Hàng trăm nghìn người đến Vatican dự tang lễ Giáo hoàng Francis

Hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Vatican để dự tang lễ của Giáo hoàng Francis, vị lãnh đạo tinh thần khiêm nhường nhưng vĩ đại của Giáo hội Công giáo.

Tang lễ của Giáo hoàng Francis diễn ra tại Quảng trường Thánh Peter vào sáng 26/4 (giờ địa phương). Theo ước tính từ Tòa thánh Vatican, hơn 250.000 người đã đổ về Quảng trường linh thiêng này, trong đó nhiều người đã cắm trại từ đêm hôm trước để giữ chỗ.

Những người dự tang lễ Giáo hoàng Francis đến từ mọi tầng lớp: từ những người nghèo khó, di dân, các nữ tu, đến hàng chục lãnh đạo quốc gia như Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Quốc vương Tây Ban Nha Felipe VI ... Sự hiện diện của họ phản ánh sức ảnh hưởng toàn cầu của vị giáo hoàng đầu tiên đến từ khu vực Mỹ-Latin, người luôn đấu tranh cho người yếu thế và kêu gọi hòa bình giữa những xung đột.

Theo ước tính từ Tòa thánh Vatican, hơn 250.000 người đã đổ về Quảng trường Thánh Peter dự tang lễ Giáo hoàng Francis sáng 26/4. Ảnh: Vatican News

Theo ước tính từ Tòa thánh Vatican, hơn 250.000 người đã đổ về Quảng trường Thánh Peter dự tang lễ Giáo hoàng Francis sáng 26/4. Ảnh: Vatican News

Thánh lễ an táng bắt đầu bằng một bài thánh ca và thánh vịnh bằng tiếng Latin, do Ban hợp xướng Nhà nguyện Sistine thực hiện. Đây là ca đoàn riêng của Giáo hoàng, gồm 20 người đàn ông và khoảng 30 cậu bé. Các Hồng y di chuyển từ Vương cung Thánh đường Thánh Peter ra Quảng trường Thánh Peter, với thứ tự theo thâm niên phụng vụ. Tiến vào quảng trường sau cùng là chủ trì buổi lễ, Đức Hồng y Niên trưởng Giovanni Battista Re, 91 tuổi, người sau đó cử hành nghi thức Thống hối (đọc kinh cầu nguyện thừa nhận tội lỗi, mong cầu sự tha thứ và xá tội).

Trong bài giảng tại tang lễ, Đức Hồng y Giovanni Battista Re ca ngợi Giáo hoàng Francis là "một vị giáo hoàng giữa mọi người, với trái tim rộng mở". Đức Hồng y nhắc lại hình ảnh cuối cùng của Đức Giáo hoàng vào Chủ Nhật Phục Sinh, khi ngài kiên quyết ban phước lành Phục Sinh từ ban công Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter, rồi xuống quảng trường chào đón đám đông trên xe mui trần dù sức khỏe đã suy yếu.

“Ngài là mục tử không ngừng chăn dắt đàn chiên bằng tình yêu, một trái tim rộng mở với mọi người, đặc biệt là người nghèo, di dân và những ai bị ruồng bỏ”, Đức Hồng y nhấn mạnh, "Ngài tin rằng Giáo hội phải là ngôi nhà cho tất cả – nơi không ai bị loại trừ. Một Giáo hội biết cúi xuống chữa lành vết thương, bất kể đức tin hay hoàn cảnh của họ".

Linh cữu Giáo hoàng Francis đặt giữa Quảng trường Thánh Peter ở thời điểm diễn ra tang lễ. Ảnh: Vatican News

Linh cữu Giáo hoàng Francis đặt giữa Quảng trường Thánh Peter ở thời điểm diễn ra tang lễ. Ảnh: Vatican News

Đức Hồng y Giovanni Battista Re trích dẫn lời của Giáo hoàng Francis như lời nhắn nhủ cho nhân loại: "Ngài thường nói: "Chiến tranh là thất bại đau đớn của con người. Nó chỉ để lại chết chóc và đổ nát. Hãy dũng cảm chọn đàm phán". Đức Hồng y cũng nhắc lại hành trình đầu tiên của Giáo hoàng đến đảo Lampedusa (Italia) năm 2013 – nơi ngài lên án "sự thờ ơ toàn cầu" trước thảm kịch di dân: "Ngài ôm lấy những người bị xã hội bỏ rơi như thể họ là Chúa Kitô".

Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y Giovanni Battista Re đã đọc lời nguyện khiến nhiều người xúc động: "Giờ đây, chúng con phó thác linh hồn Ngài cho Chúa, để Người đón Ngài vào vinh quang của tình yêu vĩnh cửu. Xin Ngài – vị Giáo hoàng luôn nhắc nhở chúng con "đừng quên cầu nguyện cho tôi" – giờ hãy cầu nguyện cho chúng con. Xin Ngài ban phước lành cho Giáo hội, cho Rome, và cho thế giới đang khát khao hòa bình này".

Nghi thức tiếp theo trong tang lễ Giáo hoàng Francis là lời nguyện cộng đoàn được đọc bằng 7 thứ tiếng: Italia, Pháp, Arab, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Đức và tiếng Trung. Đây là lần đầu tiên tiếng Trung được sử dụng trong tang lễ của một Giáo hoàng, đánh dấu sự thay đổi trong tang lễ Giáo hoàng Francis so với những người tiền nhiệm.

Đức Hồng y Niên trưởng Giovanni Battista Re đọc bài giảng tại tang lễ Giáo hoàng Francis. Ảnh: Vatican News

Đức Hồng y Niên trưởng Giovanni Battista Re đọc bài giảng tại tang lễ Giáo hoàng Francis. Ảnh: Vatican News

Sau đó, Đức Hồng y Niên trưởng Giovanni Battista Re tiếp tục chủ trì nghi lễ Phụng vụ Thánh thể, nghi thức trọng tâm của mọi Thánh lễ trong Công giáo La Mã. Đây là nghi lễ tưởng nhớ bữa Tiệc Ly, nơi Chúa Jesus bẻ bánh và chia sẻ ly rượu với các tông đồ. Không chỉ để tưởng nhớ sự hy sinh và cứu chuộc của Chúa Jesus, nghi lễ Phụng vụ Thánh thể còn thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người.

Sau khi Đức Hồng y Giovanni Battista Re thánh hiến bánh, rượu, và ca đoàn hát Kinh Lạy Cha, Giáo đoàn gồm các Hồng y, lãnh đạo thế giới và công chúng thực hiện Biểu tượng Hòa bình. Đây là nghi thức mà mọi người thể hiện tinh thần hòa bình, hiệp thông và nhân ái bằng việc quay sang bắt tay những người xung và cùng nói: "Hòa bình bên cạnh các đạo hữu".

Cuối buổi lễ, Đức Hồng y Niên trưởng Giovanni Battista Re đọc lời ca ngợi và từ biệt Giáo hoàng bằng tiếng Latin: "Chúng ta hãy phó thác linh hồn Giáo hoàng Francis, lãnh đạo Giáo hội Công giáo và cũng là người đã củng cố đức tin của anh chị em đạo hữu về sự phục sinh, cho lòng thương xót của Chúa". Sau đó, các Hồng y cầu khẩn tên của hàng chục vị thánh Công giáo, mong các thánh cầu nguyện cho Giáo hoàng.

Các Hồng y cầu khẩn tên của hàng chục vị thánh Công giáo, mong các thánh cầu nguyện cho Giáo Hoàng Francis. Ảnh: Vatican News

Các Hồng y cầu khẩn tên của hàng chục vị thánh Công giáo, mong các thánh cầu nguyện cho Giáo Hoàng Francis. Ảnh: Vatican News

Linh cữu Giáo hoàng Francis sau đó được rước trở lại Vương cung Thánh đường Thánh Peter, qua bệ thờ chính trước khi được đưa lên xe chở đến an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Rome (Italia). Khác với truyền thống, Giáo hoàng Francis không chọn an táng tại Vatican mà chọn một nhà thờ cách đó gần 5 km, nơi gắn liền với lòng sùng kính Đức Mẹ của ngài.

Đặc biệt, thi hài Giáo hoàng Francis thay vì được quàn trong 3 lớp quan tài truyền thống bằng gỗ bách, chì và du, thì chỉ được đặt trong một quan tài gỗ lót kẽm, khắc dòng chữ Latin đơn sơ: Franciscus. Tang lễ của Giáo hoàng Francis cũng chỉ kéo dài 90 phút – ngắn hơn nhiều so với tang lễ kéo dài 3 giờ của Giáo hoàng John Paul II năm 2005.

Điều này thể hiện phong cách giản dị và gần gũi của vị Giáo hoàng đã dành trọn một đời phụng vụ Thiên Chúa để ủng hộ người nghèo, nạn nhân chiến tranh và những mảnh đời yếu thế.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hang-tram-nghin-nguoi-den-vatican-du-tang-le-giao-hoang-francis.686999.html
Zalo