Hàng nhập khẩu giá trị nhỏ không được miễn thuế VAT từ ngày 18/2

Việc bãi bỏ miễn thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ ước tính số thu ngân sách Nhà nước có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng.

Tổng cục Hải quan thông tin về việc triển khai thu thuế giá trị gia tăng theo Quyết định số 01 ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, kể từ ngày 18/2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ không còn được hưởng chính sách miễn thuế giá trị gia tăng. Quyết định số 01 chính thức bãi bỏ Quyết định số 78 ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Bãi bỏ để phù hợp tình hình mới

Theo Tổng cục Hải quan, Quyết định số 78 trước đây nhằm tạo điều kiện cho việc giao thương quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các quy định của pháp luật về thuế, sự phát triển của thương mại điện tử và thông lệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với tình hình mới.

Điều đáng chú ý là cả Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành và Luật Thuế giá trị gia tăng số 48 vừa được Quốc hội thông qua đều không có quy định về miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp. Điều này tạo ra sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật và ảnh hưởng đến việc quản lý thu thuế.

Việc bãi bỏ miễn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ ước tính số thu ngân sách Nhà nước có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng.

Việc bãi bỏ miễn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ ước tính số thu ngân sách Nhà nước có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng.

Trước đó vào ngày 11/11/2024, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 291 về dự thảo Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78. Ngày 12/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218 trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định tại Quyết định này.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định tại Quyết định theo đúng yêu cầu đồng thời đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc bãi bỏ Quyết định số 78 ước tính số thu ngân sách Nhà nước có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng. Quy định mới tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ sẽ thu thuế ra sao?

Về chính sách thuế và hải quan, theo Quyết định số 01, từ ngày 18/2/2025, hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp sẽ không còn được miễn thuế GTGT. Việc kê khai và nộp thuế sẽ thực hiện theo Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Cơ quan hải quan sẽ căn cứ vào tờ khai hải quan và bảng kê chi tiết của doanh nghiệp chuyển phát nhanh để xác định số thuế phải nộp. Việc khai báo sẽ được thực hiện thông qua hệ thống thông quan hàng hóa tự động-VNACCS (đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường không và đường biển) hoặc tờ khai giấy (đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt).

Tuy nhiên, do hệ thống VNACCS chưa có chức năng tự động tính thuế GTGT đối với hàng giá trị thấp, các doanh nghiệp sẽ phải tự tính thuế và khai báo với cơ quan hải quan. Tổng cục Hải quan đang làm việc với các nhà thầu công nghệ để cập nhật hệ thống, nhưng dự kiến cần ít nhất 4 tuần để hoàn tất việc điều chỉnh phần mềm.

Về thách thức trong quá trình triển khai, cơ quan hải quan nhận định: "Mặc dù việc thu thuế GTGT đối với hàng giá trị nhỏ mang lại nhiều lợi ích về ngân sách và công bằng thương mại, nhưng quá trình triển khai sẽ gặp không ít khó khăn".

Theo đó, đối với doanh nghiệp, các công ty chuyển phát nhanh sẽ phải cập nhật hệ thống tính thuế và làm quen với quy trình kê khai mới. Điều này có thể làm tăng chi phí vận hành và kéo dài thời gian xử lý đơn hàng.

Đối với người tiêu dùng, người mua hàng từ nước ngoài có thể phải trả thêm thuế GTGT, làm tăng giá thành sản phẩm. Một số mặt hàng trước đây có giá rẻ do miễn thuế có thể không còn hấp dẫn như trước.

Còn đối với cơ quan hải quan, việc thu thuế GTGT đối với hàng giá trị thấp sẽ tạo thêm khối lượng công việc đáng kể, đặc biệt khi hệ thống quản lý thuế chưa được nâng cấp hoàn chỉnh. Trong thời gian chờ hệ thống tự động hóa, các cán bộ hải quan sẽ phải kiểm tra và xác nhận thuế theo phương thức thủ công, làm tăng áp lực công việc.

Tuy nhiên, cơ quan hải quan khẳng định chính sách bãi bỏ miễn thuế GTGT đối với hàng giá trị nhỏ không chỉ nhằm tăng nguồn thu ngân sách, mà còn phù hợp với định hướng của Chính phủ về cải cách thuế.

Việc thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp cũng góp phần bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi hàng nhập khẩu không còn lợi thế về giá do miễn thuế, các sản phẩm nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn. Điều này cũng hỗ trợ thực hiện Chỉ thị 03 của Ban Bí thư về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

"Mặc dù chính sách mới có thể gây ra một số khó khăn ban đầu, nhưng về lâu dài, đây là bước đi cần thiết để hoàn thiện hệ thống thuế, tạo môi trường kinh doanh công bằng và phù hợp với xu hướng quốc tế", lãnh đạo ngành hải quan nhận định.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hang-nhap-khau-gia-tri-nho-khong-duoc-mien-thue-vat-tu-ngay-18-2-204250216104059267.htm
Zalo