Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn hiện có 37 thôn bản bị chia cắt, 600 hộ bị ngập.
Ngoài ra, có 44 điểm sạt lở, chia cắt cục bộ tại một số tuyến đường giao thông như: Huyện Tuyên Hóa 20 điểm, Bố Trạch 8 điểm, Minh Hóa 6 điểm, Quảng Trạch và Lệ Thủy 1 điểm; Quốc lộ 15 có 6 điểm sạt lở.
Huyện Minh Hóa có hàng trăm nhà dân bị ngập tại các xã Minh Hóa, Thượng Hóa, Yên Hóa, Hóa Tiến, thị trấn Quy Đạt, Tân Hóa. Trong đó, ngập sâu nhất là xã Tân Hóa (hộ nhập sâu nhất khoảng 2m).
Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết hiện toàn xã có gần 400 hộ dân bị ngập lụt từ 0,5 đến 2 mét. Dù nước lũ có dấu hiệu rút dần, công tác ứng phó vẫn được chính quyền và người dân tiếp tục triển khai một cách chủ động.
Một số căn nhà thấp nước ngập gần tới nóc.
Nhà ở ngập, người dân chuyển lên sống tại những căn nhà phao có đủ lương thực chuẩn bị từ trước để đợi nước rút.
Tân Hóa được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới, được nhiều du khách biết đến nhờ vẻ đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, địa phương này cũng nằm trong khu vực được ví như "rốn lũ", "túi đựng nước" do thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.
Mô hình nhà phao ở Tân Hóa không chỉ giúp người dân “sống chung với lũ” một cách chủ động mà còn làm giảm thiểu thiệt hại về tài sản và sinh kế. Thay vì phải sơ tán lên núi, hoặc đối diện với rủi ro mất mát tài sản như nhiều năm trước thì người dân có thể yên tâm sinh sống ngay trong vùng lũ.
Hùng Trần