Hàng rào và cánh cửa

Liên minh châu Âu (EU) đang tỏ ra quyết tâm và quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề người di cư, một chủ đề cũ bất ngờ nóng trở lại trong thời gian gần đây.

Người di cư được giải cứu khi chiếc thuyền chở họ gặp sự cố trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Người di cư được giải cứu khi chiếc thuyền chở họ gặp sự cố trong hành trình vượt eo biển Manche từ Pháp tới Anh. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Nhưng làm thế nào để vừa ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, đối xử thỏa đáng với những người bị từ chối đơn xin tị nạn, tiếp nhận người tị nạn một cách hợp lý, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trên khắp “Lục địa già”? Theo cách nói của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, nếu EU muốn xây “một hàng rào lớn” thì đồng thời cũng cần mở ra “một cánh cửa lớn”.

Trong thông báo kết luận Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17/10, Hội đồng châu Âu (EC) đã tóm lược 13 chủ đề được thảo luận, trong đó vấn đề di cư được xếp thứ sáu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề di cư mới là chủ đề trọng tâm và thu hút mọi “năng lượng” của hội nghị, buộc các nhà lãnh đạo EU phải thảo luận “chuyên sâu” sau khi lượt qua các chủ đề về Ukraine, Trung Đông hay năng lực cạnh tranh của khối. Giới phân tích cho rằng EC đã phải “khuất phục” trước áp lực từ các quốc gia thành viên nhằm tìm ra giải pháp cho tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Trước hội nghị, chính phủ nhiều nước thành viên EU gây sức ép đối với Brussels. 17 nước thành viên EU kêu gọi "thay đổi mô hình" trong chính sách di cư của khối, tăng cường biên giới bên ngoài và thắt chặt triệt để các thủ tục hồi hương đối với những người bị từ chối đơn xin tị nạn. Tiếp đến, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, một chính trị gia vốn được đánh giá là trung dung, kêu gọi EU đình chỉ quyền tị nạn, coi đây là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư từ biên giới phía Đông đất nước ông. Ngay trước thềm hội nghị tại Brussels, lãnh đạo 11 nước EU đã tham dự cuộc họp nhóm do Italy, Đan Mạch và Hà Lan tổ chức để thảo luận về "các giải pháp sáng tạo".

Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof khẳng định hiện đang có “một tâm trạng khác” ở châu Âu về vấn đề di cư. Theo giới phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi tâm trạng này là việc các đảng dân túy và cực hữu, vốn có quan điểm cứng rắn trong vấn đề di cư, giành chiến thắng trong hàng loạt cuộc bầu cử ở châu Âu, trong đó có cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, các cuộc bầu cử khu vực ở Hà Lan, Đức, Áo, CH Séc...Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, thành viên đảng Dân chủ Xã hội có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, đánh giá nhiều người châu Âu đã “chán ngấy” việc phải giúp đỡ những người đến từ ngoài châu lục nhưng đang phạm tội và bị cực đoan hóa. Nhà lãnh đạo quốc gia Bắc Âu này kêu gọi EU phải giới hạn số lượng người mà liên minh có thể giúp đỡ. Ngay cả nước Đức, vốn có chính sách cởi mở đối với người nhập cư, cũng đang thay đổi sau khi đảng cực hữu AfD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương. Kết quả bầu cử đã gây áp lực đối với liên minh cầm quyền ở Berlin, buộc Chính phủ Đức phải nhanh chóng khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời để xoa dịu phe cánh hữu.

Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại điểm kiểm soát ở Kiefersfelden, biên giới Đức - Áo. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện tại điểm kiểm soát ở Kiefersfelden, biên giới Đức - Áo. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

Cùng với Đức, 7 quốc gia khác trong khối Schengen đã tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới bằng việc viện dẫn các mối đe dọa khủng bố và hệ thống tị nạn quá tải. Bên cạnh đó, những câu chuyện tiêu cực về người nhập cư cũng tạo áp lực dư luận không nhỏ đối với các xã hội sở tại. Giám đốc Viện nghiên cứu Di cư của Hungary Viktor Marsai đánh giá châu Âu đang bị quá tải với số lượng người nhập cư bất hợp pháp, tình hình thậm chí được cho là không thể kiểm soát ở một số quốc gia. Ông dẫn chứng số liệu hiện có 3,5 triệu người tị nạn, người xin tị nạn và những người được bảo vệ tạm thời tại Đức. Trong số những người đến nước Đức trong giai đoạn 2015-2016, chỉ có khoảng 50% tìm được việc làm.

Trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU kêu gọi tăng cường hành động và kiểm soát biên giới bên ngoài của EU; tăng cường hợp tác với các nước xuất phát của người di cư và các nước trung chuyển để giải quyết nguyên nhân gốc rễ, chống nạn buôn người, ngăn ngừa tổn thất sinh mạng và những hành trình bất hợp pháp; đẩy nhanh việc hồi hương. EU nhấn mạnh thêm rằng các con đường an toàn và hợp pháp phù hợp với năng lực quốc gia là chìa khóa cho di cư thường xuyên và có trật tự, đồng thời kêu gọi những cách thức mới để ngăn ngừa và chống lại nhập cư bất hợp pháp, tuân theo luật pháp EU và quốc tế.

Trong số các giải pháp được tính tới, việc đẩy nhanh hồi hương người nhập cư bất hợp pháp, người bị từ chối xin tị nạn được coi là then chốt. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhắc tới ý tưởng về “quốc gia thứ ba an toàn”, ám chỉ mô hình hợp tác hiện nay giữa Italy và Albania. Theo thỏa thuận, Tirana đã đồng ý để mỗi năm, Rome gửi tối đa 36.000 người di cư nam bị chặn ở vùng biển quốc tế đến 2 trung tâm xử lý tị nạn ở miền Bắc Albania. Tại đây, những người di cư sẽ được xử lý nhanh đơn xin tị nạn và bị trục xuất nếu không thành công. Hà Lan cũng đang tìm cách đưa những người xin tị nạn bị từ chối đến Uganda.

Mô hình hợp tác giữa Italy và Albania hay phương án của Hà Lan không có gì mới mẻ. EU và các quốc gia thành viên đã có những thỏa thuận riêng lẻ với các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Libya nhằm ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu ngay từ điểm xuất phát hoặc nước trung chuyển. Mô hình tương tự cũng từng được Vương quốc Anh áp dụng với chương trình Rwanda. Theo chương trình này, Chính phủ Anh thuê máy bay đưa người nhập cư trái phép đã đến Anh sang Rwanda. Tại quốc gia Đông Phi, người di cư được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn. Nếu được chấp thuận, người xin tị nạn sẽ được phép định cư ngay tại Rwanda hoặc một quốc gia khác không phải Anh. Chương trình Rwanda đã bị Tòa án Tối cao Anh tuyên bố là “bất hợp pháp” và Rwanda không thể được coi là “quốc gia thứ ba an toàn”.

Những tranh cãi trong EU đã nổ ra dù mô hình hợp tác Italy-Albania chưa chính thức được ban lãnh đạo liên minh coi là “hình mẫu”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá mô hình này không thực sự mang đến giải pháp cho một quốc gia rộng lớn như Đức với gần 300.000 người nhập cư trái phép trong năm 2023. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thẳng thắn bày tỏ không ủng hộ vì cho rằng mô hình của Italy tạo ra nhiều vấn đề hơn. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Tây Ban Nha kêu gọi hợp tác với các quốc gia xuất phát để đảm bảo di cư diễn ra "có trật tự, an toàn và bình đẳng". Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng “những trung tâm di cư” chưa từng chứng minh được hiệu quả trong khi quá tốn kém. Điều này cũng được chính những người Italy lên tiếng khi các đảng đối lập tuyên bố thỏa thuận với Albania “hoàn toàn thất bại”. Trong số 16 người di cư được đưa sang Albania ngày 16/10, 4 người đã được đưa trả lại Italy. Riêng chi phí để đưa 16 người di cư từ đảo Lampedusa của Italy đến cảng Shengjin của Albania đã lên tới 250.000 euro. Tổng ngân sách Italy dự kiến cho chương trình hợp tác với Albania trong 5 năm được cho là lên tới 1 tỷ euro.

Bản thân các nước được EU coi là “quốc gia thứ ba an toàn” cũng không sẵn sàng hợp tác. Thủ tướng Albania Edi Rama nhiều lần nhấn mạnh các trung tâm tại nước này chỉ dành riêng cho Italy. Từ năm 2018, nhiều nước Bắc Phi cũng đã từ chối các kế hoạch cho EU đặt các trung tâm xử lý người di cư. Bên cạnh đó, hiện có nhiều tiếng nói phản đối các biện pháp cứng rắn như đình chỉ quyền tị nạn vì cáo buộc biện pháp này vi phạm luật pháp EU, luật pháp quốc tế, đi ngược lại các giá trị mà EU luôn đề cao.

Người di cư tại Tompa, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư tại Tompa, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kế hoạch, EU sẽ áp dụng Hiệp ước mới về di cư và tị nạn từ tháng 6/2026, trong đó nội dung chủ chốt là các biện pháp cứng rắn song hành với chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, chỉ có thể coi đây là một bản kế hoạch tổng thể mang tính định hướng. Các biện pháp cụ thể sẽ cần thêm nhiều thời gian để thảo luận và đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên, một bài toán khó chưa có lời giải trong nội bộ EU. Khi chưa có các giải pháp ở cấp độ châu Âu, nhiều quốc gia thành viên EU đã và đang có bước đi riêng ngày càng cứng rắn hơn. Ông Mitsotakis, Thủ tướng Hy Lạp, một quốc gia “tuyến đầu” của EU trong vấn đề người di cư, nhắc nhở: “Nếu bạn muốn xây một hàng rào lớn, bạn cũng cần một cánh cửa lớn”. Ông đặt câu hỏi rất thực tế rằng: “Ai sẽ hái ôliu của chúng ta?” và nhấn mạnh châu Âu đang cần lao động.

Trong nghiên cứu được công bố hồi tháng 5 vừa qua, các nhà kinh tế thuộc Đại học Leiden của Hà Lan kết luận người di cư đóng góp tích cực cho nhiều nền kinh tế châu Âu. Với tình trạng già hóa của dân số ở các quốc gia thành viên EU, vai trò của người nhập cư ngày càng trở nên quan trọng. Nghiên cứu này thậm chí còn cho rằng “không có cuộc khủng hoảng di cư nào cả” và châu Âu cần phải cân nhắc lợi ích kinh tế trong chính sách di cư của mình.

Ngọc Biên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hang-rao-va-canh-cua-20241020094323391.htm
Zalo