Hàng loạt cơ sở thu mua, chế biến gỗ trái phép tái diễn hoạt động

Sau bài viết 'Tái diễn thu mua, chế biến gỗ trái phép ở Thanh Hóa', chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin phản ánh, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn ra tình trạng tương tự… Dường như, mọi chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và chính quyền các huyện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Qua thực tế ghi nhận và tìm hiểu của phóng viên, hoạt động thu mua, chế biến gỗ rừng trồng trái phép ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hai hình thức chính. Một là, các hộ cá thể sử dụng đất ở, đất nông nghiệp, lâm nghiệp lắp đặt cân tiện tử, thu mua gỗ, tập kết thành bãi, sau đó vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ...

Hai là, các cơ sở sử dụng đất ở, đất nông nghiệp, lâm nghiệp xây dựng nhà xưởng quy mô lớn, chưa đảm bảo các điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn đầu tư máy móc, thu mua gỗ rừng trồng rồi bóc vỏ, băm dăm mang đi tiêu thụ… Hoạt động của các cơ sở trên cho thấy về phương diện nào đó, người trồng gỗ rừng thuận tiện trong việc tiêu thụ hàng hóa nhưng về sâu xa tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở trái phép và các cơ sở được Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư để xây dựng.

Thời điểm phóng viên ghi nhận, cơ sở vừa thu mua vừa chế biến gỗ của ông Dương Đình Sơn (thôn Bái Thất, xã Xuân Phúc) vẫn đang hoạt động.

Thời điểm phóng viên ghi nhận, cơ sở vừa thu mua vừa chế biến gỗ của ông Dương Đình Sơn (thôn Bái Thất, xã Xuân Phúc) vẫn đang hoạt động.

Trước tình hình trên, để siết chặt, quản lý hoạt động thu mua, chế biến gỗ rừng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương tổng kiểm tra, rà soát, phân loại từng hộ cá thể, từng cơ sở báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, đến cuối năm 2024, gần như các hộ cá thể, các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã được kiểm tra, lập biên bản xử vi phạm, yêu cầu đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, trật tự trên không duy trì được lâu, sau một thời gian “ẩn mình”, nay các cơ sở trái phép đã tái diễn hoạt động, bất chấp các quy định của pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cá biệt, có những cơ sở được hình thành, đi vào hoạt động ngay sau thời điểm các cơ quan chức năng tổng kiểm tra, rà soát. Điển hình là cơ sở thu mua, chế biến gỗ, băm dăm được hình thành trên khu đất rộng hơn 1.200m2 của ông Nguyễn Hải Sơn (xóm Đồng Đang, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc).

Được biết, khu đất này ông Nguyễn Hải Sơn đã cho ông Nguyễn Đồng (TP Thanh Hóa) thuê lại, xây dựng nhà xưởng thu mua, chế biến gỗ. UBND xã Nguyệt Ấn đã lập biên bản, yêu cầu tạm dừng hoạt động nhưng cơ sở này vẫn không chấp hành. Thời điểm phóng viên ghi nhận, hoạt động thu mua gỗ rừng trồng và băm dăm vẫn diễn ra công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”. Tương tự, cơ sở thu mua gỗ rừng trồng của bà Bùi Thị Liệu ở thôn Pheo, xã Nguyệt Ấn dù đã bị kiểm tra, xử phạt, yêu cầu đình chỉ hoạt động trước đó nhưng nay vẫn chưa dừng hẳn.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Linh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ngọc Lặc, cho hay: Sau khi tổng kiểm tra, rà soát, UBND huyện đã xử lý các cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động. Đồng thời, UBND huyện cũng giao trách nhiệm cho UBND các xã giám sát, không để các cơ sở trái phép tiếp tục hoạt động. Nếu để tái diễn, không có biện pháp ngăn chặn, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương các xã, ông Linh cho biết thêm.

Thời gian qua, huyện Như Thanh là một trong những địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng trái phép. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của phóng viên cho thấy, các cơ sở trái phép trên địa bàn vẫn đang hoạt động công khai, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cụ thể, thời điểm phóng viên trực tiếp khảo sát, 2 điểm thu mua gỗ rừng ở xã Xuân Khang của ông Cao Văn Chanh (thôn Xuân Hòa) và ông Hoàng Văn Tùng (thôn Xuân Lộc) vẫn chưa có dấu hiệu dừng hẳn. Phóng viên đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại của Chủ tịch UBND xã Xuân Khang nhưng không nhận được phản hồi.

Tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, qua trao đổi, ông Mã Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trên địa bàn có 5 cơ sở chế biến, thu mua gỗ rừng trồng, trong đó có 2 bàn cân thu mua (thôn Đồng Xá), 3 cơ sở vừa thu mua vừa chế biến, sản xuất sản phẩm từ gỗ. Đợt cuối năm 2024, các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh và xã cũng đã kiểm tra, xử lý, đình chỉ các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, các hộ gia đình sử dụng bàn cân thu mua gỗ vẫn thi thoảng tranh thủ hoạt động, ông Hùng thừa nhận. Khi phóng viên phản ánh, tại cơ sở vừa thu mua vừa chế biến gỗ (Công ty TNHH Hoàng Phát Như Thanh) của ông Dương Đình Sơn (thôn Bái Thất, xã Xuân Phúc) vẫn đang hoạt động lâu nay? Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc cho biết, xã sẽ kiểm tra thông tin, xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền sẽ lập hồ sơ báo cáo lên UBND huyện.

Tương tự, Doanh nghiệp Tân Tiến tại thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh đã hoạt động thu mua, chế biến gỗ rừng nhiều năm. Qua kiểm tra, doanh nghiệp có vi phạm về sử dụng đất, UBND huyện đã yêu cầu dừng hoạt động, hoàn thiện hồ sơ đảm bảo tính pháp lý. Tuy vậy, tại thời điểm phóng viên trực tiếp ghi nhận, doanh nghiệp này vẫn hoạt động công khai, chưa có dấu hiệu dừng hẳn.

Phản ánh vấn đề này với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hữu Sang - Chủ tịch UBND thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh cho hay: Ngày 10/4, UBND thị trấn đã làm việc với Công ty Tân Tiến, yêu cầu đơn vị này dừng hoạt động, hoàn thiện hồ sơ pháp lý đảm bảo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc hoàn thành các thủ tục hồ sơ phải chờ đến khi hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã rồi mới có thể xem xét đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... nếu đảm bảo môi trường, giao thông, xa khu dân cư… Chủ tịch UBND thị trấn Bến Sung, cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, tình trạng tái diễn hoạt động các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trái phép không chỉ diễn ra tại huyện Ngọc Lặc, huyện Như Thanh mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trách nhiệm giám sát, xử lý vi phạm hành vi nói trên thuộc về UBND các xã, thị trấn…

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/hang-loat-co-so-thu-mua-che-bien-go-trai-phep-tai-dien-hoat-dong-i767074/
Zalo