Hàng rong 'bủa vây' khu trung tâm TPHCM

Theo phản ánh của bạn đọc đến Đường dây nóng Báo SGGP, thời gian gần đây, nhất là dịp lễ, tết, người bán hàng rong 'đổ bộ' vào khu vực trung tâm TPHCM, nhất là trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, khu vực trước Nhà hát Thành phố. Việc chèo kéo bán hàng không những gây phiền hà cho du khách mà còn làm xấu bộ mặt của thành phố.

Hàng rong “tung hoành”

Những ngày này, người dân thành phố, du khách đến khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, chợ Bến Thành… đông hơn để mua sắm, vui chơi. Đây cũng là lúc những người bán hàng rong từ các nơi đổ dồn về khu trung tâm thành phố để bán hàng, mưu sinh. Đội quân bán hàng rong không những bày bán trên vỉa hè, mà còn chạy theo du khách mời chào mua hàng, gây phiền toái cho người đi đường, du khách.

 Nhiều người bán hàng rong đứng mời chào khách trên góc phố Lê Lợi - Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM

Nhiều người bán hàng rong đứng mời chào khách trên góc phố Lê Lợi - Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM

Tại góc phố Lê Lợi - Nguyễn Huệ (quận 1), một nhóm 3 người bán hàng rong dàn hàng ngang để “đón lõng” khách đi đường. Hàng hóa đặt trên kệ nhỏ, xe đẩy tự chế với đủ các chủng loại, từ kính đeo mắt, lược chải đầu, que ngoáy tai, nón đến vòng phong thủy đeo tay, đeo cổ… Hầu hết hàng hóa không có nguồn gốc. Mỗi khi có người đi qua, họ lại bước ra chắn ngang, mời chào mua hàng. Với khách du lịch nước ngoài, người bán hàng càng mạnh bạo hơn, miệng vừa nói, tay đã đeo kính, đội nón lên đầu khách. Nhiều người nước ngoài ái ngại, cố bước đi thật nhanh để tránh bị níu giữ.

Những người bán trái cây thì chất đầy hàng lên chiếc xe máy cũ, từ sầu riêng, măng cụt, cam quýt đến dưa, dừa… Dựng xe lên vỉa hè, người bán hàng đon đả mời chào khách mua hàng. Khi có người mua, họ ngồi trên vỉa hè bổ sầu riêng, chặt dừa để kịp giao liền cho khách.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Phúc (từ TP Nha Trang vào TPHCM du lịch) nhận xét: “Trung tâm thành phố hiện đại, sạch sẽ nhưng quá lộn xộn. Lòng đường Lê Lợi được ngăn lại để tổ chức sự kiện, triển lãm giới thiệu hàng hóa, xe cộ chen chúc nhau. Trên vỉa hè, người bán hàng rong bày bán hàng, đi lại cũng khó. Những người bán hàng rong không đứng một chỗ mà thường xuyên di chuyển trên xe cồng kềnh, hoặc mang vác hàng hóa lủng lẳng, đeo bám người đi đường. Vừa mới thấy xe bán trái cây trước chợ Bến Thành, lúc sau xe này đã xuất hiện trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mỗi nơi, người bán hàng dừng chừng 20-30 phút rồi di chuyển sang điểm khác, nên số lượng không nhiều nhưng tạo cảm giác đi đâu cũng gặp người bán hàng rong”.

Khó kiểm soát

Bán hàng rong là công việc mưu sinh của không ít người, nhưng không thể vì mưu sinh mà bất chấp các quy định của pháp luật. Anh Nguyễn Hà, một hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ: “Mỗi lần dẫn khách vào khu trung tâm đều gặp nhiều phiền phức. Từ người đánh giày, đến phụ nữ bế con nhỏ xin ăn, người bán đồ lưu niệm... cứ níu kéo khách”.

Trước Bưu điện TPHCM, một địa điểm tham quan nổi tiếng, hàng ngày cũng có nhiều người bán đủ thứ đồ lưu niệm, quần áo, nón, túi xách, khăn choàng... đeo bám khách từ lúc xuống xe đến lúc kết thúc buổi tham quan. Tại các điểm tham quan khác như chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Dinh Độc Lập, Bảo tàng TPHCM..., mặc dù bảng cấm hàng rong được đặt khắp nơi nhưng những người bán nước dừa, quần áo, đồ lưu niệm vẫn hiện diện.

Những người bán hàng rong trên các tuyến đường ở trung tâm thành phố gây mất trật tự, làm phiền du khách, người đi đường, nhưng việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Họ thường đi bộ, một số sử dụng xe máy nên cơ động, dễ lẩn trốn lực lượng bảo vệ. Người bán hàng rong thoắt ẩn thoắt hiện, những lúc vắng bóng nhân viên bảo vệ, đội quân bán hàng rong từ khu vực xung quanh đổ về trung tâm. Khi lực lượng công an xuất hiện, người bán hàng rong gọi điện thông báo với nhau, rồi nhanh chóng tỏa ra các khu vực xung quanh. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý khu vực trung tâm lại chưa rõ ràng.

Theo ông Lê Nguyễn Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM), tháng 10-2024, UBND TPHCM đã có quyết định thành lập Trung tâm Quản lý phố đi bộ và các công viên. Tuy nhiên, hiện nay phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn thuộc Trung tâm Quản lý hạ tầng (Sở Xây dựng TPHCM) quản lý và vận hành. Theo dự kiến, đầu năm 2025, hai đơn vị mới tiến hành bàn giao trách nhiệm quản lý. Trong thời gian chờ chuyển giao, UBND quận 1 vẫn tiếp tục giao các lực lượng như công an quận, phường Bến Nghé... tiếp tục xử lý vi phạm về buôn bán hàng rong, chèo kéo khách.

Thời gian qua, Công an phường Bến Nghé, quận 1 đã tạm giữ và lập hồ sơ ban đầu, cho người bán hàng cam kết không buôn bán hàng rong. Đồng thời, phát hành thông báo về địa phương nơi cư trú, phối hợp giáo dục những người buôn bán hàng rong. Dù nhiều biện pháp đã được áp dụng nhưng chưa đủ sức răn đe, do đó người bán hàng rong không sợ và nạn chèo kéo khách du lịch, người đi đường vẫn tái diễn.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hang-rong-bua-vay-khu-trung-tam-tphcm-post776204.html
Zalo