Hàn Quốc: 'Khủng hoảng là cơ hội hoàn hảo để tiến bộ'

Nền kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt với 'tình hình đầy thách thức' trong năm nay, nhưng 'xứ sở kim chi' đã phát triển bằng cách vượt qua các cuộc khủng hoảng.

Các nhà lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã chia sẻ triển vọng không mấy sáng sủa cho năm mới, dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại và gia tăng bất ổn do tình hình chính trị trong nước và quốc tế, trang Korea Times đưa tin.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) Chey Tae-won cho biết trong thông điệp năm mới rằng, nền kinh tế Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt với "tình hình đầy thách thức" trong năm nay, bất chấp sự phục hồi gần đây của xuất khẩu và tâm lý nhà đầu tư.

"Với các biến số nội bộ và bên ngoài gần đây, nhiều tổ chức nghiên cứu trong nước và toàn cầu dự đoán rằng nền kinh tế của chúng ta có khả năng sẽ tăng trưởng trong phạm vi 1% vào năm tới", ông Chey cho biết hồi cuối tháng 12 năm ngoái.

Người đứng đầu hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của "xứ sở kimchi" lưu ý rằng sự thay đổi mô hình công nghiệp do trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy và những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường thương mại toàn cầu đang buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc phải "xem xét lại các hoạt động quản lý cơ bản của mình".

Ông cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp rất cần sự ổn định chính trị để tập trung vào công việc của mình, đồng thời nói thêm rằng, "Các chính sách liên quan đến sinh kế của người dân và nền kinh tế phải được theo đuổi mà không có bất kỳ sự do dự nào".

Kinh tế Hàn Quốc được dự báo tăng trưởng dưới 2% vào năm 2025. Ảnh: SCMP

Kinh tế Hàn Quốc được dự báo tăng trưởng dưới 2% vào năm 2025. Ảnh: SCMP

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải vật lộn với những bất ổn trong bối cảnh chính trị của đất nước, bao gồm nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và cuộc luận tội theo sau đó.

"Chúng ta không thể chào đón năm mới chỉ bằng hy vọng và kỳ vọng", Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) Ryu Jin cho biết, đồng thời nói thêm, "Nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết".

"Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump sẽ theo đuổi nguyên tắc Nước Mỹ trên hết", ông Ryu nhận định.

"Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta đang mất đi sức mạnh cơ bản do tỉ lệ sinh thấp, bước vào kỷ nguyên tăng trưởng thấp với mức tăng trưởng hàng năm trong khoảng 1%. Hàn Quốc một lần nữa thấy mình đang ở ngã ba đường giữa tăng trưởng và trì trệ", người đứng đầu FKI chỉ ra.

Đồng thời, ông Ryu cho biết liên đoàn của ông sẽ đảm nhận vai trò ngoại giao trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Ông nói: "Chúng tôi sẽ tích cực trao đổi với chính quyền mới tại Mỹ để giảm thiểu rủi ro và mở rộng cơ hội".

Ông Ryu được mời tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào ngày 20/1 tại Nhà Trắng, ở Washington, D.C.

"Hàn Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, phức tạp hơn bởi tình hình bất ổn chính trị và những thách thức kinh tế", Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Hàn Quốc (KEF) Sohn Kyung-shik cho biết.

"Tất cả các bên tham gia kinh tế phải đoàn kết và trung thành hoàn thành vai trò tương ứng của mình", ông nói thêm, đồng thời kêu gọi cải thiện hệ thống lao động và tiền lương của Hàn Quốc để giải quyết tốt hơn những vấn đề này.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) Yoon Jin-sik cũng dự báo các động thái bảo hộ sẽ mở rộng trong năm mới sau khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của mình, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về cải cách cơ cấu kinh tế và các quy định của Hàn Quốc để giải quyết tình trạng dân số trong độ tuổi lao động đang giảm và sự chậm lại trong tăng trưởng tiềm năng.

"Để đối phó với những thách thức này, chúng tôi sẽ tập trung vào các nỗ lực và sáng kiến tại chỗ để xem xét môi trường thương mại trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời tăng cường đổi mới và khả năng cạnh tranh cho các công ty xuất khẩu", ông Yoon cho biết.

Theo trang báo kinh doanh Chosun Biz, đối với Hàn Quốc, quốc gia đã phát triển bằng cách vượt qua các cuộc khủng hoảng quốc gia, khủng hoảng chỉ là một cách thể hiện khác của cơ hội.

Như cách doanh nhân người Nhật Bản nổi tiếng Matsushita Konosuke nói: "Khủng hoảng là cơ hội hoàn hảo để tiến bộ".

Minh Đức (Theo Korea Times, Chosun Biz)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/han-quoc-khung-hoang-la-co-hoi-hoan-hao-de-tien-bo-204250101111641322.htm
Zalo