Hàng tỉ cành hoa Đà Lạt chuẩn bị ra thị trường Tết, hoa Trung Quốc thất thế

Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, từ giai đoạn này trở đi, giá hoa phục vụ Tết dự báo sẽ tăng. Trong đó, một số giống hoa mới như calla lily sẽ tăng 10%-20% để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng.

Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng hoa ở các địa phương như Đà Lạt (Lâm Đồng), thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) đều sẵn sàng tung ra thị trường hàng triệu chậu hoa cúc, vạn thọ... để phục vụ nhu cầu trang trí Tết của người tiêu dùng.

Đà Lạt cung ứng hơn 1,7 tỉ cành hoa phục vụ Tết 2025

Đà Lạt là một trong những địa phương có diện tích trồng hoa lớn nhất cả nước. Phần lớn hoa được tiêu thụ tại TP.HCM với hơn 2 tỉ cành các loại mỗi năm.

Ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cho biết diện tích gieo trồng hoa vụ Đông Xuân 2024-2025 ước đạt 4.189 ha, tương đương hơn 1,7 tỉ cành, tăng 12% về diện tích và sản lượng so với vụ Đông Xuân năm trước. Các loại hoa được bà con ưa chuộng sản xuất, kinh doanh trong mùa Tết năm nay là hoa cúc, lay ơn, lily, cẩm chướng...

Dự đoán nhu cầu tiêu thụ hoa Tết, ông Hưng cho rằng hiện nay trên cả nước nhiều địa phương đã trồng được hoa, nhất là hoa chậu. Đồng thời, tùy vào tình hình kinh tế từng địa phương mà nhu cầu tiêu thụ hoa trong dịp Tết sẽ khác nhau. Vì vậy, năm nay rất khó đưa ra dự báo.

Bà Trần Thị Trúc Phương, Giám đốc Hợp tác xã Cây giống và hoa kiểng Cái Mơn (Bến Tre), thông tin năm nay hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 chậu hoa cúc mâm xôi và vạn thọ. Sản lượng sản xuất hoa năm nay bằng với năm ngoái do bà con lo ngại tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm. Song song đó, người trồng hoa lo ngại bị xâm nhập mặn, chất lượng hoa không đảm bảo nên không sản xuất nhiều.

Theo bà Phương, hợp tác xã chủ yếu bán cho các mối sỉ ở miền Đông, Tây Nguyên, Hà Nội. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, tốn chi phí và công chăm sóc kỹ hơn nhưng bà con giữ giá như năm ngoái. Theo đó, hoa cúc mâm xôi cỡ lớn giá 180.000-190.000 đồng/cặp, vạn thọ giá 100.000-110.000 đồng/cặp (chậu 5 cây).

“80%-90% cúc mâm xôi của hợp tác xã được thị trường Hà Nội tiêu thụ, còn lại bán cho thị trường TP.HCM và các địa phương khác. Trước Tết Tây, cúc mâm xôi đã được vận chuyển ra thị trường Hà Nội”, bà Phương chia sẻ.

Ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã Bình An (Cần Thơ), nhận xét do sức mua thị trường giảm nên những năm gần đây, hợp tác xã không sản xuất quy mô lớn. Theo đó, năm nay hợp tác xã chuẩn bị khoảng 3.000 chậu hoa các loại, sản lượng bằng với năm ngoái. Năm nay, hợp tác xã sản xuất thêm một số sản phẩm mới như mâm xôi Hàn Quốc nhiều màu sắc, cúc màu đỏ giống Đài Loan... với nhiều kích cỡ để phù hợp với nhu cầu của người dân.

Theo ông Bốn, năm nay thời tiết thất thường, hoa khó trồng, dễ bị bệnh nên tốn tiền mua thuốc điều trị. Vì vậy, chi phí đầu vào sản xuất hoa tăng khoảng 20% nhưng nhà vườn không tăng giá. “Năm ngoái, hợp tác xã bán 600.000-700.000 đồng/cặp mâm xôi Hàn Quốc, năm nay dự kiến vẫn với mức giá đó, chúng tôi mong là giá đừng giảm”, ông Bốn nói.

Theo ông Bốn, thời điểm này có khoảng 30% đơn đặt hàng, chủ yếu là một số địa phương xung quanh, điểm du lịch đặt hoa phục vụ cho trang trí đường hoa.

 Nhà vườn hoa Chợ Lách. BTC lễ hội hoa kiểng Chợ Lách

Nhà vườn hoa Chợ Lách. BTC lễ hội hoa kiểng Chợ Lách

Chi phí trồng hoa tăng cao

Về giá cả, ông Hưng cho rằng hai năm trở lại đây, giá thành sản xuất hoa tăng lên khoảng 20%. Trước đây, chi phí trồng hoa cúc khoảng 50 triệu đồng/sào nhưng hiện nay là 60-70 triệu đồng/sào.

Hay đối với hoa ly ly, hoa lay ơn, doanh nghiệp phải nhập khẩu giống từ nước ngoài nhưng nguồn cung giống khan hiếm dẫn đến giá tăng, cộng thêm chi phí logistics, công người lao động... cũng tăng, đẩy giá thành sản xuất hoa tăng cao.

Tuy nhiên, người nông dân không thể tăng giá bán lẻ do hoa qua nhiều khâu trung gian. “Giá hoa từ trang trại đến tay người tiêu dùng tăng gấp đôi, đây là nghịch lý lâu nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Hưng nói.

Ngoài ra, ông Hưng cho biết thêm, quy luật của thị trường là từ tháng 11 đến cuối tháng 12, do nhu cầu thị trường tiêu thụ chậm nên giá hoa ngay tại vườn giảm mạnh từ 4.000-8.000 đồng/chục tùy loại (trừ hoa hồng).

Tuy nhiên, từ giai đoạn này trở đi, hoa phục vụ Tết sẽ tăng giá. Trong đó, một số giống hoa mới như calla lily... sẽ tăng 10%-20% để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng.

Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, thông thường vào dịp Tết, chi phí vận chuyển hoa từ Đà Lạt đến các địa phương đều tăng giá. Chẳng hạn, từ TP.HCM ra Hà Nội dịp Tết tăng từ 250.000- 300.000 đồng/thùng hoa.

“Do đó, chúng tôi vận động các nhà xe là thành viên trong hiệp hội có chính sách giá phù hợp, giúp hoa Đà Lạt khi đến các tỉnh không bị đội giá quá cao”, ông Hưng nói.

Thông tin từ Phòng Kinh tế Thành phố Sa Đéc, năm nay diện tích xuống giống hoa kiểng phục vụ Tết khoảng 100 ha gồm cúc các loại, hồng các loại, mai, cát tường, vạn thọ, lan... Trong đó, hoa cúc mâm xôi vàng khoảng 75 ngàn chậu, cúc mâm xôi nhiều màu 100 ngàn chậu...

Đặc biệt, Tết năm 2025, thành phố Sa Đéc phát triển thêm các loại kiểng ăn trái như cây nho, nhóm cây có múi khác.

Đồng thời, để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán, thành phố đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND xã, phường không tăng diện tích xuống giống so với các năm trước. Điều này nhằm tránh tình trạng tồn hàng, khó tiêu thụ, sản xuất vừa phải để tập trung phát triển chất lượng cây hoa, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 Cuối tháng 12-2024 trang trại YSA Orchid (Đà Lạt) tất bật chuyến hoa đầu tiên ra phía Bắc phục vụ thị trường Tết. Ảnh: THANH SANG

Cuối tháng 12-2024 trang trại YSA Orchid (Đà Lạt) tất bật chuyến hoa đầu tiên ra phía Bắc phục vụ thị trường Tết. Ảnh: THANH SANG

Hoa Trung Quốc chỉ có thể cạnh tranh phân khúc thấp

Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Lại Thế Hưng nhận định, thông thường hoa hồng, hoa ly ly, lan hồ điệp của Trung Quốc vẫn được nhập khẩu vào thị trường các thành phố lớn của Việt Nam. Dịp Tết, dự báo sản lượng nhập khẩu các loại hoa, cây kiểng từ Trung Quốc sẽ tăng, tất nhiên cũng dẫn đến sự cạnh tranh với ngành sản xuất hoa trong nước.

Ông Hưng dẫn chứng, ngay tại xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, cây trang trí, hoa hồng, ly ly, lan hồ điệp có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng thâm nhập thị trường.

Nguyên nhân là do có một số mặt hàng Việt Nam chưa trồng nhiều như hoa thanh liễu, mai, đào... Bên cạnh đó, giá cả các loại hoa Trung Quốc rẻ hơn khoảng 30% so với hoa Đà Lạt sản xuất.

Tuy hoa, cây kiểng của Trung Quốc có công nghệ bảo quản tốt nhưng như lan hồ điệp chỉ trang trí khoảng một tháng, trong khi hoa Đà Lạt chất lượng hơn, có tuổi thọ dài hơn.

“Nhìn chung, hoa Đà Lạt chiếm ưu thế về chất lượng, tuổi thọ so với hàng Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất hoa Trung Quốc chỉ có thể thâm nhập vào phân khúc cấp thấp của thị trường, còn phân khúc chất lượng cao thì không thể chen chân”, ông Hưng nói.

Đặc sắc lễ hội hoa - kiểng huyện Chợ Lách

Từ ngày 8-1 đến 12-1, tại Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre diễn ra lễ hội hoa - kiểng huyện Chợ Lách.

Tại lễ hội còn có không gian văn hóa sinh vật cảnh huyện Chợ Lách, quy tụ hàng ngàn nghệ nhân cây kiểng, bonsai tại địa phương, các tỉnh, thành tham gia thi và trưng bày hai loại hình mai vàng và bonsai.

Lễ hội ra mắt không gian phiên chợ livestream Hoa- Kiểng, do chính những nông dân Chợ Lách thực hiện sáng tạo nội dung, trực tiếp bán hàng livestream với sự đồng hành của các KOLs, doanh nghiệp công nghệ và logistics...

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-ti-canh-hoa-da-lat-chuan-bi-ra-thi-truong-tet-hoa-trung-quoc-that-the-post828338.html
Zalo