Hàn Quốc: Robot dần thay thế người lính trên chiến trường

Khi quân đội Hàn Quốc tìm cách khai thác các công nghệ mới để bù đắp cho lực lượng nghĩa vụ đang suy giảm, nước này vừa tiến hành đấu thầu mua phương tiện mặt đất không người lái (UGV) cho Quân đội và lực lượng Thủy quân lục chiến quốc gia. Cơ quan quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng vừa công bố một gói thầu đưa ra ngân sách 49,63 tỷ won (36,56 triệu USD) cho các biến thể đa năng của robot mặt đất.

Thông báo cho biết, những chiếc xe này sẽ được mua trong nước thông qua đấu thầu cạnh tranh. Sau khi ký hợp đồng, việc sản xuất với số lượng chưa xác định sẽ được tiến hành cho đến tháng 12/2026.

Bắn mục tiêu không cần có sự can thiệp của con người

Kim Jae Yeop, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược toàn cầu Sungkyun ở Seoul, nói với Defense News rằng, cuộc đấu thầu này đánh dấu chương trình mua sắm lớn đầu tiên dành cho lực lượng mặt đất của Seoul để mua các UGV đang hoạt động. Các phương tiện này được hình dung sẽ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, vận chuyển và vũ trang hạng nhẹ cùng với đội hình mặt đất có người lái.

Theo ông Kim, có hai ứng cử viên hàng đầu tham gia đấu thầu là Hyundai Rotem và Hanwha Aerospace. Ông nói: “Cả hai công ty đều là những nhà thầu quốc phòng quan trọng của Hàn Quốc, đặc biệt là các hệ thống trên bộ và đang tiến hành các chương trình phát triển UGV của riêng mình”.

Hyundai Rotem xác nhận với Defense News rằng, họ sẽ tham gia đấu thầu, mặc dù từ chối nêu rõ nền tảng nào sẽ cung cấp.

Super aEgis II có tầm hoạt động tới 4km và đủ sức hạ được mục tiêu cỡ xe tải.

Super aEgis II có tầm hoạt động tới 4km và đủ sức hạ được mục tiêu cỡ xe tải.

Trước đó, Hàn Quốc đã triển khai lính robot SGR-A1 và Super aEgis II dọc biên giới với Triều Tiên, tựa như Israel đã triển khai Sentry Tech dọc biên giới Gaza. Đây được xem là lính canh gác không bao giờ ngủ.

Tại thành phố Daejeon của Hàn Quốc, một nhà máy sản xuất vũ khí đã thiết kế và cho ra đời một loại súng đặt trên tháp pháo. Thứ vũ khí này có khả năng nhận dạng, truy tìm và nhắm bắn mục tiêu không cần có sự can thiệp của con người. Vậy ai sẽ là người dạy các chiến binh robot này nguyên tắc tác chiến?

Trên ngọn đồi xanh tươi nhìn xuống Daejeon, một thành phố miền trung Hàn Quốc, một súng máy gắn trên tháp pháo đang tầm quét mục tiêu phía trước. Cả bộ, gồm đế và súng, to cỡ bằng một chú chó lớn, trông bắt mắt, sạch sẽ. Băng đạn đủ mạnh để phá hủy chiếc xe tải. Một sợi cáp Ethernet (nối liền các máy tính để thiết lập mạng nội địa) nối từ bệ súng đế dẫn xuống nền cỏ rồi chạy vào một lều vải.

Sợi cáp được kéo lên trên giá đỡ rồi luồn vào phía sau chiếc máy tính với màn hình hiển thị các hình ảnh khác nhau do camera truyền về. Một camera to bằng mắt cá ghi hình có góc rộng 180 độ cho thấy quang cảnh trước mắt. Một camera khác theo dõi từ trên không xuống.

Những hình chóp nón màu đỏ phía trước, đánh dấu tầm tấn công của tháp pháo. Phạm vi này quy ra địa hình thực tế sẽ là một khu vực trải dài 4km, đủ để xâm nhập vào sâu trong thành phố nếu tính từ địa điểm quan sát trên cao đầy lợi thế này.

Cạnh bàn phím là một bộ cần điều khiển phức tạp, khá giống với bộ điều khiển các game máy tính hiện đại. Một tấm gỗ gắn vào bàn ở phía trên bảng điều khiển cho biết chức năng của từng loại nút bấm khác nhau. Một nút là để ngắm bắn. Một nút khác để đo khoảng cách từ vị trí súng tới mục tiêu. Một để nạp đạn. Nhóm các kỹ sư đứng quanh bàn tỏ ra do dự khi chiếc loa phóng thanh đặt trên chân đỡ bất ngờ phát ra những âm thanh cảnh báo. Một ô vuông nhấp nháy trên màn hình máy tính báo hiệu một mục tiêu vừa được phát hiện đang di chuyển trong tầm theo dõi của camera - đó là một chiếc xe hơi.

Tháp pháo tự động có thể giám sát biên giới 24 giờ/ngày, không giống như một người lính.

Tháp pháo tự động có thể giám sát biên giới 24 giờ/ngày, không giống như một người lính.

Vị trí của nòng súng được thể hiện bằng một ô màu đỏ di chuyển trên màn hình máy tính. Chiếc loa, bộ phận được gắn liền với hoạt động của tháp pháo, là một robot phát tín hiệu cảnh báo, với âm lượng có thể nghe được từ cách xa 3km. Âm thanh được phát đi với độ chính xác không thể tin nổi, nhằm cảnh báo mục tiêu trước khi nổ súng. Lời cảnh báo phải được đưa ra trước mỗi lần nhả đạn, theo đúng luật quốc tế, các kỹ sư cho biết.

"Hãy quay lại," robot nói bằng một thứ tiếng Hàn khẩn trương. “Quay lại ngay, nếu không chúng tôi sẽ bắn”. "Chữ "chúng tôi" có ý nghĩa quan trọng. Super aEgis II, tháp pháo tự động ăn khách nhất của Hàn Quốc, sẽ không nhả đạn nếu như không có lệnh “OK” từ con người nói ra. Người điều khiển trước tiên phải nhập mật mã (password) vào hệ thống máy tính để kích hoạt chức năng nhả đạn của tháp pháo. Sau đó, người đó phải ra mệnh lệnh trực tiếp thì tháp pháo mới khai hỏa.

"Thiết kế lúc đầu đưa ra không phải là như vậy", Jungsuk Park, kỹ sư cao cấp của DoDAAM, hãng sản xuất ra tháp pháo cho biết. Park làm việc tại bộ phận Giám sát Robot của công ty, được đặt tại quận chuyên về công nghệ Yuseong của thành phố Daejeon. Bộ phận này có 150 nhân viên, hầu hết đều là các kỹ sư.

"Đời máy đầu tiên mà chúng tôi đưa ra có hệ thống nhả đạn tự động", ông giải thích. "Nhưng tất cả các khách hàng của chúng tôi đều yêu cầu phải thêm phần kiểm soát của con người. Về mặt công nghệ thì chúng tôi không thấy có vấn đề gì, nhưng họ lo rằng, súng có thể nhả đạn lầm".

Super aEgis II lần đầu tiên ra mắt hồi 2010, là một trong những loại vũ khí tự động đời mới có khả năng xác định, bám theo và phá hủy mục tiêu di động từ khoảng cách rất xa, mà về mặt lý thuyết là không cần tới sự can thiệp của con người. Thiết bị này rất được ưa chuộng và đem lại lợi nhuận lớn cho công ty. DoDAAM nói, họ đã bán được hơn 30 bộ thiết bị kể từ khi ra mắt, mỗi bộ là một phần trong hệ thống phòng thủ trọn gói, trị giá trên 40 triệu USD.

Tháp pháo hiện đang được sử dụng ở nhiều nơi tại Trung Đông, trong đó có ba căn cứ không quân tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (Al Dhafra, Al Safran, và Al Minad), tại Hoàng Cung ở Abu Dhabi, tại một kho vũ khí ở Qatar và một số sân bay, nhà máy điện, các đường ống dẫn, các căn cứ quân sự ở các nơi khác trên thế giới.

Trong 15 năm qua, công nghệ vũ khí tự động và thiết bị không người điều khiển đã có những bước phát triển to lớn. Quân đội Mỹ đã sử dụng các robot bán tự động tương tự để thả bom và do thám. Năm 2000, Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu một phần ba xe quân sự trên bộ và máy bay tiêm kích phải được thay thế bằng loại tự động. Sáu năm sau, hàng trăm robot di động chiến thuật PackBot (PackBot Tactical Mobile Robots) đã được triển khai tại Iraq và Afghanistan, nhằm mở đường cho việc chiến đấu ở các khu đô thị, đặt đường cáp quang, và làm các nhiệm vụ nguy hiểm khác thay cho con người.

Một phi công có thể cố ý tạo ra vụ đâm máy bay, nhưng máy bay không người lái sẽ không bị chiếm quyền kiểm soát.

Một phi công có thể cố ý tạo ra vụ đâm máy bay, nhưng máy bay không người lái sẽ không bị chiếm quyền kiểm soát.

“Các hạn chế tự đặt ra”

Đầu 2005, tờ New York Times tường thuật về các kế hoạch của Ngũ Giác Đài (Lầu Năm góc) nhằm thay thế lính bằng các robot tự động. Lý do thật dễ hiểu. Nếu có robot, số lính phải ra mặt trận sẽ giảm, và do vậy giảm nguy cơ thương vong của binh lính. Tuy nhiên, trong lúc các thiết bị như Super aEgis II với khả năng tự động tiêu diệt mục tiêu đã tồn tại cả hơn chục năm nay, thì công chúng vẫn chưa hề biết tới việc có robot gắn súng máy tự động được đưa vào sử dụng.

Isaac Asimov, tác giả cuốn truyện khoa học viễn tưởng “Nguyên tắc đầu tiên của Robot” (First Laws of Robotics), cho rằng “một robot không thể làm tổn hại tới bất kỳ ai, hoặc hành động khiến một người có thể bị tổn hại' - thế nhưng có vẻ như quy tắc này sẽ bị phá vỡ. Việc Tổ chức Theo dõi nhân quyền kêu gọi ra lệnh cấm đối với việc "phát triển, sản xuất và sử dụng vũ khí tự động hoàn toàn" dường như không thực tiễn. Những cỗ máy như trên thực ra đã tồn tại, đang được bán ra thị trường, dù cho, Park ở DoDAAM đã biện luận rằng, chúng được "tự đặt giới hạn" hoạt động.

"Khi khởi đầu dự án, chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội làm ăn", Yangchan Song, giám đốc điều hành phụ trách mảng chiến lược của hãng nói.

"Vũ khí tự động sẽ là thứ được dùng trong tương lai. Chúng tôi đã đúng hướng. Việc cải tiến diễn ra rất nhanh chóng. Chúng tôi đã phát triển từ các thiết bị chiến đấu điều khiển từ xa tới công nghệ mà chúng tôi đang tiếp cận: đó là các thiết bị thông minh có khả năng tự phán đoán và ra quyết định". Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực robot quân sự, bởi nước này có chung đường biên giới với Bắc Triều, theo lời Tổng giám đốc điều hành của DoDAAM, Myung Kwang Chang.

"Mọi việc bắt đầu từ các nhà sáng chế", ông nói. "Chúng tôi sống trong một bối cảnh đặc biệt. Chúng tôi có mối đe dọa hiện diện ngay bên cạnh. Nguy cơ thường trực khiến chúng tôi phải phát triển một quân đội mạnh và phải dùng đến sự hỗ trợ của công nghệ. Vũ khí của chúng tôi không bao giờ nằm yên, như con người vậy. Vũ khí của chúng tôi có thể nhìn vào bóng đêm, điều mà con người không làm được. Công nghệ giúp bù đắp những gì mà con người không làm được".

Robot quân sự có thể được tạo ra hoạt động trong phạm trù đạo đức của con người.

Robot quân sự có thể được tạo ra hoạt động trong phạm trù đạo đức của con người.

Tại khu phi quân sự (DMZ), một dải đất hẹp không bóng người nhằm phân cách hai miền Triều Tiên, DoDAAM và hãng Samsung cạnh tranh, vốn cũng từng thiết kế tháp pháo tự động nhưng nay bỏ cuộc, đã thử nghiệm Super aEgis II. DMZ là nơi lý tưởng để thử nghiệm những thứ như thế này. Hai miền Triều Tiên chưa ký thỏa thuận ngừng bắn kể từ sau khi chấm dứt sự thù nghịch chính thức năm 1953 tới nay, cho nên DMZ là vùng đệm được hàng ngàn binh lính của cả hai bên canh phòng cẩn mật.

Tháp pháo không bao giờ ngủ, nó còn có khả năng nhìn vào bóng đêm nhờ trang bị camera tầm nhiệt, và một khi được chĩa vào đúng hướng, nó sẽ đảm bảo biến tất cả các mục tiêu di động ở khu vực đó trở thành kẻ thù. Tuy nhiên, sự việc phức tạp hơn khi cỗ máy được đặt tại nơi mà cả bạn lẫn thù đều hòa lẫn vào nhau. Hiện loại vũ khí này vẫn chưa có cách nào phân biệt được bạn với thù. "Bước tiếp theo là chúng tôi sẽ phát triển phần mềm nhằm phân biệt được bạn với thù, dân thường với binh lính", Song, một kỹ sư trẻ nói. "Hiện nay, tháp pháo cần có sự can thiệp của con người trong việc xác định một đối tượng nào đó có phải là mục tiêu hay không".

Park và các kỹ sư khác nói rằng họ sắp đạt được kết quả cần thiết để máy có thể hoạt động độc lập khỏi sự can thiệp của con người. Nhờ được trang bị nhiều camera, Park nói, phần mềm của tháp pháo sẽ xác định được liệu đối tượng đang bị theo dõi có mang theo chất nổ trong mình hay không, và khả năng nhận dạng kẻ thù dựa trên quân phục người đó mặc. Một khi vũ khí có thể phân biệt được giữa bạn và thù thì việc tiến tới tự động hóa hoàn toàn sẽ là điều đơn giản.

Long Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/han-quoc-robot-dan-thay-the-nguoi-linh-tren-chien-truong-i749561/
Zalo