Hàn Quốc mở rộng ngân sách ODA, hướng tới mục tiêu top 10 thế giới

Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu bằng cách mở rộng ngân sách cho vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) lên mức cao kỷ lục 4,54 tỷ USD vào năm 2024. Kế hoạch này nhằm giúp Hàn Quốc đạt được mục tiêu trở thành 1 trong 10 quốc gia cung cấp ODA hàng đầu thế giới.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến mở rộng ngân sách cho vốn ODA năm 2024 lên mức lớn nhất từ trước đến nay - Ảnh minh họa

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến mở rộng ngân sách cho vốn ODA năm 2024 lên mức lớn nhất từ trước đến nay - Ảnh minh họa

Mở rộng ngân sách cho vốn ODA

Theo số liệu thống kê tạm thời về ODA do Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào tháng 4/2024, vốn ODA của Hàn Quốc năm 2023 là 3,13 tỷ USD, tăng 320 triệu USD (11,4%) so với năm 2022.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến mở rộng ngân sách cho vốn ODA năm 2024 lên mức lớn nhất từ trước đến nay ở mức khoảng 4,54 tỷ USD, tăng 31,1% so với năm 2023, nhằm tương xứng với vai trò và vị thế quốc gia trụ cột toàn cầu bất chấp xu hướng thắt lưng buộc bụng tài chính trong nước.

Trong tương lai, với kế hoạch hiện thực hóa lợi ích chung của quốc gia thông qua hỗ trợ ODA, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vốn ODA để tích cực đáp ứng nhu cầu hợp tác phát triển quốc tế bao gồm hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực xung đột và thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 14/4 cho biết, năm 2023, vốn ODA của Hàn Quốc dành cho viện trợ song phương là 2,3 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm trước đó, trong đó cả viện trợ không hoàn lại (1,57 tỷ USD), viện trợ phải trả (730 triệu USD) và viện trợ đa phương là 830 triệu USD.

Viện trợ không hoàn lại tăng 2,6% so với năm trước đó do tăng hỗ trợ cho các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế và hành chính công (tăng 0,8 tỷ USD) và tăng viện trợ nhân đạo cho cứu trợ khẩn cấp ở nước ngoài, hỗ trợ cho người dễ bị tổn thương (tăng 0,2 tỷ USD).

Hỗ trợ vốn vay phải trả cũng tăng 5,1% so với năm trước đó do nhu cầu tài chính ngày càng tăng từ các quốc gia tiếp nhận, chẳng hạn như ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển công nghiệp.

Viện trợ đa phương (830 triệu USD) được cung cấp bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA - một tổ chức tài chính quốc tế trực thuộc Ngân hàng Thế giới) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để ứng phó với đại dịch COVID-19 ở các quốc gia có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, đồng thời hỗ trợ phục hồi kinh tế ở các nước đang phát triển.

Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước tình trạng thiếu tài chính phát triển trên toàn cầu thông qua viện trợ đa phương, đồng thời tích cực bày tỏ mong muốn góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế với tư cách là một quốc gia trụ cột toàn cầu.

Năm 2023 cũng ghi nhận tổng nguồn vốn ODA từ 31 quốc gia thành viên của DAC thuộc Tổ chức OECD đạt 223,7 tỷ USD, tăng 6,2% so với 210,7 tỷ USD của năm trước đó.

Điều này là do sự gia tăng đầu tư và đóng góp cho các tổ chức quốc tế như WB và viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Trong số 31 quốc gia thành viên DAC, Hàn Quốc đứng thứ 14 về quy mô hỗ trợ và tỷ lệ vốn ODA trên tổng thu nhập quốc dân (GNI).

Lĩnh vực hỗ trợ đa dạng

Một dự án tại Philippines sử dụng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc - Ảnh sưu tầm

Một dự án tại Philippines sử dụng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc - Ảnh sưu tầm

Là nguồn tài chính cơ bản cho hỗ trợ phát triển quốc tế, ODA là viện trợ của chính phủ được thiết kế nhằm thúc đẩy phúc lợi và thịnh vượng kinh tế của các nước đang phát triển.

Theo đó, các lĩnh vực hỗ trợ của Hàn Quốc cũng hết sức đa dạng, từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đến chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nông nghiệp, giáo dục, công nghệ số và chia sẻ kiến thức.

Hỗ trợ được thực hiện thông qua quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và các chương trình viện trợ nước ngoài trong nhiều thập kỷ của Hàn Quốc như Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF).

Cam kết mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc được đưa ra ngày 09/7 khi Thứ trưởng Tài chính Choi Ji Young công bố khoản đóng góp 7 triệu USD trong cuộc họp Hội đồng của Quỹ ứng phó với thiệt hại.

Ra đời năm 2023, Quỹ này dành riêng để giúp đỡ các nước đang phát triển dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Tuần trước, Hàn Quốc đã công bố Lộ trình Năng động quốc gia, một bộ mục tiêu chính sách dài hạn toàn diện của chính phủ, vạch ra kế hoạch triển khai Gói tài chính K vào nửa cuối năm nay.

Gói hỗ trợ này cung cấp viện trợ đa dạng bằng cách tận dụng EDCF và các quỹ khác dành cho chuỗi cung ứng và tài trợ xuất khẩu.

Được thành lập năm 1987, EDCF cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước đang phát triển và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước này và Hàn Quốc.

Trong cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Gruzia vào tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Choi Sang Mok đã ký Biên bản ghi nhớ với Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa về việc dành 2 tỷ USD đồng tài trợ cho các dự án của ADB trong 3 năm tới.

Các dự án bao trùm các lĩnh vực giao thông, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, cải cách quản trị, y tế và công nghệ thông tin và truyền thông.

Trong tuyên bố chung năm 2023 của Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế Hàn Quốc-châu Phi tại Busan, Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết sẽ cung cấp gói hỗ trợ trị giá 6 tỷ USD cho châu Phi, đáp ứng nhu cầu của các nước "Lục địa Đen" thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và áp dụng phát triển nông nghiệp dựa trên công nghệ.

Ngoài ra, Hàn Quốc và các nước châu Phi đã nhất trí tăng cường hợp tác để chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực.

Nam Sơn

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/han-quoc-mo-rong-ngan-sach-oda-huong-toi-muc-tieu-top-10-the-gioi-33046.html
Zalo