Hàng trăm tấn thực phẩm chức năng 'nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ về Việt Nam' có xuất xứ từ Trung Quốc: Hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm tới người tiêu dùng

Thông tin về việc cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn thực phẩm chức năng giả mạo nguồn gốc, được gắn mác 'nhập khẩu Âu, Mỹ' nhưng thực chất lại sản xuất tại Trung Quốc đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ và lo ngại

Luật sư Hoàng Văn Hà-Công ty Luật ARC Hà Nội

Luật sư Hoàng Văn Hà-Công ty Luật ARC Hà Nội

Qua trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Hà – Công ty Luật ARC Hà Nội Vụ việc Bộ Công an thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng gắn mác nhập khẩu từ châu Âu nhưng thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc không chỉ là vụ việc nghiêm trọng về gian lận thương mại mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần được phân tích và xử lý nghiêm minh.

Theo thông tin từ Bộ Công an, các đối tượng đã nhập khẩu thực phẩm chức năng từ Trung Quốc, sau đó thay đổi bao bì, nhãn mác thành sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Hành vi này vi phạm nghiêm trọng quy định về ghi nhãn hàng hóa theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 (sửa đổi bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021) của Chính phủ, quy định về nhãn hàng hóa. Cụ thể, việc ghi nhãn không đúng nguồn gốc xuất xứ là hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Việc nhập khẩu và tiêu thụ thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ còn vi phạm Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, trong đó có việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Hành vi kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng, giả mạo nguồn gốc có thể bị xử lý hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Khung cơ bản Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Khung tăng nặng (theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 193) nếu có tổ chức. Hàng giả có số lượng lớn (100 tấn là cực kỳ lớn). Gây thiệt hại cho sức khỏe nhiều người. Thu lợi bất chính lớn hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Nếu hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản và sức khỏe cho nhiều người, mức hình phạt cao nhất có thể lên tới tù chung thân, theo Khoản 4 Điều 193 Bộ luật Hình sự thì có thể áp dụng Biện pháp xử lý bổ sung theo Khoản 5 Điều 193 Bộ luật Hình sự, các đối tượng còn có thể bị: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Đối với cá nhân: cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện phạm tội.

Đối với pháp nhân thương mại: phạm tội phạt tiền từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng hoặc từ 3 đến 6 tỉ đồng. Phạm tội mức cao hơn có thể phạt từ 3 đến 18 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài trách nhiệm hình sự, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 24/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm. Tịch thu tang vật và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng giả. Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 6 tháng đến 12 tháng nếu có.

Hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây mất niềm tin vào thị trường, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp chân chính.

Để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, các cơ quan chức năng nên:

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Nếu có các hành vi vi phạm cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi nghiêm trọng.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo.

Cần phải tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm chức năng nhập khẩu, ngăn chặn từ gốc các hành vi gian lận thương mại.

Vụ việc Bộ Công an thu giữ 100 tấn thực phẩm chức năng gắn mác nhập khẩu từ châu Âu nhưng thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/hang-tram-tan-thuc-pham-chuc-nang-nhap-khau-tu-chau-au-my-ve-viet-nam-co-xuat-xu-tu-trung-quoc-hoi-chuong-canh-bao-ve-an-toan-thuc-pham-toi-nguoi-tieu-dung-15019.html
Zalo