Hàng không 'trở lại' bầu trời

Ngành hàng không đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2024, mọi khó khăn dần qua đi, nhiều hãng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.

Sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19 hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không đã hồi hoàn toàn trở lại.

Sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19 hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không đã hồi hoàn toàn trở lại.

Tín hiệu tích cực

Tổng công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - mã chứng khoán HVN: HOSE) đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2024.

Ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines để khắc phục khó khăn trước mắt. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa 5 năm (gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết 135 của Quốc hội).

Quyết định này giúp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Trước đó, Vietnam Airlines đã sử dụng gói vay vốn 4.000 tỷ đồng. Đây là giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hãng hàng không quốc gia do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Năm 2024, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu đạt 105.946 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.233 tỷ đồng. Nếu kế hoạch được hiện thực, Vietnam Airlines sẽ thoát khỏi tình trạng 4 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ và gặp khó khăn về dòng tiền.

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đã có tiến triển khả quan. Kết thúc ba tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.400 tỷ đồng, thoát khỏi tình cảnh thua lỗ 12 quý liên tiếp trước đó.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán ACV: UPCoM) cũng ghi nhận lợi nhuận khủng trong ba tháng đầu năm với 2.900 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC: HOSE) báo lãi 539 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức lợi nhuận này, VJC đã quay trở lại như thời kỳ trước khi diễn ra Covid-19.

Bừng tỉnh sau dịch, hàng không sẽ bứt phá mạnh mẽ cùng triển vọng tăng trưởng trong dài hạn khi nền kinh tế thế giới và trong nước đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Một hãng hàng không tân binh là Vietravel Airlines cũng ghi nhận khởi sắc, kinh doanh bắt đầu có lãi từ quý I/2024 với doanh thu đạt hơn 491 tỷ đồng (tăng 42%) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên hãng báo lãi kể từ khi cất cánh lên bầu trời.

Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Tổng cục Thống kê cho biết, ngành du lịch đón trên 8,8 triệu lượt khách quốc tế trong nửa đầu năm 2024, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này, Việt Nam đã hoàn thành 50% kế hoạch đề ra về mục tiêu đón khách quốc tế cả năm.

Các chuyến bay thẳng từ các quốc gia khác đến Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, giúp du khách thuận tiện và tiết kiệm hơn khi di chuyển. Việc Việt Nam áp dụng chính sách visa mới cũng tạo nên sự hấp dẫn và gia tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Khách quốc tế cũng là tệp khách hàng mang lại doanh thu, lợi nhuận tốt nhất cho các hãng hàng không. Sự phục hồi tích cực từ lượng khách tiếp đà tăng trưởng cho các hãng hàng không trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài khách quốc tế tăng trưởng, khách nội địa trong nửa đầu năm ghi nhận 66,5 triệu lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch).

Bừng tỉnh và bứt phá

Tại hội thảo “hàng không, du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững” tổ chức trong tháng 6/2024 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, sau đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực phục hồi khai thác, nhưng chưa trở lại được so với trước đại dịch.

Từ cuối năm 2023, những tác động từ chi phí đầu vào gia tăng và biến động quy mô đội tàu bay là nguyên nhân chính gây áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào giai đoạn cao điểm.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, cũng như việc phải cân đối khai thác đáp ứng nhu cầu di chuyển, về tổng thể, khai thác thị trường hàng không ghi nhận sự tăng trưởng hành khách vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế. Đây là kết quả khích lệ giao thương kết nối, đưa du khách quốc tế đến Việt Nam.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, nước ta đang bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa và mùa thấp điểm du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, lượng khách quốc tế trong tháng 6 vẫn cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch, một tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4, nên cuối năm sẽ là cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc.

Thị trường hàng không quốc tế hiện có 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác 164 đường bay quốc tế, kết nối 33 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam. Mạng đường bay quốc tế đã được khôi phục hoàn toàn như giai đoạn trước dịch Covid-19 và tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.

Đối với hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác 45 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương, thực hiện gần 600 chuyến bay mỗi ngày.

Trong đó, đường bay Hà Nội - TP.HCM được khai thác nhiều nhất với gần 43.000 chuyến bay (chiếm 17,5% số chuyến bay nội địa trong năm 2023). Đây cũng là đường bay được ghi nhận trong Top 10 đường bay bận rộn nhất thế giới năm 2023.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định, sự hồi phục của ngành hàng không từ mức đáy của đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ ở mức vừa phải. Doanh thu của ngành có khả năng tăng 7,6% lên 964 tỷ USD vào năm 2024 từ mức ước tính 896 tỷ USD của năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất cao và lạm phát tăng làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của ngành.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, cổ phiếu nhóm hàng không có nhiều triển vọng tăng trưởng, dù hiện nay một số cổ phiếu đã có thị giá ở mức cao, nhưng cơ hội mở ra cho nhóm này vẫn còn nhiều cùng sự phục hồi tích cực của ngành. Cổ phiếu hàng không là một trong những nhóm ngành ghi nhận đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm.

Bừng tỉnh sau dịch, hàng không sẽ bứt phá mạnh mẽ cùng triển vọng tăng trưởng trong dài hạn khi nền kinh tế thế giới và trong nước đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

VinaCapital dự đoán lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 40% trong năm 2024, so với mức tăng trưởng ấn tượng 250% vào năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hàng không.

Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 3/7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023.

Cụ thể, thị trường hàng không quốc tế đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019 - năm trước dịch Covid-19. Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 44% thị phần hành khách quốc tế với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 77%.

Theo lịch bay mùa hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn đường bay quốc tế như giai đoạn trước dịch Covid-19. Đồng thời, các hãng đang tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.

Hải Minh / Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hang-khong-tro-lai-bau-troi-post351255.html
Zalo