Hàng ăn 'chặt chém' ngày Tết, mất nhiều hơn được

Thu tiền 'chặt chém' nhiều loại dịch vụ trong những ngày Tết không còn là chuyện lạ. Thời buổi này, những chuyện bất hợp lý như vậy sẽ nhanh chóng được chia sẻ và nổi tiếng trên mạng xã hội.

Khách xếp hàng chờ đến lượt mua đồ uống tại quán cà phê trên phố Bạch Đằng (TP Hải Dương) tối mồng 2 Tết (ảnh minh họa)

Khách xếp hàng chờ đến lượt mua đồ uống tại quán cà phê trên phố Bạch Đằng (TP Hải Dương) tối mồng 2 Tết (ảnh minh họa)

Mới đây, quán bún riêu tại số 54 Bạch Mai, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bị phản ánh thu của khách 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu đêm 29/1 (mùng 1 Tết Ất Tỵ 2025) đã bị phường Bách Khoa tạm đình chỉ hoạt động để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.

Cụ thể, rạng sáng mùng 2 Tết, một tài khoản trên facebook chia sẻ cô phải trả 400.000 đồng cho 1 bát bún riêu tại quán bún 54 Bạch Mai. Cô đã chuyển khoản tổng cộng 1,2 triệu đồng để thanh toán cho 3 bát bún riêu.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ quán bún riêu trên thừa nhận có sai sót do “đùa” nên báo giá 1,2 triệu đồng 3 bát bún riêu. Chủ quán cũng nhận ra sai sót nên đăng trên mạng xã hội lời xin lỗi và tìm cách liên hệ với khách hàng để chuyển trả tiền.

Sự thật có phải do trêu đùa dẫn đến nhầm lẫn trong chuyển khoản thanh toán hay không nhưng câu chuyện về sự “chặt chém” lại một lần nữa “nóng” lên khiến không ít người bức xúc trước thái độ kinh doanh thiếu văn minh.

Ở một góc độ nào đó, chủ quán bún riêu trên có thể chỉ đơn giản nghĩ rằng ngày Tết mọi chi phí đều tăng, hàng ăn ít nên tăng giá bán là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chủ quán đã quên mất rằng thời buổi công nghệ số, nhiều bức xúc, bực dọc, “chặt chém” khách sẽ ngay lập tức được khách hàng đưa lên mạng xã hội. Và sau đó, thông tin về quán ăn, hành vi “chặt chém” khách, thu tiền cao quá mức bình thường… sẽ tràn lan trên internet - hậu quả cuối cùng khiến chính chủ quán cũng không thể lường hết được.

Chưa biết chủ quán thu được bao nhiêu tiền của khách bằng hình thức “chặt chém” trong những ngày Tết nhưng việc bị tạm đình chỉ hoạt động thì hậu quả ai cũng nhìn thấy. Điều quan trọng hơn cả là sau khi được phép hoạt động trở lại, liệu còn mấy người quay trở lại làm khách của quán này?

Thực tế, tình trạng chặt chém, tăng giá dịch vụ những ngày trước, trong và sau Tết vẫn thường diễn ra ở nhiều địa phương. Từ tăng giá dịch vụ ăn uống cho đến dịch vụ làm đẹp, trông giữ xe, rửa xe… Gần nhất, ngày 31/1 (tức mồng 3 Tết), chủ tài khoản facebook L.M.H. đăng trên nhóm “Chợ Đông” phản ánh rằng anh phải trả 250.000 đồng để rửa 1 chiếc xe ô tô tại 1 điểm rửa xe trên phố Hoàng Quốc Việt (TP Hải Dương). Mức giá này cao gấp 4 lần so với ngày thường.

Không chỉ dịch vụ rửa xe, trước nhu cầu du xuân, đi lễ đầu năm của người dân tăng mạnh, tại khu vực xung quanh các đền, chùa, nhiều điểm trông giữ xe tự phát cũng mọc lên. Không ít điểm trông giữ xe thu giá quá cao so với quy định bị báo chí phản ảnh, lực lượng chức năng kiểm tra, chấn chỉnh…

Mùa du lịch hay các dịp lễ, Tết, giá cả đầu vào nhiều loại dịch vụ thường tăng, khiến người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn trước đó là điều khó tránh khỏi. Ở một quán phở Hà Nội trước khi bán hàng cho khách, nhân viên thông báo rõ mức phụ thu dịp Tết 10.000/ bát. Khách nào cũng thoải mái vì sự minh bạch. Đây là một cử chỉ văn minh.

Việc tăng giá quá mức, tăng giá bất hợp lý của chủ nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh sẽ làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh của chính họ và gây ra “lợi bất cập hại”. Bởi lợi nhuận thu được từ việc “chặt chém” có thể là ngắn hạn nhưng sẽ gây ra những hậu quả lâu dài. Khách hàng sẽ không quay lại quán ăn và sẽ lan truyền thông tin tiêu cực đến những người khác.

Về mặt xây dựng thương hiệu, việc “chặt chém” sẽ làm mất đi cơ hội thu hút khách hàng. Còn về mặt pháp lý, nếu chủ cơ sở không cung cấp đầy đủ thông tin về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ thì hành vi tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử phạt.

Nghị định 49/2016/NĐ-CP quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đồng thời phải niêm yết đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Nghị định 149/2017/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Mức phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng áp dụng với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá. Đặc biệt, mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 40 triệu - 60 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Ngoài tiền phạt, người vi phạm còn phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Chế tài xử lý đã rõ ràng, nhiều trường hợp bị tạm dừng hoạt động, xử lý vi phạm hành chính, bị công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là bài học đắt giá cho những người làm ăn “chộp giật”, “chặt chém”. Để tránh bị “chặt chém” trong những ngày đầu năm mới, mỗi người dân cần thận trọng hỏi giá trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào. Khi bị bên cung cấp dịch vụ thu mức giá bất hợp lý cần trình báo chính quyền nơi xảy ra vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

TRƯƠNG HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hang-an-chat-chem-ngay-tet-mat-nhieu-hon-duoc-404333.html
Zalo