Hàn Quốc có thể sửa đổi Hiến pháp
Ngày 6/4, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Shik đã đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp cùng thời điểm với cuộc bầu cử tổng thống sớm.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống phải diễn ra trong vòng 60 ngày sau khi Tòa án Hiến pháp hôm 4/4 ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Toàn cảnh một phiên bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc ở Seoul, ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trong buổi họp báo tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik nêu rõ việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để củng cố hơn nữa các trụ cột phân quyền nhằm đảm bảo chủ quyền nhân dân và thống nhất quốc gia.
Hàn Quốc đã sửa đổi Hiến pháp 9 lần kể từ năm 1948, khi chính phủ nước này được thành lập. Lần cuối cùng, Hiến pháp Hàn Quốc được sửa đổi là năm 1987, xác lập chế độ tổng thống nhiệm kỳ 5 năm thông qua bầu cử trực tiếp và không được tái cử. Các nỗ lực nhằm sửa đổi Hiến pháp đều đã thất bại do sự phân chia quyền lực chính trị giữa tổng thống có quyền lực mạnh và quốc hội bị chia rẽ. Theo luật, Tổng thống hoặc Quốc hội Hàn Quốc có quyền đề xuất sửa đổi Hiến pháp và phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 tổng số nghị sĩ cũng như giành được đa số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc sau đó, với hơn 50% tổng số cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu.
Hôm 4/4, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quân lệnh thiết quân luật hồi tháng 12 năm ngoái. Theo quy định, cuộc bầu cử sớm phải được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ khi tòa án ra phán quyết phê chuẩn quyết định luận tội tổng thống.