Hàng nghìn thực tập sinh nước ngoài mất tích ở Nhật
Một bộ phận các thực tập sinh đã phải làm các công việc bất hợp pháp do những quy định hiện tại không cho phép họ chuyển đổi công việc hiện tại sang hướng phù hợp với nguyện vọng.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Nhật Bản, có tới 9.753 lao động nước ngoài tham gia chương trình thực tập sinh của nước này đã mất tích vào năm ngoái, tăng 747 người so với năm 2022. Điều này buộc quốc gia Đông Á phải thúc đẩy việc cải cách hệ thống đào tạo nhằm tạo ra môi trường thoải mái hơn cho các thực tập sinh.
Tổng số có khoảng 68.000 thực tập sinh đã mất tích từ năm 2012 đến năm 2022, theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Nhập cư mà Nikkei Asia thu thập. Khoảng 46.000 người trong số đó được xác nhận đã rời khỏi đất nước.
Hiện tại, chương trình không cho phép người tham gia thay đổi công việc trong vòng ba năm với mục đích đảm bảo sự ổn định và hiệu quả trong chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, điều này thường buộc những người không hài lòng với nơi làm việc hiện tại phải chuyển sang làm những công việc bất hợp pháp. Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi lạm dụng, bóc lột lao động.
Theo một số nguồn tin, vào năm 2027, Chính phủ Nhật Bản sẽ triển khai chương trình đào tạo mới cho phép thực tập sinh thay đổi công việc sau hai năm làm việc.
Còn theo chương trình hiện tại, dù Cơ quan Dịch vụ Di trú cho phép các thực tập sinh có thể chuyển công việc nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng, việc áp dụng gặp khó khăn do cơ quan này chưa nêu rõ hoàn cảnh cụ thể.
Vào mùa Thu năm nay, một số quy định sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thực tập sinh nước ngoài, như: người lao động nghỉ việc do bị lạm dụng thể chất, xúc phạm danh dự, quấy rối tình dục, bắt nạt, hành vi vi phạm quyền lợi thai sản. Điều này sẽ áp dụng cho những thực tập tại nơi làm việc xảy ra hành vi này, ngay cả khi họ không phải là nạn nhân trực tiếp.
Những quy định mới cũng sẽ cho phép thực tập sinh tìm việc làm tạm thời trong thời gian chờ đơn xin chuyển việc, ngay cả khi đó không phải ngành nghề đang được đào tạo. Việc những quy định hiện tại không cho phép thực tập sinh làm các công việc tạm thời khiến một số người phải chọn những công việc bất hợp pháp để mưu sinh.
Jiho Yoshimizu, người đứng đầu hiệp hội hỗ trợ Nhật -Việt Tomoiki, cho biết: "Việc tích cực hỗ trợ các thực tập sinh đang rơi vào hoàn cảnh việc làm bất lợi có thể giúp hạn chế tình trạng mất tích".
Ông cho biết các thực tập sinh cần phải trau dồi thêm kỹ năng tiếng Nhật nhằm gia tăng cơ hội tìm kiếm các công việc ổn định.