Hàng trăm người thiệt mạng vì giao tranh giữa các nhóm vũ trang ở miền bắc Syria
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 5/1 cho biết những cuộc giao tranh giữa các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu ở miền Bắc Syria trong 2 ngày qua đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Những cuộc đụng độ giữa hai bên diễn ra từ tối 3/1 tại thành phố Manbij của Syria khiến 85 thành viên của các nhóm thân Ankara và 16 chiến binh của SDF thiệt mạng.
SDF, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn cung cấp vũ khí và huấn luyện, tuyên bố đã đẩy lùi “mọi cuộc tấn công từ lính đánh thuê của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Khi phe đối lập ở Syria phát động chiến dịch tấn công nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, giao tranh giữa các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và SDF cũng đồng thời diễn ra và kéo dài tới nay.
Thời gian tới, các phe phái đối lập tại Syria bước vào giai đoạn cạnh tranh quyền lực gay gắt. Lực lượng trung thành với tổng thống bị lật đổ Assad cũng luôn tìm cách quay lại bàn cờ chính trị.
Quyền lực chính trị dường như sẽ thuộc về phe phái nào sở hữu nhiều vũ khí nhất và có nguồn tài chính dồi dào nhất.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cảnh báo, ông sẽ thúc đẩy các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara tấn công lực lượng người Kurd, điều mà ông cho là sẽ “khởi đầu cho một cuộc vượt ngục của IS”.
“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có hành động quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở Syria, điều đó sẽ gây nguy hiểm đáng kể cho lợi ích của Mỹ”, ông nói thêm.
Liên quan, Chủ tịch Liên minh quốc gia Syria đối lập, ông Hadi Al-Bahra mới đây bày tỏ hy vọng hội nghị đối thoại quốc gia ở Syria đáp ứng kỳ vọng của công chúng, bởi có sự tham gia của đại diện tất cả các thành phần và tầng lớp người dân Syria.
Về các chuyến thăm gần đây của giới chức nước ngoài tới Syria, ông al-Bahra đánh giá việc này cho thấy cộng đồng toàn cầu muốn đảm bảo mọi thứ ở Syria diễn ra phù hợp với nguyện vọng của người dân Syria.
Giới quan sát chính trị Trung Đông cho rằng, mô hình quốc gia lý tưởng cho Syria là chia sẻ quyền lực và hòa nhập. Mô hình này cần tôn trọng quyền của các nhóm sắc tộc, tôn giáo và phụ nữ; tạo lập một chính phủ đại diện, hòa nhập và cân bằng quyền lực giữa các nhóm.
Chính phủ Syria cần đại diện cho tất cả các nhóm khác nhau. Sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm sẽ giúp tránh xung đột sắc tộc và đảm bảo công bằng trong việc phân phối tài nguyên và quyền lợi. Chính quyền trung ương cần mạnh nhưng không áp đảo quyền tự quyết của các khu vực.