Hàn Quốc dọa chuyển vũ khí cho Ukraine nếu Nga cung cấp thiết bị quân sự cho Triều Tiên

Hàn Quốc cho biết họ sẽ xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine, sau khi Nga và Triều Tiên ký một hiệp ước phòng thủ chung trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Thỏa thuận này được ký kết hôm 19.6 trong chuyến đi Bình Nhưỡng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nơi ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Các nhà quan sát cho rằng động thái này diễn ra vào thời điểm Nga và Triều Tiên đều phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng từ phương Tây - đánh dấu mối liên hệ mạnh mẽ nhất giữa Moscow và Bình Nhưỡng kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.

Theo văn bản của thỏa thuận do Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố, nếu một trong hai nước bị tấn công và bị đẩy vào tình trạng chiến tranh, nước kia phải triển khai “tất cả các phương tiện, trang bị ngay lập tức” để cung cấp “hỗ trợ quân sự cùng các hỗ trợ khác”.

Thỏa thuận cũng quy định rằng những hành động như vậy phải phù hợp với luật pháp của cả hai nước và điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó công nhận quyền tự vệ của quốc gia thành viên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi ký hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước - Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi ký hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước - Ảnh: AP

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Putin đều mô tả đây là bước nâng cấp lớn trong quan hệ song phương, bao gồm các mối quan hệ an ninh, thương mại, đầu tư, văn hóa và nhân đạo.

Về phần mình, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đưa ra tuyên bố lên án thỏa thuận này, gọi đây là mối đe dọa đối với an ninh của đất nước ông và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời cảnh báo rằng nó sẽ gây ra hậu quả tiêu cực đối với quan hệ của Seoul với Moscow.

Tại Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul cho biết Nga vi phạm nhiều nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chang Ho-jin cho biết Seoul sẽ xem xét lại vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp nước này trong cuộc chiến tranh đang diễn ra với Nga.

Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ nhân đạo và các hỗ trợ khác cho Ukraine, đồng thời tham gia các lệnh trừng phạt kinh tế do Washington dẫn đầu nhằm vào Nga. Tuy nhiên, quốc gia này cho tới nay không trực tiếp cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Phát biểu với các phóng viên sau khi rời Bình Nhưỡng, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ là “một sai lầm rất lớn” đối với Hàn Quốc.

“Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ dẫn đến những quyết định khó có thể làm hài lòng giới lãnh đạo hiện tại của Hàn Quốc”, ông Putin nói và nhấn mạnh rằng Hàn Quốc “không nên lo lắng” về thỏa thuận phòng thủ chung giữa Nga và Triều Tiên nếu Seoul không có ý định gây hấn với Bình Nhưỡng.

Khi được hỏi liệu việc cung cấp vũ khí tầm xa của phương Tây cho Ukraine có phải là hành động gây hấn hay không, ông Putin nói rằng “việc này cần được nghiên cứu thêm” và Moscow không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho Triều Tiên.

“Những người cung cấp những vũ khí cho Ukraine tin rằng họ không có chiến tranh với chúng tôi. Tôi đã nói, kể cả ở Bình Nhưỡng, rằng chúng tôi có quyền cung cấp vũ khí cho các khu vực khác trên thế giới. Hãy ghi nhớ các thỏa thuận của chúng tôi với Triều Tiên, tôi không loại trừ khả năng đó”, Tổng thống Putin nói.

Hiệp ước phòng thủ chung Nga - Triều

Triều Tiên và Liên Xô trước đây đã ký một hiệp ước phòng thủ chung tương tự vào năm 1961. Thỏa thuận này đã bị hủy bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ, được thay thế bằng một thỏa thuận vào năm 2000 với những đảm bảo an ninh yếu hơn.

Theo AP, một số nhà phân tích coi thỏa thuận mới nhất giữa Bình Nhưỡng và Moscow là sự khôi phục hoàn toàn liên minh thời Chiến tranh lạnh, song số khác cho rằng động thái mang tính biểu tượng hơn là thực chất.

Ankit Panda, một nhà phân tích cấp cao tại Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie, nhận định văn bản này dường như diễn giải cẩn thận để tránh việc can thiệp quân sự tự động. “Điều đáng chú ý ở đây là việc hai bên đều sẵn sàng cho thế giới thấy họ có ý định mở rộng phạm vi hợp tác đến mức nào”, ông Panda nói.

KCNA cho biết thỏa thuận yêu cầu các nước thực hiện các bước chuẩn bị chung nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu. Song cơ quan thông tấn của Triều Tiên không nêu rõ những bước đó là gì hoặc liệu chúng có bao gồm cả huấn luyện quân sự kết hợp và hợp tác khác hay không.

Theo KCNA, thỏa thuận này cũng kêu gọi các nước hợp tác tích cực trong nỗ lực thiết lập một “trật tự thế giới mới công bằng và đa cực”, đồng thời nhấn mạnh cách các nước đang điều chỉnh chính sách khi đối đầu riêng biệt với Mỹ.

Jenny Town, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết hiệp ước phòng thủ chung Nga - Triều là một diễn biến quan trọng cần theo dõi.

“Hàn Quốc đã ký các lệnh trừng phạt chống lại Nga do Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine, làm xấu đi mối quan hệ của họ với Moscow. Bây giờ, khi mọi sự mơ hồ về quan hệ đối tác giữa Nga và Triều Tiên đã được xóa bỏ, Seoul sẽ phản ứng thế nào? Liệu Hàn Quốc có quyết định cắt hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao với Nga, hay trục xuất đại sứ của Nga không?”.

Hãng tin AP nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt Nga làm ưu tiên hàng đầu trong những tháng gần đây khi thúc đẩy chính sách đối ngoại nhằm mở rộng quan hệ với các nước đối đầu với Washington, theo đuổi ý tưởng về một “Chiến tranh lạnh mới” và cố gắng thể hiện một mặt trận thống nhất với Nga khi đối đầu phương Tây.

Bên cạnh đó, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, với nhiều vụ thử vũ khí tăng cường của Bình Nhưỡng cũng như các cuộc tập trận quân sự kết hợp giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng gia tăng.

Hai miền Triều Tiên cũng tham gia vào cuộc chiến tranh tâm lý kiểu Chiến tranh lạnh, trong đó Triều Tiên thả hàng tấn rác xuống Hàn Quốc bằng bóng bay và Seoul phát sóng tuyên truyền chống Triều Tiên bằng loa phóng thanh ở biên giới.

Hoàng Vũ (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/han-quoc-doa-chuyen-vu-khi-cho-ukraine-neu-nga-cung-cap-thiet-bi-quan-su-cho-trieu-tien-218707.html
Zalo