Hàng triệu người Ukraine di tản vẫn hy vọng được về quê hương bất chấp xung đột tiếp diễn

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến 'cuộc di cư cưỡng bức' lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, với khoảng 9 triệu người Ukraine phải rời bỏ quê hương hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn hơn trong nước.

Nhiều người Ukraine buộc phải di tản do giao tranh và cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều người Ukraine buộc phải di tản do giao tranh và cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico châu Âu (Politico.eu) ngày 11/8, khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài, câu chuyện của Yana Kraschuk, một người mẹ đơn thân với con trai nhỏ, trở thành hình mẫu đại diện cho hàng triệu người Ukraine phải di tản. bà Yana đã hai lần phải rời bỏ quê hương Kupiansk, một thành phố ở vùng Kharkov, do cuộc xung đột với Nga. Dù được cung cấp chỗ ở miễn phí ở CH Séc và hiện đang sống trong một ký túc xá sinh viên chuyển thành trung tâm tập thể cho người từ Kharkov, bà Yana từ chối rời xa vĩnh viễn nơi đang là tiền tuyến này. Bà vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể trở về nhà, nơi có thể tìm thấy sự ổn định và cảm giác an toàn.

Yana không đơn độc trong sự chờ đợi này. Cuộc xung đột với Nga đã gây ra "cuộc di cư cưỡng bức" lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, với khoảng 9 triệu người Ukraine phải rời bỏ quê hương hoặc tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn trong nước. Điều này không chỉ tạo ra các vấn đề xã hội, kinh tế mà còn là một thách thức chính trị khổng lồ.

Bộ trưởng Chính sách Xã hội Ukraine Oksana Zholnovych nhấn mạnh rằng việc hồi hương của những người di tản sẽ chỉ có thể thực hiện được khi giao tranh toàn diện kết thúc, các vùng lãnh thổ được giải phóng, hòa bình được lập lại, và công tác rà phá bom mìn hoàn tất. Tuy nhiên, khi quân đội Nga tiếp tục đạt được những thắng lợi nhỏ trên tiền tuyến và các cuộc tấn công cùng tên lửa gây ra thương vong cùng sự tàn phá không ngừng, ngày mà những người di tản có thể trở về nhà vẫn còn rất xa vời.

Trong khi đó, chính quyền Ukraine đang phải đối mặt với một thách thức to lớn trong việc hỗ trợ 3,7 triệu người phải di dời trong nước (IDP). Chiến lược của chính phủ nước này về di dời trong nước cho đến năm 2025 nhấn mạnh việc đưa những người này vào các cộng đồng mới cách xa vùng chiến sự. Tuy nhiên, chiến lược này cũng kêu gọi hỗ trợ cho những người có ý định trở về nơi cư trú trước đây của họ. Nhu cầu hỗ trợ là rất lớn, trong khi nước này đang thiếu hụt tài chính, với hơn một nửa ngân sách được phân bổ cho quốc phòng, và nguồn tài trợ viện trợ quốc tế cần thiết cho chi tiêu xã hội đang ngày càng thiếu hụt.

Tình trạng di dời hàng loạt đã đặt ra những thử thách lớn đối với cấu trúc xã hội của Ukraine. Bộ trưởng Zholnovych cho biết: “Bản thân sự di dời nội bộ đã tạo ra một yếu tố rất mạnh mẽ làm gia tăng căng thẳng xã hội". Nhiều người di cư trong nước vẫn không muốn định cư ở các khu vực mới vì họ tin rằng tình trạng di dời của họ chỉ là tạm thời. Khi không có sự hội nhập kinh tế và xã hội, bất hòa xã hội có thể gia tăng và nhiều người Ukraine di dời hơn có thể phải quay trở lại tiền tuyến hoặc các khu vực bị giao tranh, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước.

Do đó, sự lạc quan về việc trở về quê hương vẫn còn cao nhưng đang giảm dần. Theo báo cáo của Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) vào tháng 2 năm nay, 72% người di tản trong nước Ukraine có kế hoạch hoặc hy vọng trở về nhà, giảm so với mức 84% của năm trước. Sự sụt giảm này cũng tương tự với gần 6,5 triệu người tị nạn ra khỏi đất nước.

Số lượng người di tản trong các trung tâm tập thể vẫn rất lớn. Theo UNHCR, hơn 85.000 người vẫn đang sống trong các trung tâm tập thể ban đầu được thành lập như một biện pháp khẩn cấp. Sự thiếu hụt tài trợ nhân đạo quốc tế đã làm gia tăng khó khăn cho những người di tản. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã kêu gọi 3,1 tỷ USD vào đầu năm nay để hỗ trợ 14,6 triệu người Ukraine đang cần, nhưng cho đến nay, chỉ nhận được hơn 1/3 số tiền cần thiết.

Karolina Lindholm Billing, đại diện của UNHCR tại Ukraine, cho biết nhu cầu hỗ trợ đang tăng lên, đặc biệt là khi mùa đông đến gần và tác động của việc các cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy có thể tồi tệ hơn. Nhiều người di tản đang dựa vào viện trợ để tránh một cuộc di dời hàng loạt khác.

Chính phủ Ukraine đang thử nghiệm các chiến lược mới, bao gồm đào tạo, trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, không có sự hỗ trợ tài chính đầy đủ, một số người buộc phải quay trở lại các khu vực nguy hiểm. Sự khủng hoảng đang làm lộ ra những vấn đề nội bộ trong xã hội Ukraine, nơi các cộng đồng mới đôi khi phản đối người di cư và cho rằng họ nhận được phúc lợi mà không đóng góp cho cộng đồng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hang-trieu-nguoi-ukraine-di-tan-van-hy-vong-duoc-ve-que-huong-bat-chap-xung-dot-tiep-dien-20240812150353180.htm
Zalo