Hàng trăm giám đốc, kế toán dính líu vụ mua bán hóa đơn 63.000 tỷ đồng

Số lượng bị cáo là giám đốc, kế toán… doanh nghiệp có hành vi mua bán trái phép hóa đơn lên đến 161 người. Điểm chung đây là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, thường giao dịch hàng hóa, nhân công với các cơ sở nhỏ lẻ để phục vụ kinh doanh nên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 6/1, TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử đối với 171 bị cáo trong vụ án giai đoạn 2 liên quan đến ông trùm Nguyễn Minh Tú (SN 1992, ở quận Thủ Đức, TPHCM) mua bán hóa đơn doanh số hơn 63.763 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Huế (SN 1988, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị truy tố về tội Mua bán trái phép hóa đơn. Có 161 bị can là giám đốc, kế toán… trong các doanh nghiệp bị truy tố về tội Mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.

Ở giai đoạn 1, cơ quan điều tra làm rõ từ năm 2020-2022, Tú thông qua Nguyễn Thị Huế và 2 cá nhân khác mua 646 doanh nghiệp. Tú trực tiếp và thông qua các đối tượng trung gian (F1) sử dụng các pháp nhân này để bán 1.025.712 hóa đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số hơn 63.762 tỷ đồng.

Cáo trạng thể hiện, từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022, Huế mua 303 doanh nghiệp và làm các thủ tục theo yêu cầu của Tú rồi bán cho Tú với chi phí từ 50 triệu đến 60 triệu đồng/01 doanh nghiệp.

Đồng thời Tú cũng thuê Huế làm thủ tục đăng ký hoạt động cho khoảng 200 doanh nghiệp do Tú mua trước đó của 02 cá nhân tên “Kiên” và “Vân” (chưa xác định được danh tính) nhưng đang ở tình trạng ngừng hoạt động hoặc chưa đầy đủ thủ tục để hoạt động.

Với mục đích giảm số thuế phải nộp, Tú đã thống nhất với Huế kê khai giảm doanh số bán ra so với thực tế tổng doanh số hóa đơn giá trị gia tăng khống đã phát hành, tự kê khai khống doanh số mua vào (thực tế không phát sinh doanh số mua vào) sao cho số thuế GTGT phải nộp dưới 10 triệu đồng.

Ngoài ra, khi thấy các Công ty của Tú có dấu hiệu rủi ro, Huế đã thực hiện thủ tục chuyển địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đóng mã số thuế. Cơ quan tố tụng xác định Huế đã tích cực giúp sức cho Tú thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn, hưởng lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số bị cáo được xác định là trung gian (F1) mua bán trái phép hóa đơn cho Tú.

Trong số đó, có Ngô Thị Lệ Thu (SN 1984, ở TP.HCM) bán 2.062 hóa đơn cho 228 đơn vị với tổng doanh số là hơn 108 tỷ đồng. Thu hưởng lợi hơn 240 triệu đồng.

Còn Phan Văn Tân (SN 1991, ở Đồng Tháp) bán 1.504 hóa đơn khống với doanh số hơn 87 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 373 triệu đồng; Huỳnh Nguyễn Gia Huy (SN 1995, ở TPHCM) bán 79 hóa đơn doanh số hơn 24 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 46 triệu đồng.

Ở vụ án này, cơ quan tố tụng làm rõ hành vi trốn thuế của 9 bị cáo là giám đốc, người điều hành công ty…

Đơn cử như bị cáo Phạm Văn Chung (SN 1989, giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Cường Phát) mua 47 hóa đơn của 9 công ty khác trong mạng lưới của Nguyễn Minh Tú với doanh số hơn 25 tỷ đồng. Chung đã trả cho người bán hơn 911 triệu đồng. Cáo buộc thể hiện, Chung đã sử dụng các hóa đơn khống để kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào với Chi cục thuế khu vực Hòa Thành – Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, trốn thuế số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Thông qua đối tượng tên “Tâm” (chưa rõ nhân thân), bị cáo Nguyễn Kim Hùng (SN 1989, giám đốc Công ty cổ phần Dasuka.THC) cũng mua 109 hóa đơn giá trị gia tăng khống của 14 công ty doanh số hơn 25 tỷ đồng, trốn thuế hơn 2 tỷ đồng. 14 công ty này do Tú lập ra để bán hóa đơn khống thông qua các trung gian (F1) có mã khách hàng là “trang.thu”, “tu.thutrang”.

Hoặc như bị cáo Lê Gia Huy (SN 1995, giám đốc Công ty TNHH đầu tư thiết kế xây dựng Hưng Thịnh Phát) chỉ đạo kế toán mua hóa đơn khống từ người có tên là “Tan” mua 73 hóa đơn giá trị gia tăng của 8 công ty với doanh số hơn 21 tỷ đồng, trốn thuế hơn 1,8 tỷ đồng.

Bị cáo Bùi Quốc Tâm (SN 1992, giám đóc Công ty TNHH giải pháp công nghệ sàn Lê Anh) mua 40 hóa đơn của 12 công ty của Tú với doanh số hơn 18 tỷ đồng, trốn thuế hơn 1,6 tỷ đồng…

Tương tự, một số bị cáo khác có hành vi trốn thuế từ vài trăm triệu đồng – hơn 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong vụ án này số lượng bị cáo là giám đốc, kế toán… doanh nghiệp có hành vi mua bán trái phép hóa đơn lên đến 161 người.

Điểm chung đây là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, thường giao dịch hàng hóa, nhân công với các cơ sở nhỏ lẻ để phục vụ kinh doanh nên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Các doanh nghiệp hoạt động đa dạng trong các ngành nghề như dịch vụ ăn uống; kinh doanh thiết bị điện tử, viễn thông; sản xuất nhựa; xây dựng; vận tải hàng hóa…

Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ đã mua, các bị cáo đã tìm mua hóa đơn khống thông qua các trung gian của Nguyễn Minh Tú. Do các công ty này đã kê khai bổ sung loại toàn bộ các hóa đơn khống nên cơ quan điều tra xác định họ phạm tội Mua bán trái phép hóa đơn.

Cáo trạng cho thấy các bị cáo phải trả khoảng 8%-10% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn cho bên bán hóa đơn.

Để hợp thức, các bên phải ra ngân hàng làm thủ tục thanh toán. Khi đó, bên bán sẽ đưa tiền mặt bằng với giá trị thanh toán trên hóa đơn để nộp vào tài khoản công ty mua hóa đơn. Sau đó, bên mua sẽ ký ủy nhiệm chi để chuyển lại tiền đến tài khoản của các công ty phát hành hóa đơn.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hang-tram-giam-doc-ke-toan-dinh-liu-vu-mua-ban-hoa-don-63-000-ty-dong.htm
Zalo