Hàng Trung Quốc giá rẻ là do hạ tầng logistics phát triển?

Logistics Việt Nam cần có sự liên kết ngành, liên kết vùng, đặc biệt cần có 'nhạc trưởng' đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, hành động.

Tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ sáng ngày 31-10 ở TP HCM với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá", ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT), cho biết hạ tầng logistics của Việt Nam đang dần hoàn thiện, với hệ thống đường thủy rộng 17.000 km, 37 cảng biển, 595.000 km đường bộ, và đội tàu biển hơn 1.000 chiếc phục vụ trong và ngoài nước. Hạ tầng này đã góp phần đáng kể vào hoạt động kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ ngành logistics Việt Nam đạt tốc độ phát triển 14-15% mỗi năm, với doanh thu 40-42 tỉ USD. Tuy nhiên, hệ thống còn nhiều hạn chế, như thiếu đồng bộ về chính sách và hạ tầng chưa đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, nguồn nhân lực yếu và doanh nghiệp trong nước thiếu vốn, kinh nghiệm khiến việc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Một kho hàng ở Trung Quốc

Một kho hàng ở Trung Quốc

Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO của Việt Nam SuperPort, đề xuất phát triển logistics đa phương thức từ đường bộ, hàng không đến cảng biển để tăng sức cạnh tranh và giảm rủi ro. Theo ông, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn 50 năm và đẩy mạnh hợp tác công - tư để thực sự bứt phá.

Trước làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc qua các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein, Taobao, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ ra một số vấn đề trong việc cạnh tranh của ngành sản xuất và logistics trong nước. Ông Hải cho rằng việc hàng Trung Quốc vào Việt Nam với mức giá thấp hơn là nhờ vào hệ thống logistics, giúp hàng hóa của họ vào thị trường Việt Nam với giá thấp, tạo lợi thế cạnh tranh lớn.

Ông cũng chỉ ra sự thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực này có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, không chỉ qua việc điều tiết thị trường mà còn hỗ trợ tài chính và hậu cần cho doanh nghiệp mở rộng ra nước ngoài. Trong khi đó, ngành logistics Việt Nam vẫn còn manh mún, các trung tâm logistics chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, thiếu các trung tâm quy mô lớn, hiện đại và chuyên nghiệp để đáp ứng được cả nhu cầu lưu trữ, phân phối, và phục vụ xuất khẩu.

Do đó, để giảm chi phí logistics và thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, Việt Nam cần đầu tư vào các trung tâm logistics lớn, chuyên dụng như kho lạnh cho nông sản, kho quy mô lớn phục vụ bán lẻ và siêu thị. Việc này sẽ không chỉ giúp bảo vệ ngành sản xuất trong nước mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, giúp Việt Nam tăng cường lợi thế cạnh tranh.

Bài, ảnh: Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hang-trung-quoc-gia-re-la-do-ha-tang-logistic-phat-trien-196241031143449108.htm
Zalo