Hàng triệu thanh thiếu niên cần được bảo vệ trước 'cám dỗ ngọt ngào' từ đồ uống có đường

Sáng 16/5, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc tọa đàm chuyên sâu với chủ đề 'Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi hiện nay'. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm cảnh báo sớm và thúc đẩy các giải pháp bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ.

Buổi tọa đàm Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia y tế tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, trước thực trạng thanh thiếu niên Việt Nam ngày càng dễ dàng tiếp cận và tiêu thụ đồ uống có đường một cách thiếu kiểm soát.

PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền – Trưởng Khoa Hóa sinh và Chuyển hóa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tiêu thụ sản phẩm có đường ở Việt Nam đã tăng quá nhanh trong 15 năm qua. Điều này để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.

PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền – Trưởng Khoa Hóa sinh và Chuyển hóa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tiêu thụ sản phẩm có đường ở Việt Nam đã tăng quá nhanh trong 15 năm qua. Điều này để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.

PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền - Trưởng Khoa Hóa sinh và Chuyển hóa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Chỉ một lon nước ngọt mỗi ngày đã có thể khiến cơ thể nạp tới 30–40g đường tự do – vượt xa mức khuyến nghị 25g/ngày của WHO. Điều này không chỉ gây béo phì, tiểu đường tuýp 2, mà còn làm tăng nguy cơ sâu răng, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa”.

Không chỉ dừng lại ở các tác hại thể chất, các chuyên gia cảnh báo rằng tiêu thụ đường quá mức có thể làm thay đổi hành vi, giảm cảm giác no, thúc đẩy xu hướng ăn thực phẩm kém lành mạnh và ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ cũng như tinh thần của thanh thiếu niên.

Uống từ 1 lon đồ uống có đường trở lên mỗi ngày, sẽ đối mặt rất nhiều nguy cơ bệnh tật

Uống từ 1 lon đồ uống có đường trở lên mỗi ngày, sẽ đối mặt rất nhiều nguy cơ bệnh tật

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm (Văn phòng WHO tại Việt Nam) nhấn mạnh: “Giáo dục sức khỏe nên bắt đầu từ tuổi tiểu học. Khi trẻ được trang bị kiến thức và có sự đồng hành của gia đình, nhà trường, việc hình thành lối sống lành mạnh sẽ bền vững hơn. Khi trẻ được trang bị kiến thức đúng từ nhỏ, sẽ dần hình thành lối sống lành mạnh, giảm dần sự lệ thuộc vào các sản phẩm có đường”.

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Cù Đức Quân – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn cho biết: “Trung ương Đoàn luôn chú trọng việc định hướng lối sống tích cực cho giới trẻ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của đồ uống có đường, góp phần tạo nên một thế hệ khỏe mạnh, chủ động và tích cực”.

Theo ghi nhận, đồ uống có đường – từ nước ngọt, nước ép công nghiệp, đến sữa pha đường hay đồ ăn chế biến sẵn – đang “bủa vây” giới trẻ với hình thức quảng cáo bắt mắt và vị ngọt dễ nghiện. Nhiều em nhỏ chưa đủ kiến thức để tự lựa chọn thực phẩm lành mạnh, trong khi vai trò kiểm soát của gia đình còn hạn chế.

Tọa đàm lần này không chỉ dừng ở cảnh báo mà còn mở ra hướng đi dài hạn: cần thiết lập hàng rào bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ bằng việc giáo dục sớm, thay đổi chính sách quảng cáo, dán nhãn cảnh báo đường, và tạo môi trường thực phẩm lành mạnh trong trường học. Đây là một tiếng chuông cảnh tỉnh đúng lúc. Vì một thế hệ tương lai không “nghiện ngọt”, cần sự chung tay mạnh mẽ hơn từ gia đình, nhà trường, cộng đồng và chính những nhà hoạch định chính sách, trong đó có việc cần phải tăng thuế với sản phẩm đồ uống có đường, các sản phẩm phải ghi nhãn rõ ràng về đường, cảnh báo nguy cơ khi sử dụng quá nhiều đường.

HVK

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-trieu-thanh-thieu-nien-can-duoc-bao-ve-truoc-cam-do-ngot-ngao-tu-do-uong-co-duong-post611874.antd
Zalo