (Ảnh: Tống Thoan)

Lễ cầu ngư và thả hoa đăng trên sông Đà. (Ảnh: Tống Thoan)

* Trước đó, tối 15/11, Lễ cầu ngư và thả hoa đăng trên sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai.

Lễ hội đón nhận sự tham dự của hàng nghìn người dân, du khách đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. (Nguồn: Tiền Phong)

Lễ hội đón nhận sự tham dự của hàng nghìn người dân, du khách đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. (Nguồn: Tiền Phong)

Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, hoạt động này góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần, nét đẹp trong văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam cầu cho âm dương siêu thái, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, một năm mùa màng bội thu.

Buổi lễ nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần, quảng bá hình ảnh ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình và khu du lịch vùng lòng hồ sông Đà, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh Hòa Bình.

Tống Thoan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hang-xom-trai-va-mai-da-lang-vanh-cua-hoa-binh-nhan-bang-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-294001.html
Zalo