Hàng trăm doanh nghiệp tìm cơ hội kết nối, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu

Hội chợ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội là cơ hội để nhiều doanh nghiệp tìm cơ hội kết nối và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội là hội chợ chuyên ngành quy mô lớn về ngành công nghiệp hỗ trợ, được Thành phố Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017 đến nay. Hội chợ là một trong những hoạt động kết nối giao thương thực sự hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Mở ra cơ hội giao thương quốc tế

Một trong những sự kiện nổi bật trong năm 2024 là Hội chợ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, được tổ chức từ ngày 18 đến 20/9/2024 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên, đã tổ chức thành công từ năm 2017 cho đến nay. Đây cũng là hội chợ chuyên ngành lớn về công nghiệp hỗ trợ, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Hội chợ Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm nay thu hút khoảng 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… tham gia, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Công ty NC Network Việt Nam - Tập đoàn NC Network Nhật Bản, Công ty TNHH Mitutoyo Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn CNCTECH, Công ty Cổ phần Công nghiệp TCI, Công ty Cổ phần giải pháp tự động hóa ETEK, Công ty Cổ phần tập đoàn Kỹ thuật và công nghiệp Việt, Công ty Cổ phần Phần mềm DI GI WIN Việt Nam, Công ty Cổ phần thiết bị và giải pháp cơ khí AUTOMECH, Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên (FOMECO), Công ty Yamaguchi Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội (HPC), Công ty TNHH chế tạo máy EBA, Công ty TNHH RHYTHM PRECISION VIỆT NAM, Công ty TNHH Rhythm Kyoshin Hanoi,...

Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia

Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia

Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ đều là các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...; Đặc biệt trong hội chợ có sự tham gia của gần 40 đơn vị mua hàng đến từ trong và ngoài nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến như Công ty TNHH Tiger Việt Nam; Công ty Panasonic Việt Nam; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV); Công ty TNHH TOTO Việt Nam; Công ty TNHH MUSASHI AUTO PARTS VIỆT NAM; KVK CORPORATION; Công ty TNHH D.I.D VIỆT NAM; FUJIFILM OPTICS CO.,LTD; Công ty điện tử Foster Bắc Ninh; AMFG PTE. LTD.,... giúp cho việc giao thương có trọng điểm, có khả năng thiết lập các hợp đồng thỏa thuận, giao dịch ngay tại Hội chợ.

Hội chợ còn là nơi gặp gỡ, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các đơn vị mua hàng đến từ các tập đoàn lớn như Panasonic Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam, TOTO Việt Nam và KVK Corporation. Các cuộc gặp gỡ và trao đổi trong khuôn khổ hội chợ có khả năng mang lại những hợp đồng thương mại có giá trị, giúp mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp tham gia.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Bên cạnh các hoạt động Hội chợ triển lãm, Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với các tỉnh và thành phố lớn trên thế giới cũng được đẩy mạnh, nhằm học hỏi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội mà còn tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính quyền thành phố tiếp tục cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa nền công nghiệp của Thủ đô.

Theo đại diện của Sở Công Thương Hà Nội, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 5 năm 2021-2025 và đến năm 2030 trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương, các sở ngành, đơn vị liên quan, các Hội, Hiệp hội... trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài vào đầu tư, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế...

Năm 2024, sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu, trình Thành phố ban hành Kế hoạch số 286/KH - UBND ngày 30/11/2023 thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2024. Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 1000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, trong đó có khoảng 35 - 40% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Hiện Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho gần 18 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 162,1 nghìn tỷ đồng, thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 23,1 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Hà Nội cũng đã tổ chức khởi công động thổ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 30/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020, tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh....

Công nghiệp hỗ trợ đang được Hà Nội định hình là mảng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho UBND Thành phố triển khai các quyết định quan trọng như Quyết định số 4303/KH-UBND và Quyết định số 2022/QĐ-UBND. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là phát triển 8 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, gồm: Điện, điện tử; Công nghệ thông tin và kinh tế số; Hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; Cơ khí chế tạo; Chế biến nông sản và thực phẩm; Dệt may, da giày cao cấp; Vật liệu xây dựng; Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, công nghiệp nông thôn.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hang-tram-doanh-nghiep-tim-co-hoi-ket-noi-tham-gia-vao-chuoi-san-xuat-toan-cau-366317.html
Zalo